Mai Sơn phát triển cây cà phê bền vững

Xác định cây cà phê là một loại cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, huyện Mai Sơn đã tập trung triển khai Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường; quy hoạch và xây dựng vùng trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao tập trung, thu hút doanh nghiệp, HTX, nông dân tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững cùng có lợi.

Nông dân xã Chiềng Ban thu hái cà phê.

Nông dân xã Chiềng Ban thu hái cà phê.

Huyện Mai Sơn có 8.569 ha cây cà phê, trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 7.600 ha, tăng 19,1% so với năm 2023. UBND huyện Mai Sơn đã ban hành kế hoạch triển khai đề án tái canh cây cà phê giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu, đến năm 2025, trồng tái canh, ghép cải tạo, đốn cải tạo 2.300 ha, tập trung tại 11 xã. Đến nay, nông dân các xã trồng cà phê đã trồng tái canh, ghép cải tạo, đốn cải tạo được 1.400 ha cà phê, đạt 60% kế hoạch.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Huyện đang tập trung rà soát lại về đất đai, khí hậu; quy hoạch và xây dựng vùng trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao tập trung, thu hút doanh nghiệp, nông dân tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững cùng có lợi. Hiện nay, có hơn 1.143 ha cà phê tại 18 bản của các xã Chiềng Ban, Chiềng Chung, Chiềng Dong, với 1.606 hộ tham gia trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất ổn định bền vững giữa các doanh nghiệp, HTX với các hộ sản xuất cà phê, nâng cao chất lượng, giá trị cà phê trên thị trường.

Cán bộ Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La hướng dẫn nông dân xã Chiềng Dong kỹ thuật chăm sóc cây cà phê.

Cán bộ Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La hướng dẫn nông dân xã Chiềng Dong kỹ thuật chăm sóc cây cà phê.

Chiềng Dong là một trong những xã có diện tích cà phê lớn của huyện, với 730 ha, trong đó có 418 ha cà phê ứng dụng công nghệ cao, tại 5 bản: Dè, Liềng, Lò Um, Nà Khoang và Khoáng Biên. Ông Cầm Văn Nhất, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Đáp ứng yêu cầu cà phê đạt tiêu chuẩn 4C, UTZ, RA, VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương, xã đã phối hợp với Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La tổ chức các tập huấn cho nông dân về kỹ thuật cắt tỉa cành, bổ sung dinh dưỡng, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hoạch và liên kết đầu ra sản phẩm cà phê cho nông dân.

Vụ cà phê năm nay, gia đình ông Hà Văn Tương, bản Lò Um, xã Chiềng Dong, cũng như nhiều hộ trong bản đã tham gia liên kết với Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, thông qua các mô hình cung ứng bón phân, phun thuốc, tư vấn quản lý dịch bệnh và dinh dưỡng cây trồng. Đồng thời, được Công ty ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Ông Hà Văn Tương, cho biết: Gia đình trồng 2 ha cà phê, trước đây, chủ yếu để phát triển tự nhiên, nên sản lượng không cao, thu hái không đúng cách nên giá không được như mong muốn. 2 năm trở lại đây, gia đình được hướng dẫn sản xuất cà phê bền vững, đảm bảo tiêu chuẩn UTZ, nên năng suất, sản lượng cao hơn hẳn. Năm 2023, gia đình thu 30 tấn cà phê, thu nhập hơn 400 triệu đồng. Năm nay, thời tiết hạn hán đầu năm, sản lượng có giảm nhưng chất lượng quả vẫn đảm bảo, dự kiến đạt khoảng 20 tấn.

Cán bộ Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La kiểm tra, đánh giá chất lượng vùng nguyên liệu cà phê.

Cán bộ Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La kiểm tra, đánh giá chất lượng vùng nguyên liệu cà phê.

Đồng hành cùng huyện Mai Sơn trong việc phát triển cà phê bền vững, có 3 doanh nghiệp, gồm: Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, Công ty cổ phần Cà phê Sơn La và Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến - Chi nhánh Sơn La, liên kết sản xuất với 2.030 hộ dân, tổng diện tích 1.583 ha.

Bên cạnh đó, huyện Mai Sơn còn triển khai dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất cà phê liên kết theo chuỗi giá trị theo quy mô liên xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đã hỗ trợ 291 hộ của 6 bản thuộc 2 xã Chiềng Ban và Chiềng Chung, tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,7 tỷ đồng; thành lập 6 HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cà phê, chủ động liên kết với các hộ thành viên và người nông dân để mở rộng quy mô sản xuất; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP.

Bà Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX Aratay Coffee, xã Chiềng Chung, cho biết: HTX có 14 thành viên, trồng hơn 200 ha cà phê. Ngoài ra, HTX còn kết nạp thêm hơn 100 hộ vệ tinh tại 2 xã Chiềng Chung và Mường Chanh, cung cấp quả cà phê tươi, tổng diện tích trên 300 ha. Hiện nay, HTX Aratay Coffee có 4 sản phẩm cà phê chất lượng cao, gồm: Cà phê nhân xanh Natural, cà phê Honey nhân xanh, cà phê bột và hạt Natural, cà phê bột và hạt Honey. Các dòng cà phê đặc sản của HTX luôn được các đối tác đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng sản phẩm.

Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các chuỗi liên kết sản xuất ổn định, sẽ góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cà phê của huyện Mai Sơn, đáp ứng những yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/mai-son-phat-trien-cay-ca-phe-ben-vung-YYflMRiNR.html