'Make in Việt Nam' để đứng đầu chuỗi cung ứng

Giá trị gia tăng của chuỗi cung ứng nằm ở nghiên cứu phát triển và phân phối, trong khi Việt Nam nằm ở vùng 'trũng' là sản xuất. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, chỉ khi chúng ta có những doanh nghiệp đầu chuỗi với sản phẩm thực sự thiết kế ở Việt Nam (Make in Việt Nam) mới có thể vững vàng trước chiến tranh thương mại.

Lời tòa soạn: Chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ đối với các nước xuất khẩu hàng hóa vào nước này được xem như châm ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh thương mại ở quy mô toàn cầu. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, kim ngạch xuất khẩu bằng 200% tổng sản phẩm quốc nội. Do vậy, chắc chắn việc bị xếp vào nhóm nước chịu mức thuế đối ứng cao nhất, lên đến 46%, sẽ khiến nền kinh tế của chúng ta đối mặt rất nhiều sức ép, ảnh hưởng nghiêm trọng mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên năm nay và trong dài hạn.

Trong bối cảnh thế giới đại thương chiến, cấu trúc kinh tế toàn cầu đang định hình lại. Các quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, đang đối mặt rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chúng ta đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc kinh tế và xác lập mô hình tăng trưởng mới để thích ứng bối cảnh trật tự kinh tế thế giới thay đổi.

Tiếp tục chủ đề “Việt Nam khi thế giới đại thương chiến”, Đài Hà Nội tổ chức tọa đàm “ĐẠI THƯƠNG CHIẾN và cơ hội TÁI CẤU TRÚC KINH TẾ”, với sự tham gia của TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam và ông Phạm Minh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI).

Giá trị gia tăng của chuỗi cung ứng nằm ở nghiên cứu phát triển và phân phối, trong khi Việt Nam nằm ở vùng “trũng” là sản xuất. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, chỉ khi chúng ta có những doanh nghiệp đầu chuỗi với sản phẩm thực sự thiết kế ở Việt Nam (Make in Việt Nam) mới có thể vững vàng trước chiến tranh thương mại.

PV: Thưa hai vị khách mời. Ngay sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong và nhiều nhà nghiêu cứu cho rằng, kỷ nguyên toàn cầu hóa dựa trên luật lệ và thương mại tự do đã kết thúc sau 80 năm, tính từ khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra đời. Hai vị khách mời bình luận thế nào về nhận định này?

TS. Lê Duy Bình: Trong bối cảnh kinh tế và hoạt động thương mại quốc tế khó khăn thời gian qua, đặc biệt trong thời điểm đại dịch COVID-19, chúng ta đã thấy làn sóng bảo hộ này trỗi dậy, chứ không phải đợi đến lúc Tổng thống Donald Trump đắc cử nhiệm kỳ hai và ban hành chính sách mới. Chính quyền Tổng thống Trump đã đẩy nhanh quá trình này, khiến xu thế bảo hộ và cuộc thương chiến dữ dội hơn.

Theo WTO, rào cản thương mại đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng mấy năm qua. Toàn bộ hoạt động thương mại toàn cầu có khoảng 3.000 rào cản thương mại, ảnh hưởng trực tiếp đến tổng kim ngạch xuất khẩu trên toàn cầu. Trong 30 nền kinh tế có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, có 20 nền kinh tế chứng kiến kim ngạch suy giảm trong vòng 5 năm qua.

Điều này cho thấy xu thế bảo hộ trên toàn cầu đã gia tăng. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng chủ nghĩa bảo hộ thắng thế mà chỉ là xu thế tạm thời. Bởi vì có những nguyên tắc cơ bản của kinh tế học, kinh tế thị trường buộc các nền kinh tế phải giao thương với nhau. Hoạt động thương mại tự do sẽ không chấm dứt vì lợi ích của chính các nền kinh tế.

PV: Ông Donald Trump nói rằng, một trong những mục tiêu của chính sách thuế đối ứng là kéo sản xuất về Mỹ và việc tạm hoãn đánh thuế đối với một số mặt hàng điện tử là để có thời gian đưa sản xuất dịch chuyển về Mỹ. Liệu ông Trump có thực sự muốn đưa sản xuất về Mỹ hay đây chỉ là cách gây sức ép để có lợi cho đàm phán thuế trong 90 ngày tới, thưa TS. Lê Duy Bình?

TS. Lê Duy Bình: Chúng ta cần hiểu đúng ý đồ của ông Trump. Ông ấy thực sự muốn đưa một số ngành sản xuất về nước Mỹ, đặc biệt là những ngành quan trọng để đảm bảo an toàn, tự chủ của chuỗi cung ứng toàn cầu, ví dụ: bán dẫn, dược phẩm. Điều này cũng không phải bắt đầu từ chính quyền Trump 2.0 mà đã có từ thời Tổng thống Joe Biden. Thậm chí, Mỹ trước đó còn muốn đưa một số ngành sản xuất về các nước gần Mỹ hơn như: Mexico, Brazil hoặc các nước có mối quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ với họ. Nhưng ông Trump cũng không thể đi ngược lại các nguyên tắc của thị trường để đưa tất cả hoạt động sản xuất về nước Mỹ. Làm như vậy rõ ràng không có lợi về kinh tế và cũng không phải là thế mạnh của Mỹ, ví dụ các ngành: dệt may, lắp ráp điện tử…

Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy đây là một chiến lược gây sức ép đối với các quốc gia và nền kinh tế khác để họ phải mua hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ nhiều hơn. Chúng ta cần có cách nhìn đầy đủ để có một chiến lược chính xác hơn, thông minh hơn trong đàm phán và đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế thời gian tới trong bối cảnh quan hệ thương mại quốc tế ngày càng căng thẳng.

PV: Ông Phạm Minh Thắng có nghĩ rằng, nước Mỹ muốn trở thành một công xưởng thế giới hay chỉ là cách làm suy yếu vị thế đứng đầu chuỗi sản xuất của các nước, trong đó có Trung Quốc?

Ông Phạm Minh Thắng: Tôi nghĩ những vấn đề mà TS. Lê Duy Bình vừa chia sẻ rất quan trọng. Chúng ta cần phải hiểu đầy đủ động cơ đằng sau các chính sách, đặc biệt là thuế quan của chính quyền Mỹ. Một trong các động cơ là tái công nghiệp hóa, kéo một số ngành công nghiệp trọng yếu, gắn với an ninh quốc gia như trở lại Mỹ như: bán dẫn, ôtô, thép, dược phẩm…

Bên cạnh đó còn là việc giải quyết bài toán kinh tế - xã hội Mỹ như chủ nghĩa dân túy, thu thút cử tri, đặc biệt là cử tri ở 8 bang thuộc Vành đai rỉ sét trong khoảng hơn 20 năm vừa qua (Vành đai rỉ sét - Rust Belt chỉ các khu vực trải qua suy giảm công nghiệp từ năm 1970 do thuế và chi phí lao động cao. Vành đai rỉ sét đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chạy đua vào Nhà Trắng - PV). Kinh tế và công ăn việc làm ở các khu vực này suy giảm.

Vành đai rỉ sét - Rust Belt chỉ các khu vực trải qua suy giảm công nghiệp từ năm 1970

Vành đai rỉ sét - Rust Belt chỉ các khu vực trải qua suy giảm công nghiệp từ năm 1970

Mặc dù vẫn còn có nhiều thay đổi trong 90 ngày tới, nhưng chúng ta cũng thấy chính quyền Mỹ muốn hướng đến lợi ích gì. Tôi nghĩ đầu tiên là đảm bảo an ninh quốc gia đối với những ngành sản xuất quan trọng. Nước Mỹ muốn tăng cường tính chủ động, giảm phụ thuộc trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu mong manh như đã thấy trong đại dịch COVID-19. Ngoài ra còn liên quan vấn đề công nghệ, công nghệ lõi và khả năng làm chủ chuỗi cung ứng khi cần thiết.

Trong giai đoạn COVID-19 và cuộc chiến thương mại hiện nay, chúng ta cũng nhìn thấy các chuỗi cung ứng ở châu Á bộc lộ rất nhiều điểm yếu, đặc biệt liên quan đến năng lực sản xuất và công nghệ. Điều này giúp nước Mỹ có thể củng cố các vị trí trong chiến lược cạnh tranh, đặc biệt với Trung Quốc và một số cường quốc khác trong thương mại toàn cầu.

Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ không biến động đặc biệt, mức 3,6 - 4% đã diễn ra một thời gian dài. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn kỳ vọng giảm xuống mức thấp hơn thời gian tới bằng việc đưa một số ngành sản xuất trở lại Mỹ.

Còn về chính trị, tôi cho rằng yếu tố liên quan đến thu hút người dân, đặc biệt là dân lao động ở các bang “chiến địa” cũng rất quan trọng đối với ông Donald Trump. Tất nhiên, chính sách thuế đối ứng cũng tác động trước mắt đến người tiêu dùng Mỹ, như đã thấy là tình trạng người dân ở một số nơi trên nước Mỹ đang mua dự phòng hàng hóa.

Tác động thứ hai là chuỗi cung ứng. Trước đấy, chuỗi cung ứng sản xuất của Mỹ có thể huy động một số đối tác, nhà cung cấp từ các thị trường mới nổi với chi phí tương đối thấp. Tuy nhiên, với mức thuế cao như hiện nay, một số công ty, nhất là công ty quy mô nhỏ và vừa sẽ chịu nhiều tác động do linh kiện, hàng hóa phải nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.

Ngoài ra, chính sách thuế đối ứng cũng tác động đến niềm tin của các đối tác quốc tế về tính tin cậy và khả năng hợp tác lâu dài với Mỹ.

PV: Việt Nam đang ở phân khúc thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh thương chiến và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, liệu chúng ta có cơ hội nào để vươn lên vị trí cao hơn hoặc đứng đầu chuỗi cung ứng?

Ông Phạm Minh Thắng: Trong thời gian rất dài, chúng ta đã nói về dịch chuyển chuỗi cung ứng và tăng cường vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta cũng biết rất rõ trong mô hình vòng cung của chuỗi cung ứng, giá trị gia tăng nằm ở 2 cánh liên quan đến nghiên cứu phát triển và phân phối. Tuy nhiên, chúng ta lại nằm ở vị trí sản xuất, đó là vùng rất trũng và rất thấp. Vì vậy, Chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp đang phải phối hợp chặt chẽ để thay đổi điều này.

Một là phải đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu, sáng tạo để phát triển các sản phẩm thực sự được thiết kế ở Việt Nam hay “Make in Việt Nam” (thông điệp nhấn mạnh sự chủ động, sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam - PV). Khi có sản phẩm như vậy mới có thể phát triển các doanh nghiệp đầu chuỗi và từ đó mới kéo theo phát triển chuỗi cung ứng. Điều này có thể thấy ở một số doanh nghiệp thuộc chuỗi công nghiệp hỗ trợ. Hiện tại, chúng ta cũng có một số yếu tố góp phần rất thuận lợi cho phát triển theo hướng này.

Một trong số đó là thương mại điện tử. Những năm qua, khả năng nghiên cứu phát triển và thương mại hóa sản phẩm đã được hỗ trợ rất nhiều thông qua các ứng dụng thương mại điện tử và khả năng kết nối thương mại ở mức chi phí thấp. Tôi nghĩ đấy là một số điểm quan trọng cần phải hướng đến.

Nhìn ở góc độ tăng tỷ lệ nội địa hóa, tôi nghĩ có một khía cạnh rất quan trọng là ngành sản xuất linh kiện. Đây là ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng thực sự lại là ngành công nghiệp nền tảng. Chúng ta gọi là công nghiệp hỗ trợ vì nó hỗ trợ doanh nghiệp đầu chuỗi tạo ra sản phẩm bán ở ngoài thị trường. Nhưng nếu nhìn vào nền sản xuất thì đấy là lĩnh vực cơ bản rất nền tảng.

Công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp các doanh nghiệp đầu chuỗi tạo ra sản phẩm bán ở ngoài thị trường.

Công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp các doanh nghiệp đầu chuỗi tạo ra sản phẩm bán ở ngoài thị trường.

Như vậy, ngay cả trong bối cảnh Mỹ áp dụng thuế quan đối ứng, chúng ta vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục thúc đẩy chương trình “Make in Việt Nam” và tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm tiêu dùng ở trong nước cũng như xuất khẩu.

PV: Chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi thay cho tự do kinh tế sẽ tác động thế nào đến trật tự cũng như cấu trúc kinh tế toàn cầu?

TS. Lê Duy Bình: Thứ nhất, ảnh hưởng nhãn tiền đối với nền kinh tế thế giới là hoạt động giao thương suy giảm và một số nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Rất may trong số 30 nền kinh tế có xuất khẩu lớn nhất trên bản đồ thương mại quốc tế, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dương, thậm chí khá cao trong những năm qua.

Thứ hai, chủ nghĩa bảo hộ sẽ tái cấu trúc hoạt động đầu tư và dòng chảy đầu tư của các nền kinh tế liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dòng chảy FDI sẽ được điều chỉnh đến những quốc gia khác nhau. Trước đây, FDI tập trung hỗ trợ những nền kinh tế phục vụ cho xuất khẩu, còn bây giờ sẽ dịch chuyển sang một số quốc gia khác khi những rào cản thương mại được dựng lên.

Thứ ba, các nền kinh tế sẽ tập trung vào sản xuất phục vụ thị trường trong nước. Họ sẽ tìm cách để quay trở lại trong nước với một số biện pháp hỗ trợ hoạt động tự sản, tự tiêu. Chúng ta không hề mong muốn điều này, bởi vì sẽ không tận dụng được giá trị gia tăng, lợi ích cạnh tranh từ những việc mà các quốc gia khác không làm được.

Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều thỏa thuận thương mại song phương hơn thay vì đa phương. Thay vì thông qua cơ chế đa phương như với WTO hay một số cơ chế thương mại liên vùng thì sẽ xuất hiện nhiều thỏa thuận thương mại giữa các quốc gia hoặc giữa những khối kinh tế với nhau. Điều đó sẽ tác động đến những dòng chảy thương mại khác nhau, trong đó có dòng chảy thương mại giữa những quốc gia có quan hệ chiến lược bởi sự tin cậy lẫn nhau hoặc dành cho nhau những ưu đãi thuế quan hoặc ưu đãi về thâm nhập thị trường. Tất cả sẽ định hình lại nền kinh tế thông qua những hoạt động của dòng chảy thương mại, dòng chảy đầu tư và nỗ lực tái cấu trúc lại nền kinh tế của các nước, trong đó có Việt Nam.

Mời quý vị đón xem bài 2: “NHỮNG ĐIỂM TỰA CỦA VIỆT NAM TRONG ĐẠI THƯƠNG CHIẾN”.

TCSX: Trần Nam, Hoàng Hợp
Biên tập: Minh Hoàn
Đồ họa: Thanh Nga

Đài Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/make-in-viet-nam-de-dung-dau-chuoi-cung-ung-325247.htm