Malaysia sẵn sàng cho 'Bầu trời xanh'
Thuế carbon được coi là chiến lược tốt để giảm lượng khí thải carbon tổng thể của Malaysia đến năm 2050, cũng như có thể hỗ trợ mục tiêu quốc gia giảm 45% lượng khí thải nhà kính dựa trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2030.
Hiện Malaysia đang chuẩn bị cho chương trình “Bầu trời xanh” khi việc thu thuế carbon của các hãng hàng không có hiệu lực ngay sau khi Ủy ban Hàng không Malaysia (MAVCOM) đưa ra đánh giá cần thiết. Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Anthony Loke nhấn mạnh, thuế carbon mà các hãng hàng không áp dụng là để bù đắp lượng khí thải carbon của họ, cũng là nghĩa vụ quốc tế áp dụng cho tất cả các hãng hàng không nhằm đóng góp vào Chương trình bù đắp và giảm thiểu carbon cho hàng không quốc tế (CORSIA). Cơ chế thuế carbon sẽ phù hợp với kế hoạch quốc gia về khát vọng carbon thấp 2040 như mục tiêu của chính sách năng lượng quốc gia.
Hiện Đan Mạch, Thụy Điển, Nam Phi và Hà Lan là những quốc gia đã áp dụng thuế carbon đối với hành khách. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), mức thuế mà một số hãng hàng không áp dụng tùy thuộc vào khoảng cách chặng bay. Khi khoảng cách tăng lên, tiền thuế cũng tăng theo và mức thuế cũng chênh lệch giữa các quốc gia. Ví dụ, đối với các chuyến bay quốc tế, Na Uy áp mức phí 29,7USD cho tất cả hành khách, trong khi 2,2USD được áp dụng cho các chuyến bay nội địa và quốc tế ở Bồ Đào Nha. Còn Singapore dự kiến áp thuế nhiên liệu xanh đối với các chuyến bay từ năm 2026.
Theo Tiến sĩ Mohd Harridon Mohamed Suffian, nhà kinh tế công nghệ hàng không vũ trụ thuộc Viện Hàng không Kuala Lumpur của Malaysia, các hãng hàng không có thể sử dụng khoản thuế này để mua nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) hoặc trả tín dụng để bù đắp lượng khí thải carbon của họ. Thuế carbon sẽ khuyến khích doanh nghiệp hàng không tăng cường sử dụng SAF. Tuy nhiên, dư luận lo ngại rằng các hãng hàng không có thể sẽ tính thêm chi phí khí thải vào giá vé để giảm bớt gánh nặng tài chính. Điều này gây lo ngại cho người tiêu dùng vì di chuyển bằng đường hàng không là phương thức vận chuyển quan trọng phục vụ cả việc đi du lịch lẫn công tác. Ngoài ra, chi phí mua máy bay mới, tiết kiệm nhiên liệu hơn nhưng tốn kém hơn, dự kiến cũng được các hãng bay chuyển dần vào giá vé.
SAF được công nhận trên toàn cầu là lựa chọn khả thi nhất để giảm lượng khí thải hàng không trong tương lai. Theo giới chuyên gia kinh tế, đây cũng là một con đường khác để Malaysia phát triển ngành công nghiệp liên quan. Sự phát triển của SAF đòi hỏi những nỗ lực trong việc chuyển đổi sinh khối thành nhiên liệu hàng không có thể sử dụng được, bao gồm phát triển và ứng dụng công nghệ, nguồn nhân lực chuyên gia và phát triển nhà máy tập trung. Điều này mang lại lợi ích cho đất nước vì sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn trong lĩnh vực này, nâng cao tầm vóc kinh tế và chuyển giao công nghệ vì việc phát triển SAF của riêng Malaysia sẽ tối ưu hơn, thay vì nhập khẩu từ các nước khác.
Theo dữ liệu gần đây của IATA, sản lượng SAF toàn cầu đã tăng gấp ba lần, lên 600 triệu lít từ 300 triệu lít vào năm 2022, chiếm 0,2% lượng nhiên liệu máy bay toàn cầu sử dụng vào năm 2023. Dự kiến, ngành hàng không sẽ đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về hạn chế mức nóng lên toàn cầu xuống dưới 20C theo mục tiêu giảm phát thải của IATA 2050.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/malaysia-san-sang-cho-bau-troi-xanh-post734795.html