Malaysia tham vọng thành trung tâm xe điện ASEAN

Malaysia đang có những động thái quyết liệt nhằm hiện thực hóa tham vọng trở thành trung tâm sản xuất ô tô, nhất là xe sử dụng năng lượng sạch của ASEAN.

Vượt mặt Thái Lan

Thống kê mới nhất của tờ Nikkei Asia, Thái Lan vừa để tuột vị trí thị trường ô tô lớn thứ hai Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tay Malaysia.

Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Tengku Zafrul Aziz thăm một số nhà máy sản xuất ô tô tại Penang, Kedah.

Hiệp hội Ô tô Malaysia cho biết, doanh số ô tô của Malaysia vốn đứng thứ 3 trong một thời gian dài đã vượt Thái Lan trong 3 quý liên tiếp, tính đến hết quý I/2024. Cụ thể, doanh số bán ô tô tại Malaysia trong quý I/2024 tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 202.245 xe. Trước đó, năm 2023 đánh dấu tăng trưởng kỷ lục 11%, lên 799.731 xe.

Trong khi đó, doanh số bán hàng ở Thái Lan sụt giảm tới 25% so với cùng kỳ năm 2022 do nợ xấu gia tăng trong các khoản cho vay mua ô tô và tình trạng tiêu dùng trì trệ.

Sự tăng trưởng của thị trường ô tô Malaysia được cho là kết quả của việc miễn thuế bán hàng đối với xe sản xuất trong nước. Doanh số bán hàng của các thương hiệu ô tô quốc gia Perodua và Proton ngày càng tăng, chiếm khoảng 60% thị phần.

Chuyển hướng sang xe điện

Gần đây, trong cuộc gặp với các nhà sản xuất ô tô điện (EV) có cơ sở ở Malaysia, Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Tengku Zafrul Aziz bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp nước ngoài chọn Malaysia trở thành trung tâm cung ứng phục vụ thị trường xe điện đa ở ASEAN.

Ông Aziz khẳng định, Malaysia sẽ tạo điều kiện tối đa để các nhà đầu tư nước ngoài tới đất nước này: "Malaysia có nhiều yếu tố thuận lợi để thực hiện tham vọng xây dựng trung tâm xe điện khu vực của các công ty đa quốc gia. Ngoài vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng tốt và pháp luật chặt chẽ, chúng tôi còn có ngành điện và điện tử uy tín. Ngành điện đang cung cấp dịch vụ tin cậy cho các ngành công nghiệp khác, bao gồm hàng không vũ trụ, năng lượng tái tạo và xe điện".

Bên cạnh đó, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp khẳng định tiếp tục hợp tác với Bộ Nhân lực và Giáo dục đại học để đáp ứng nhu cầu lao động của ngành công nghiệp ô tô. Với những động thái quyết liệt, Malaysia đặt mục tiêu xe năng lượng sạch chiếm 20% trong tổng số xe (bao gồm cả pin nhiên liệu hydro) vào năm 2030; 50% vào năm 2040 và 80% vào năm 2050.

Nhiều chính sách khuyến khích

Theo các chuyên gia, lĩnh vực xe điện từ lâu được chọn làm động lực tăng trưởng chính ở Malaysia. Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNBC (Mỹ), Thủ tướng MalaysiaAnwar Ibrahim khẳng định xe điện là ưu tiên hàng đầu của đất nước này.

Tesla chính thức hoạt động tại Malaysia từ năm 2023.

Trong hai năm tài khóa 2022 - 2023, Malaysia đã dành ngân sách để thực hiện các ưu đãi cụ thể nhằm kích thích nhu cầu xe điện cũng như phát triển cơ sở hạ tầng sạc điện.

Năm 2022, chính phủ Malaysia đã miễn nhiều loại thuế như thuế đường bộ cho xe điện, trợ cấp lắp đặt cơ sở hạ tầng thu phí. Các công ty đóng góp vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng xe điện sẽ được hưởng lợi từ các ưu đãi của chính phủ như giảm thuế.

Những ưu đãi này thu hút các nhà sản xuất đưa mẫu xe điện vào Malaysia, từ đó tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng, đặc biệt là về giá cả. Ví dụ công ty Sime Darby đã bắt tay với BYD - nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc đưa các mẫu xe điện của hãng này vào Malaysia.

BYD đã nhận được hơn 10.000 đơn đặt hàng kể từ khi gia nhập thị trường Malaysia vào tháng 12/2022, chiếm hơn 40% thị trường xe điện địa phương.

Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia cũng giới thiệu sáng kiến lãnh đạo toàn cầu về xe điện chạy pin (BEV GLI) năm 2023, cho phép các công ty nước ngoài bán ô tô ở Malaysia mà không cần có quy định về giấy phép phê duyệt (AP), qua đó giúp cho xe nhập khẩu rẻ hơn.

Cùng năm, Tesla đã vào thị trường Malaysia theo chương trình này với yêu cầu đóng góp cho cơ sở hạ tầng sạc điện, lắp đặt ít nhất 50 bộ sạc nhanh DC trong vòng ba năm và đưa ít nhất 30% trong số này phục vụ mục đích sử dụng công cộng.

Malaysia cũng tăng cường trạm sạc tại các khu đô thị lớn. Anh Datuk Shahrol Azral Ibrahim Halmi - người đồng sáng lập Câu lạc bộ chủ sở hữu xe điện Malaysia nhớ lại: "Tôi lái ô tô chạy hoàn toàn bằng điện từ năm 2017, thời điểm đó có rất ít trạm sạc công cộng. Mạng lưới sạc xe duy nhất là Charge EV, do Tập đoàn Công nghệ Xanh và biến đổi khí hậu Malaysia vận hành. Tôi phải dựa vào ứng dụng của họ để biết trạm nào có sẵn. Song vì quá khó khăn nên tôi cũng hạn chế những chuyến đi dài".

Tuy nhiên, hiện tại Helmi cho biết, trạm sạc đã bao phủ gần như khắp bang Penang, phủ rộng ở Kuala Lumpur, các thành phố lân cận trong cùng bang Selangor cũng như các khu đô thị lớn dọc theo bờ biển phía Tây và về phía Nam của bán đảo.

Thách thức trước mắt

Dù đã có những thành quả bước đầu nhưng để tiếp tục phát triển và đạt mục tiêu điện hóa phương tiện và giảm phát thải, Malaysia vẫn còn đối mặt nhiều thách thức. Trước hết, hạ tầng sạc còn thiếu và mức độ tăng trưởng thấp hơn so với mục tiêu đề ra.

Theo kế hoạch giảm carbon lĩnh vực vận tải (2021 - 2030), Malaysia đã đặt mục tiêu sở hữu 10.000 trạm sạc đến năm 2025. Song tính đến ngày 31/12/2023, Malaysia mới lắp đặt được 2.020 trạm sạc tại 750 địa điểm trên toàn quốc. Như vậy, nước này chỉ còn một năm để tăng gần gấp 5 số trạm.

Thứ hai là xanh hóa lưới điện. Động lực chính để thúc đẩy xe điện là mục tiêu đưa mức phát thải ròng về bằng 0. Nếu lưới điện không sử dụng năng lượng tái tạo, mục tiêu giảm phát thải không thành hiện thực.

Hiện nay, Malaysia vẫn chủ yếu dựa vào than, dầu và khí đốt, chiếm tới 81% trong sản xuất điện. Ở các nước phát triển như Thụy Sỹ, được xếp hạng là quốc gia thân thiện với xe điện nhất trên thế giới, tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện chỉ là 3,6% vào năm 2022.

Công ty điện lưới quốc gia Malaysia Tenaga Nasional đã vạch ra kế hoạch tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 31% vào năm 2025, giảm 50% việc sử dụng than vào năm 2035 và 100% vào năm 2050, nhưng vẫn chưa chắc có thể đạt được những mục tiêu này.

Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Tengku Zafrul Aziz cho biết, thị trường xe điện ở ASEAN dự kiến có mức tăng trưởng kép khoảng 33%, từ khoảng 500 triệu USD ở năm 2021 lên 2,7 tỷ USD vào năm 2027. Hiệp hội ô tô Malaysia (MAA) từng tuyên bố Malaysia đang đi đúng hướng để trở thành một cường quốc về xe điện trong khu vực.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/malaysia-tham-vong-thanh-trung-tam-xe-dien-asean-192240520234840716.htm