Malta bất ngờ chặn gói trừng phạt Nga thứ 18 của EU vì lo ngại về giá trần dầu mỏ
Malta đang ngăn chặn đề xuất mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) về lệnh trừng phạt Nga, theo Politico.

Malta bất ngờ chặn gói trừng phạt nhằm vào Nga. Ảnh: Getty.
Malta được cho là đang phản đối đề xuất của Ủy ban châu Âu nhằm hạ trần giá dầu xuất khẩu của Nga, theo Politico dẫn nguồn tin ngoại giao EU. Vấn đề này được nêu ra trong cuộc họp của Ủy ban Đại diện thường trực các quốc gia thành viên EU (Coreper) vào Chủ nhật vừa qua, trong đó Reuters lưu ý rằng một quốc gia thành viên đã đưa ra "điều kiện kỹ thuật đặt trước" đối với biện pháp này.
Biện pháp mà Ủy ban châu Âu đề xuất là một phần trong gói trừng phạt lần thứ 18 nhằm vào Moscow vì vai trò của Nga trong cuộc xung đột Ukraine. Gói này bao gồm một mức giá trần linh hoạt đối với dầu thô của Nga, được đề xuất ở mức thấp hơn 15% so với giá trung bình toàn cầu trong ba tháng trước đó.
Nếu được thông qua, mức trần mới sẽ thay thế giới hạn hiện tại là 60 USD/thùng được áp đặt từ năm 2022. Theo cơ chế này, các quốc gia thành viên EU và tàu mang cờ các nước EU sẽ không được vận chuyển dầu có nguồn gốc từ Nga nếu dầu đó được bán với giá cao hơn mức trần quy định.
Mặc dù lo ngại cụ thể của Malta không được công bố rõ ràng, nhưng quốc đảo này có một lượng lớn tàu thuyền mang cờ Malta. Ngành bảo hiểm hàng hải của nước này trước đây đã bày tỏ lo lắng rằng các biện pháp hạn chế như vậy có thể khiến chủ tàu rút cờ khỏi EU, gây thiệt hại cho hệ thống đăng ký tàu và các ngành công nghiệp liên quan của khối.
Bên cạnh đề xuất hạ trần giá dầu, gói trừng phạt thứ 18 của EU còn bao gồm: Lệnh cấm sử dụng đường ống Nord Stream trong tương lai, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm tinh chế từ dầu thô Nga, trừng phạt 77 tàu bị phương Tây cáo buộc là một phần của “hạm đội bóng tối” của Nga.
Mặc dù EU chưa áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với khí đốt Nga, phần lớn các quốc gia thành viên đã tự nguyện giảm lượng nhập khẩu kể từ khi xung đột Ukraine leo thang vào năm 2022. Tuy nhiên, một số quốc gia không giáp biển như Slovakia, Hungary, Áo và Cộng hòa Séc vẫn phụ thuộc vào nguồn cung hạn chế từ Nga theo các thỏa thuận miễn trừ đặc biệt.
Slovakia, quốc gia từng phản đối gói trừng phạt thứ 18, có thể sẽ ủng hộ nếu Brussels nới lỏng các tác động của việc loại bỏ năng lượng Nga theo kế hoạch RePowerEU, vốn đặt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu năng lượng từ Nga vào năm 2027.
Nga đã nhiều lần lên án các lệnh trừng phạt của phương Tây, cho rằng chúng bất hợp pháp và phản tác dụng. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trở thành điều kiện tiên quyết để giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine.