Mâm giỗ quê
Quê ngoại tôi ở xã Châu Phong (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang). Địa giới hành chính trăm năm qua vốn nhiều thay đổi, nhưng bao thế hệ cứ bám quê, bám ruộng lúa, nuôi con cháu thành tài. Mỗi năm, nhiều đám giỗ ông bà diễn ra, con cháu lại tề tựu, làm mâm cơm cúng. Nhỏ thôi, nhưng đầy đủ lễ nghĩa…
Từ chiều hôm trước, mấy bếp củi, bếp than đã bắt đầu đỏ lửa. Dù bếp gas, bếp điện tân tiến phủ đầy đời sống mới, mọi người ở đây vẫn ưa thích khói bếp ngày xưa. Phần vì quen nếp nấu nướng cũ, phần vì hơi nóng liu riu của bếp phù hợp với các món hầm, kho nhiều giờ đồng hồ.
Mợ Hai, con dâu cả, cũng là người lớn tuổi nhất trong gia đình thời điểm này, tất bật sắp soạn trái cây lên phủ thờ. Mọi chuyện trong ngoài, con cháu đều hỏi bà, để làm cho đúng.
Cách đó mấy căn nhà, bà Năm Hải (áo xanh) tỉ mẩn ngồi gói bánh ít. Giỗ ngày càng gọn nhẹ, đơn giản, ít người, nên số lượng bánh ngày càng giảm.
“Hồi trước, con cháu đông, gói 5kg nếp, mấy trăm cái bánh mới đủ ăn. Giờ còn vài chục người, tôi chỉ gói khoảng 100 cái, 2kg nếp đủ rồi. Đám giỗ lần này gói bánh ít, tới lần sau lại chuyển sang gói bánh tét, đổ bánh bò…” – bà chia sẻ.
Mấy chục năm nay, bà giỏi nghề nấu đám, món nào cũng nấu được, bánh nào cũng làm được. Giờ có tuổi, bà chỉ lọ mọ nấu nướng đám cúng trong nhà, bà con hàng xóm. Bánh gói sẵn, bán ngoài chợ rất nhiều, nhưng làm gì thơm ngon, đầy đủ hương vị bằng bánh nhà làm!
Chiều, mọi người dọn cúng mâm tiên rất đơn giản, chỉ có món gà. Căn nhà phủ thờ rất cũ kỹ, tồn tại hơn nửa thế kỷ, phủ một màu thời gian nâu trầm, bào mòn những đường nét sắc sảo của chạm trổ vàng son hồi trước. Trong không gian đó, mâm cúng càng gợi cảm xúc, ký ức về người đã khuất, người đương thời…
Sáng hôm sau, tất cả phụ nữ trong nhà tề tựu lại tại phủ thờ, bắt đầu xúm nhau làm hết món này đến món kia, vừa chay vừa mặn. Mấy món quen thuộc như chả giò, bánh hỏi thịt heo quay, gỏi cuốn… được ưa chuộng trong mâm cúng hàng năm. Mọi người vừa làm, vừa trò chuyện rôm rả, nhắc người này, hỏi thăm người kia.
Ở quê tôi, phụ nữ lui cui dưới bếp, chuẩn bị thức ăn, còn trọng trách dọn mâm cúng là của đàn ông.
Mọi công đoạn “chuyển giao” đều nằm ngay bậc cửa nối liền nhà trước và nhà sau. Phụ nữ đem thức ăn để sẵn trên bàn, đàn ông nhìn theo đó mà bưng lên dọn cúng.
Có người cho rằng, điều này là biểu hiện của tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ngày xưa. Nhưng theo gia đình chúng tôi, đó là cách san sẻ trách nhiệm của con cháu, không phân biệt tuổi tác, vai vế, nam nữ. Tất cả đều góp sức vào quá trình tưởng nhớ ông bà, cha mẹ, bằng cách này, cách khác. Phụ nữ đã bận rộn nấu nướng, thì đàn ông phải hoàn thành công đoạn còn lại, như một lẽ tất nhiên.
Khi mâm cúng đã được dọn lên tươm tất, tất cả con cháu cùng thắp nhang, quỳ lạy các bàn thờ, chứ không riêng bàn thờ của người được cúng giỗ hôm ấy. Ai rảnh tay thì cúng trước, ai bận bịu thì cúng sau, miễn sao tròn lễ nghĩa với người đã khuất là được. Mấy đứa trẻ được dắt đến từng bàn thờ, chỉ dạy để nhớ rõ ông bà, cách cúng lạy theo thứ tự... Rồi sau này, khi trưởng thành, chúng sẽ tiếp nối truyền thống thế hệ cũ, sẽ lại tất bật với những mâm giỗ gia đình.
Nằm ngoài mâm cúng là món đặc sản miền quê Châu Phong: Gỏi sầu đâu, được cậu mợ tôi chuẩn bị sẵn để “chiêu đãi” bà con họ hàng, con cháu xa quê. Đây là món ăn vừa được Tổ chức Kỷ lục Châu Á trao bằng xác lập kỷ lục Châu Á về giá trị ẩm thực giai đoạn 2022-2023. Ăn tới đâu, vị đắng ngập tràn đến đó, mà nghe thấm ngọt tình quê!
Phần còn lại của ngày giỗ, sau khi dành trọn tưởng nhớ về người đã khuất, là dành cho con cháu đang sống. Tất cả cùng quây quần, tụ họp bên nhau, cùng chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống, cùng nhắc đến tương lai, cùng truyền giữ tình cảm gia đình khắng khít bao đời, không để chúng phai nhạt. Đó mới là giá trị lớn nhất của mâm giỗ quê...
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/mam-gio-que-a366589.html