Mầm xanh keo lai BV16
Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong thực hiện mô hình sản xuất cây keo lai BV16 bằng phương pháp giâm hom tại huyện Minh Hóa sẽ cung cấp nguồn cây giống chất lượng cao cho địa phương, nhằm phát triển rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Mô hình còn có ý nghĩa cấp bách khi phục vụ công tác đào tạo nghề cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Qua nghiên cứu và thực tế chứng minh, keo lai là giống lai tự nhiên giữa keo tai tượng và keo lá tràm; có nhiều đặc điểm hình thái trung gian giữa cây bố và cây mẹ, đồng thời có ưu thế lai rõ rệt về sinh trưởng nhanh, có hiệu suất bột giấy, độ bền cơ học và độ trắng của giấy cao hơn hẳn các loài cây bố mẹ…
Huyện Minh Hóa hiện có tổng diện tích các loại rừng và đất lâm nghiệp gần 128.000ha, chiếm 91,61% tổng diện tích tự nhiên, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế rừng. Trong đó, cây keo lai BV16 được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, có đặc tính chống chịu bệnh, khả năng chịu hạn, sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cao, là nguồn giống có nhiều ưu điểm phù hợp mà địa phương ưu tiên lựa chọn đưa vào sản xuất.
Vì vậy, việc thực hiện mô hình “Xây dựng vườn ươm giống cây keo lai BV16 bằng phương pháp giâm hom, phục vụ công tác đào tạo nghề cho bà con dân tộc thiểu số tại huyện Minh Hóa” tại vườn ươm thuộc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Minh Hóa là điều cần thiết, mở ra nhiều triển vọng từ mầm xanh keo lai BV16.
Trực tiếp kiểm tra tiến độ của mô hình, Phó Giám đốc Sở KH-CN Phạm Thanh Nam đánh giá cao sự tuân thủ quy trình của đơn vị thực hiện. Trung tâm GDNN-GDTX huyện Minh Hóa đã thành công khi hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống và chăm sóc cây giống keo lai BV16 bằng phương pháp giâm hom phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương bảo đảm số lượng, chất lượng và tiến độ đề ra; một số nội dung thực hiện vượt mức kế hoạch. Trong đó, đơn vị đã xây dựng vườn nhân giống quy mô 1.200m2, số lượng cây sống là 8.970 cây; sản xuất được gần 300.000 cây keo giống, vượt mục tiêu đề ra trên 8.000 cây; tỷ lệ sống của cây giống đạt 81%. Cây hom giống sinh trưởng phát triển tốt, đến thời điểm xuất vườn, hom giống đạt tiêu chuẩn cao khoảng 28cm, khoảng 12-13 lá, đường kính gốc 3mm; tỷ lệ cây giống đạt chuẩn đạt khoảng 75,19% ở lần đầu tiên xuất vườn.
“Trên cơ sở kế thừa các kỹ thuật chuyển giao KHCN, nhóm thực hiện đã bố trí các thí nghiệm kết hợp thực nghiệm; tiến hành điều tra theo dõi các chỉ số sinh trưởng và phát triển của cây keo lai qua từng giai đoạn; sử dụng hom keo lai đời F1 lấy từ cây mẹ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đặc điểm di truyền tốt được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo nghiệm tuyển chọn và công nhận trước khi đưa vào sản xuất đại trà. Bên cạnh đó, Trung tâm GDNN-GDTX huyện cũng liên tục tổ chức các lớp đào tạo kỹ thuật để nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân. Được sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và sự quan tâm của Sở KH-CN, nhóm thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm tạo ra nguồn giống chất lượng cao phù hợp với điều kiện khí hậu, đáp ứng yêu cầu của người dân địa phương”, chủ nhiệm đề tài Đinh Thị Lệ Giang, giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Minh Hóa, chia sẻ.
Đặc biệt, thông qua mô hình, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Minh Hóa đã tiến hành hướng dẫn, tập huấn và đào tạo nghề cho 35 hộ dân trên địa bàn; đồng thời nhân rộng thành công 1 mô hình vườn ươm cây giống tại xã Hồng Hóa (Minh Hóa).
“Sản xuất cây giống bằng phương pháp giâm hom hiện nay là bước đi hiệu quả, mang tính bền vững, đáp ứng yêu cầu của việc phát triển rừng trồng. Do vậy, nghề giâm hom keo quy mô hộ gia đình là giải pháp để giải quyết việc làm hiện nay ở nông thôn, giải quyết lao động nhàn rỗi và tăng thu nhập cho người dân, mở mang ngành nghề, mang lại hiệu quả kinh tế cao và đa dạng hóa sản phẩm, mở ra hướng đi mới về cơ cấu ngành nghề trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất”, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Minh Hương khẳng định.
“Được tập huấn đào tạo nghề tại mô hình, gia đình tôi đã xây dựng vườn ươm giâm hom cây con keo lai BV16 với diện tích 5.000m2; ước tính trung bình mỗi năm xuất bán ra thị trường tiêu thụ nội địa xã Hồng Hóa và huyện Minh Hóa 200.000 cây giống. Cây giống keo lai BV16 bảo đảm chất lượng, qua thực tiễn chứng minh phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, tỷ lệ sống cao, phát triển nhanh, thích ứng với biến đổi khí hậu là cơ hội để gia đình tôi mở rộng sản xuất giâm hom cây giống. Tuy nhiên, với điều kiện đời sống kinh tế của người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa như gia đình tôi thì rất khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư. Vì vậy, tôi mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện về nguồn vốn từ khoảng trên 200 triệu đồng để đầu tư mở rộng sản xuất. Từ đó, bảo đảm việc cung ứng cây giống tốt cho việc trồng rừng của bà con nông dân trên địa bàn toàn tỉnh và các tỉnh lân cận...”, ông Đinh Hữu Hiệu, thôn Văn Hóa, xã Hồng Hóa (Minh Hóa), cho hay.
Theo đánh giá của Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Minh Hóa Đinh Ngọc Sỹ, thành công của việc thực hiện mô hình xây dựng vườn ươm giống cây keo lai BV16 bằng phương pháp giâm hom đã giúp học viên của trung tâm có điều kiện tham gia thực hành trực tiếp, dễ dàng tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới để ứng dụng vào thực tiễn; từ đó tạo sự hứng khởi cho học viên trong học tập. Học viên nắm bắt kiến thức nhanh hơn so với trước đây chỉ học lý thuyết và tư liệu do giáo viên cung cấp; tự tin khi tiếp cận với thực tế sản xuất sau đào tạo. Mặt khác, áp dụng mô hình đã đáp ứng yêu cầu đào tạo ngày càng cao của trung tâm. Thời gian tới, trung tâm mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành để có nhiều hơn các mô hình tương tự, phục vụ và đáp ứng tốt hơn công tác đào tạo nghề của đơn vị và nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện Minh Hóa.
“Sản xuất cây giống bằng phương pháp giâm hom hiện nay là bước đi hiệu quả, mang tính bền vững, đáp ứng yêu cầu của việc phát triển rừng trồng. Do vậy, nghề giâm hom keo quy mô hộ gia đình là giải pháp để giải quyết việc làm hiện nay ở nông thôn, giải quyết lao động nhàn rỗi và tăng thu nhập cho người dân, mở mang ngành nghề, mang lại hiệu quả kinh tế cao và đa dạng hóa sản phẩm, mở ra hướng đi mới về cơ cấu ngành nghề trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất”, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Minh Hương khẳng định.
Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202410/mam-xanh-keo-lai-bv16-2221391/