Mầm xanh từ đá sỏi
Không nói, không cười, không biết đến trường lớp học, phải tự lập từ những ngày còn thơ trẻ, những đứa trẻ này được ví như những hạt xanh nảy mầm từ đá sỏi. Dù khó khăn, khô cằn, chúng vẫn vươn xanh, trong sự đùm bọc, chở che của cả cộng đồng.
Nghe đời mênh mông
Trung tâm công tác xã hội giờ đang nuôi dưỡng 7 em nhỏ. Em nhỏ nhất giờ mới 8 tháng tuổi, được nhận nuôi từ khi còn chưa được cắt dây rốn, lớn nhất vừa tốt nghiệp PTTH. Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ, hầu hết các em đều là trẻ khuyết tật, khả năng hòa nhập cộng đồng yếu và dễ bị tổn thương bởi thời tiết, dịch bệnh. Chính vì thế, các cô ở đây ngoài chức năng công việc, đều yêu thương, chăm sóc các con bằng chính cái tâm, cái tình của một người mẹ, để bù đắp lại những thiếu thốn, thiệt thòi mà các con phải chịu từ khi sinh ra.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương thăm hỏi bệnh nhi Hà Thị Thúy, điều trị tại phòng Thiếu máu huyết tán, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Chuột - chính là em bé được nhận nuôi từ khi còn chưa cắt dây rốn ấy. Chuột là tên thường gọi, em được các mẹ ở đây đặt cho một cái tên rất đẹp: Nguyễn Cẩm Tú. Em không nhanh nhẹn như các bạn khác, nhưng hay cười. Nụ cười ngô nghê mà sáng trong như xóa tan hết những mỏi mệt, muộn phiền của mọi người.
Hay như cậu bé Nguyễn Quang Trung, sinh năm 2015, bị khiếm thị từ khi mới lọt lòng. Nhưng như có giác quan thứ 6, Trung nô đùa khắp phòng, khắp sân mà không hề vấp ngã, cũng không va chạm vào các bạn khác bao giờ. Chỉ cần nghe tiếng cô gọi, Trung tự lần đến, sà vào lòng cô để nũng nịu.
Cô Bế Hồng Ngọc, một trong 4 cô nuôi ở trung tâm bảo, những ngày các con khỏe mạnh, dù chăm sóc có cực như nào các cô cũng không nề hà. Nhưng vì các con đều là những trẻ khuyết tật, nằm tại chỗ và mắc nhiều bệnh nền, nên những khi thời tiết thay đổi, ốm đau là điều không thể tránh khỏi. Những lúc này, các cô chỉ mong mình có thể ốm thay các con, chịu mệt thay các con, để che chở cho những ngọn nến mong manh ấy, vì gần như khi đã gửi các con vào đây, gia đình nào cũng tất bật với công việc mưu sinh, chẳng mấy khi có thời gian để quay lại thăm nom, chăm sóc nữa.
Phòng điều trị Thiếu máu huyết tán, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang hầu như lúc nào cũng tấp nập bệnh nhi và người nhà. Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó trưởng khoa chia sẻ, các bé được phát hiện và điều trị ở đây từ khi vài tháng tuổi, giờ có những bệnh nhi đã 15 – 16 tuổi, vẫn đều đặn mỗi tháng đến viện để điều trị. Các bác sĩ, y tá thuộc tên các con, thuộc cả tính cách từng bệnh nhi.
Cô bé Hà Thị Thúy ở xã Đức Ninh (Hàm Yên) năm nay đã 13 tuổi nhưng chỉ nhỏ con như học sinh lớp 1. Thúy được phát hiện thiếu máu huyết tán từ khi 7 tháng tuổi, bệnh diễn biến nhanh và nặng khiến toàn bộ khuôn mặt em đã bị biến dạng. Bệnh viện trở thành nhà của Thúy từ bấy giờ, khi tháng nào, Thúy cũng mất ít nhất là 7 ngày, nhiều nhất là 20 ngày trong viện để truyền máu, tán sắt… Chị Lương Thị Thuốc, mẹ của Thúy bảo, con thích đi học lắm, những ngày khỏe, Thúy vẫn xin mẹ chở đến trường để được ngồi cùng các bạn, xem các bạn học, các bạn chơi. Ngày nào yếu quá mới nghỉ ở nhà. Cũng may, các cô ở trường biết hoàn cảnh, vẫn động viên con đến lớp mỗi ngày, không học được nhiều cũng học được ít, quan trọng là để con có thể hòa nhập với các bạn.
Cùng phòng của Thúy, cậu bé Đặng Gia Bảo ở Nhân Mục (Hàm Yên) cũng phát hiện thiếu máu huyết tán từ khi 8 tháng tuổi. Bảo giờ đang học lớp 2 Trường Tiểu học Nhân Mục, tháng nào em cũng phải xin nghỉ 7-10 ngày để xuống viện điều trị. Anh Đặng Văn Đình, bố của Bảo chia sẻ, sức học của con cũng chỉ theo kịp các bạn trong lớp, những ngày ở viện, Bảo vừa điều trị, vừa tranh thủ xem thêm kiến thức từ điện thoại, hỏi thêm cô giáo chủ nhiệm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, không chỉ ở phòng điều trị Thiếu máu huyết tán, những phòng điều trị Hội chứng thận hư, đái tháo đường, số lượng bệnh nhi phải “bám trụ” ở viện từ khi vài tháng tuổi tương đối nhiều. Đặc biệt, đa phần những bệnh nhi mắc bệnh đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Những trường hợp đặc biệt, chính các bác sĩ sẽ là người đứng ra chia sẻ hoàn cảnh lên mạng xã hội để kêu gọi sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân, để các con có thể được điều trị liên tục, lâu dài.
Chú lính chì dũng cảm
Cậu bé Đặng Văn Khuyên ở thôn Phúc Long, xã Thành Long (Hàm Yên) được ví như một chú lính chì dũng cảm, khi mẹ bỏ đi từ khi em 4 tuổi, bố lên Lạng Sơn làm ăn cũng không may qua đời, để em sống một mình trong căn nhà lụp xụp, nhìn đâu cũng thấy trời thấy đất.
Cô giáo Phạm Thị Nga, giáo viên chủ nhiệm của Khuyên năm lớp 5 không đành lòng nhìn cậu học trò nghèo, nhút nhát hiền lành thiệt thòi như vậy. Mỗi tuần, cô và các thầy cô giáo trong trường lại góp tiền giúp Khuyên mua gạo, mua mì tôm. Nhưng theo cô Nga, nếu chỉ làm được đến thế, thì khi học hết lớp 5, khả năng Khuyên phải nghỉ học là rất lớn. Cái ý nghĩ phải làm điều gì đó chắc chắn để đảm bảo tương lai tốt nhất cho Khuyên thôi thúc, cô chia sẻ câu chuyện của Khuyên lên mạng xã hội. Và may mắn, nhận được nhiều sự đồng cảm của các mạnh thường quân.
Từ các nguồn hỗ trợ, Khuyên được tặng xe đạp để đến trường, ngôi nhà sàn lụp xụp được thay thế bằng ngôi nhà cấp bốn khang trang, những vật dụng thiết yếu trong gia đình cũng được mọi người tặng lại để em có thể tự chăm sóc bản thân. Mỗi tuần 2 lần, cô Nga lại đến nhà hướng dẫn Khuyên học bài, giúp em giặt giũ quần áo, chăn màn, vệ sinh nhà cửa. Cô Nga cười vui khi nói về tương lai của Khuyên: Em đã được nhận vào học tại Trường Nội trú huyện Hàm Yên ngay khi học xong lớp 5, đây là điều mà cô vui nhất, bởi lẽ, không có gì quý bằng tri thức, nhất là với cậu bé nhiều nghị lực như Đặng Văn Khuyên.
Trong số 7 trẻ được nuôi dưỡng tại Trung tâm công tác xã hội, có cậu bé Ngô Đức Thắng, sinh năm 2000 được nhận nuôi từ khi đang học lớp 3. Thắng may mắn hơn các bé ở đây là khỏe mạnh hơn, đi lại được và được đi học đầy đủ. Tốt nghiệp PTTH năm 2019, Thắng được các cô định hướng theo học nghề sửa chữa điện tại trường Cao đẳng nghề Tuyên Quang, để sau này, khi rời Trung tâm, Thắng có được cái nghề trong tay, có thể đảm bảo được cuộc sống về lâu dài. Những ngày nghỉ, Thắng lại dành thời gian hỗ trợ các cô chăm sóc, vệ sinh cho những bạn mắc bệnh nặng hơn. Thắng bảo, ở đây có những em thiệt thòi lắm, chỉ nằm một chỗ, chân tay co cứng, có em có xe lăn nhưng không thể ngồi được. Em biết mình may mắn hơn các bạn, nên luôn cố gắng chia sẻ với các bạn, các cô, thay một lời cảm ơn cho những gì mình đã nhận được hơn chục năm qua.
Những cô bé, cậu bé như Cẩm Tú, Quang Trung, Thúy, Gia Bảo hay em Khuyên, Đức Thắng… dù có thiệt thòi hơn những trẻ em khác, nhưng bên các em luôn có rất nhiều người sẵn sàng tiếp sức, để đốm lửa khát khao sống, được học hành, được cống hiến trong các em không bao giờ phải tắt.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/mam-xanh-tu-da-soi-132933.html