Sống cùng người trầm cảm: Hãy nói rằng con cần mẹ!
Theo một nghiên cứu của bệnh viện Bạch Mai công bố năm 2017, tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do trầm cảm là 40.000 người mỗi năm, cao gấp 4 lần so với tử vong do tai nạn giao thông.
Trong nhiều gia đình Việt Nam hiện nay, khi con trở nên thu mình, im lặng, mất dần hứng thú với cuộc sống, cha mẹ thường lúng túng. Họ không biết đó có phải là “chuyện nhất thời”, hay là dấu hiệu nghiêm trọng. Câu hỏi “tôi nên lo lắng đến mức nào?” thường không có câu trả lời rõ ràng. Thậm chí, nhiều cha mẹ chọn im lặng vì sợ làm trầm trọng thêm tình hình.
Tại buổi giao lưu và ra mắt sách Hãy nói rằng con cần mẹ - Cẩm nang đồng hành với người thân bị trầm cảm ngày 17/5, PGS.TS Nguyễn Phương Hoa đã chia sẻ những kiến thức đúng đắn, dễ tiếp cận về sức khỏe tinh thần để những người trầm cảm và người thân đang bất lực tìm cách giúp đỡ người thân tìm hiểu cơ hội chữa lành.
Trầm cảm không còn là chuyện của riêng ai
Ông Lê Hoàng - Giám đốc Đường sách TP.HCM - cho biết bản thân từng trải qua trầm cảm trong nhiều năm mà không nhận ra. Ông kể lại có thời điểm phải ngồi yên trong phòng tối 30 phút để trấn tĩnh cảm giác ngột ngạt, căng thẳng kéo dài. Khi sang Singapore học tiếng Anh, ông mới nhận thấy mình có đủ các triệu chứng điển hình của trầm cảm, bao gồm cả ý nghĩ về cái chết.

Ông Lê Hoàng kể về hành trình chữa trầm cảm. Ảnh: Hoàng Yến.
Sau hơn 10 năm điều trị bằng thuốc và thay đổi môi trường sống, ông cho biết tình trạng sức khỏe tinh thần của mình đã được cải thiện. Ông nhấn mạnh ba yếu tố hỗ trợ lớn nhất là: rời khỏi môi trường làm việc áp lực cao, được làm công việc yêu thích, và có sự đồng hành, thấu hiểu từ gia đình.
Ông đặc biệt nhấn mạnh sự đồng hành của gia đình là yếu tố then chốt trong quá trình chữa lành. Chính môi trường gia đình tích cực, thấu hiểu đã giúp ông từng bước vượt qua trầm cảm. Từ trải nghiệm cá nhân, ông đề xuất các bậc phụ huynh nên xây dựng cho con một nền tảng sống tích cực ngay từ nhỏ, bao gồm khả năng tự nhận biết cảm xúc, chia sẻ và ứng phó với áp lực nhưng không nên áp đặt hay kỳ vọng thái quá.
Bên cạnh đó, nhiều người mắc trầm cảm vẫn e ngại việc thăm khám chuyên khoa tâm thần vì lo sợ định kiến xã hội. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng, trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần, và việc tìm đến bác sĩ chuyên khoa không phải điều đáng xấu hổ, mà là bước đầu tiên quan trọng để người bệnh có cơ hội được điều trị và phục hồi đúng cách.
“Trầm cảm không phân biệt độ tuổi, nghề nghiệp, hay hoàn cảnh sống. Việc phá bỏ định kiến về bệnh lý tâm thần là điều cần thiết để người bệnh có cơ hội được chữa lành”, ông nói.
Không cần phải là chuyên gia tâm lý để cứu con
Hãy nói rằng con cần mẹ - Cẩm nang đồng hành cùng người thân bị trầm cảm do PGS.TS Nguyễn Phương Hoa biên soạn ra đời như một lời thì thầm dịu dàng giữa bão giông cảm xúc. Không giáo điều hay lạm dụng thuật thuật ngữ chuyên môn, cuốn sách giúp cha mẹ bước vào thế giới nội tâm phức tạp của con, học cách lắng nghe, đồng hành và chữa lành ngay cả khi không có chuyên gia bên cạnh.

PGS.TS Nguyễn Phương Hoa chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Hoàng Yến.
Cuốn sách đề cập đến những biểu hiện dễ bị hiểu nhầm của trầm cảm, như sự thờ ơ, mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng thường bị đánh giá sai lệch là “lười biếng” hay “thiếu nghị lực”. Thông qua đó, sách giúp người đọc hiểu rõ hơn về nội tâm của người mắc trầm cảm, từ đó đồng hành một cách hiệu quả và có hiểu biết.
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa chia sẻ: “Người bị trầm cảm không hoàn toàn mất động lực sống. Họ có thể có khả năng ghi nhớ, tập trung, phân tích tốt. Điều quan trọng là họ cần sự tự chủ, cảm giác an toàn và sự tin tưởng từ người thân”.
PGS.TS Phan Mai Hương (Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nhận định, cuốn sách góp phần lấp đầy khoảng trống thông tin và kết nối giữa người bệnh với gia đình. Theo bà, không ít phụ huynh bối rối trước những thay đổi của con, không biết nên lo lắng ở mức độ nào khi thấy con trở nên trầm lặng hoặc mất hứng thú với cuộc sống. Tình trạng thiếu kiến thức, cộng với định kiến và sự bất lực, khiến nhiều người bỏ lỡ giai đoạn can thiệp sớm.
ThS Mai Thị Việt Thắng, chuyên gia tư vấn trị liệu tại Trung tâm Quốc tế Phát triển Nhận thức, đánh giá đây là tài liệu hữu ích không chỉ với phụ huynh mà còn dành cho các nhà nghiên cứu, chuyên gia trị liệu và bất kỳ ai quan tâm đến lĩnh vực sức khỏe tâm thần.

Sách Hãy nói rằng con cần mẹ - Cẩm nang đồng hành cùng người thân bị trầm cảm. Ảnh: Hoàng Yến.
Trong bối cảnh trầm cảm vẫn còn là một chủ để nhạy cảm, đôi khi bị hiểu lầm hoặc đơn giản hóa quá mức, cuốn sách này như một lời mời gọi cha mẹ hãy bắt đầu bằng việc lắng nghe - lắng nghe con, lắng nghe chính mình, và lắng nghe những hiểu biết mới từ khoa học tâm lý. Từ đó, hình thành nên những kết nối bền vững giữa các thế hệ để trở thành nguồn lực mạnh mẽ nhất trong hành trình chữa lành.
Cuốn sách này không phải là bản đồ nhưng có thể là chiếc đèn pin đủ sáng để các bậc phụ huynh đi tiếp từng bước, cùng con.
Nguồn Znews: https://znews.vn/song-cung-nguoi-tram-cam-hay-noi-rang-con-can-me-post1553688.html