'Màn khởi động' quyết liệt của Tổng thống đắc cử Iran
Dù chưa chính thức nhậm chức, song Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi gần như đã bắt đầu nhiệm kỳ đầy thách thức của mình với việc khởi động cuộc chiến chống tham nhũng mà ông từng nhiều lần nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử của mình.
Theo tờ Tehran Times, trong cuộc gặp đầu tiên với lãnh đạo các cơ quan giám sát và tình báo của Iran vào giữa tuần này, ông Raisi nói rằng ông muốn xây dựng một chiến lược cụ thể và biện pháp thực tế nhằm đấu tranh chống tham nhũng trong chính phủ. “Một trong những kỳ vọng của người dân đối với chính phủ mới là phải diệt trừ nạn tham nhũng”, Tổng thống đắc cử Raisi nhấn mạnh trong cuộc họp.
Tehran Times cho biết, ông Raisi cũng yêu cầu các quan chức có mặt tại cuộc họp nói trên phải tạo ra sự thay đổi trong hệ thống hành chính của Iran nhằm “diệt tận gốc” nạn tham nhũng, đồng thời đề ra các giải pháp hiệu quả để khi ông chính thức nhậm chức, dự kiến vào ngày 5-8 tới, kế hoạch này phải được thực thi ngay lập tức, không chậm trễ một phút nào.
Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng có thể coi là một trong những khẩu hiệu rõ ràng, xuyên suốt trong thời gian làm chính trị gần đây của Tổng thống đắc cử Raisi. Năm 2019, khi còn là Bộ trưởng Tư pháp của Iran, ông Raisi đã xây dựng cho mình hình ảnh là một người kiên quyết chống tham nhũng, thể hiện qua việc ông thẳng tay xét xử công khai và truy tố nhiều nhân vật thân cận với chính phủ và cơ quan tư pháp. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua, khẩu hiệu mà chính trị gia 60 tuổi này đưa ra cũng là "Chính quyền của dân, Iran mạnh mẽ", dựa trên nền tảng diệt trừ tham nhũng trong cơ quan hành pháp, cùng với chống đói nghèo, tạo công ăn việc làm và kiềm chế lạm phát. Sau khi được tuyên bố thắng cử, ông Raisi một lần nữa tuyên bố chống tham nhũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông trong nhiệm kỳ sắp tới.
Chống tham nhũng-“phát súng mở màn” mà Tổng thống đắc cử Raisi đưa ra-dĩ nhiên thu hút sự chú ý và đem tới kỳ vọng lớn cho người dân Iran, nhất là khi vấn nạn này được cho là nguyên nhân làm trầm trọng thêm những tác động tiêu cực do các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra đối với nền kinh tế Iran. Tất cả những con số thống kê đều cho thấy thời gian qua, nền kinh tế Iran đã rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi lạm phát tăng vọt và luôn ở mức trên 45%, tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức khoảng 11,2%. Đó là chưa kể Chính phủ Iran đang đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách đáng kể, trong khi sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu thô của nước này cũng giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo tờ Financial Times, dù cuộc chiến chống tham nhũng của đương kim Tổng thống Hassan Rouhani đã đem tới một số kết quả tích cực, nhưng kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5-2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt với nền kinh tế Iran, quốc gia này càng chứng kiến thêm nhiều vụ tham nhũng. Những bức xúc về vấn đề kinh tế và tham nhũng cấp cao lan rộng thậm chí đã từng tạo ra một làn sóng các cuộc biểu tình trên khắp đất nước. Nhiều người dân Iran còn tỏ ra đặc biệt lo ngại trước tình trạng các doanh nhân móc nối với chính trị gia nhằm lợi dụng cuộc khủng hoảng về kinh tế để trục lợi.
Cũng vì thế mà giờ đây, người dân Iran càng kỳ vọng rằng Tổng thống đắc cử Raisi sẽ tung ra “phát súng chí mạng” đối với tệ nạn tham nhũng, đúng như ông từng tuyên bố: "Chúng ta sẽ không chỉ cắt đứt những ngón tay mà còn chặt đứt cả những cánh tay tham nhũng".
Chống tham nhũng cũng được dự đoán là “màn khởi động” quyết liệt mà Tổng thống đắc cử Raisi muốn thể hiện trước khi tất bật với cả núi công việc mà ông phải hoàn thành trong nhiệm kỳ của mình, từ giải quyết đại dịch Covid-19, vực dậy nền kinh tế tới đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.