Màn thể hiện lấn lướt cả mỹ nhân Hàn của Thu Trang ở 'Tiệc trăng máu'
Một bên thuần chính kịch, một bên buồn đau với những nét tươi sáng, đó là sắc thái khác biệt của Yum Jung Ah và Thu Trang khi hóa thân thành hai phiên bản của một nhân vật.
Năm 2018, Hàn Quốc làm lại bộ phim Perfect Strangers của Italy, với tựa đề mới là Intimate Strangers. Tháng 10/2020, Tiệc trăng máu - phiên bản remake của Việt Nam ra rạp. Hai phiên bản phim đánh dấu màn đụng độ giữa minh tinh - Á hậu Hàn Quốc Yum Jung Ah (cô đoạt ngôi vị á hậu 1 tại cuộc thi Hoa hậu Hàn Quốc năm 1991) và "hoa hậu làng hài" Việt - Thu Trang, khi khắc họa hai phiên bản của cùng một nhân vật.
Yum Jung Ah thể hiện chân dung Soo Hyun. Cô là vợ của luật sư Tae Soo (Yu Hae Jin đóng). Ở phiên bản Việt, nhân vật này được đặt tên Thu Quỳnh do Thu Trang đảm nhận, Thái Hòa đóng vai anh chồng - là một nhà báo.
Hai sao nữ có sở trường khác biệt. Nếu như Yum Jung Ah chuyên trị dòng chính kịch, với nét diễn có chiều sâu và đầy suy tư, thì thế mạnh của Thu Trang lại là phim hài - đất sống cho diễn xuất mang màu sắc tự nhiên, gần gũi của cô. Có lẽ, vì điều này nên dù cùng thể hiện một nhân vật, hai diễn viên vẫn đem đến sắc thái riêng. Màn trình diễn của Thu Trang còn được cho rằng có phần lấn lướt hơn á hậu Hàn Quốc, bởi sự tươi sáng, nét hài hước, duyên dáng mà Thu Quỳnh có được.
Yum Jung Ah và Thu Trang đều thành công trong việc lột tả chân dung và cuộc đời của người phụ nữ ngoài 40 tuổi, trong gia đình là một bà nội trợ bị phụ thuộc, ràng buộc bởi nhiều áp lực từ chồng, ngoài xã hội họ là một gương mặt kém nổi bật, luôn mang mặc cảm thua kém và sâu trong nội tâm là một tâm hồn đơn độc, bế tắc, chỉ có thể tìm kiếm sự lãng mạn, cảm giác được sống là mình từ thơ ca.
“Hoa hậu làng hài” và á hậu Hàn Quốc
Yum Jung Ah thuận lợi bén duyên với màn ảnh nhờ thế mạnh nhan sắc, nhưng thời gian qua đi, thực lực mới là thứ giúp cô trụ vững với mảnh đất nghệ thuật đầy khắc nghiệt ở Hàn.
Ở tuổi 48, nữ diễn viên sở hữu gia tài diễn xuất tương đối đồ sộ, với trên dưới 70 bộ phim gồm điện ảnh và truyền hình, đa phần thuộc thể loại chính kịch.
Thời trẻ, Yum Jung Ah nổi tiếng vì diện mạo nổi bật. Khi còn là học sinh trung học, cô từng đoạt giải nữ sinh thanh lịch. Đến khi là sinh viên Đại học Chung Ang - trường nghệ thuật, sân khấu điện ảnh hàng đầu của Hàn Quốc, Yum Jung Ah lại được ca tụng là “hoa khôi giảng đường”. Điều đó thôi thúc minh tinh tham gia cuộc thi Hoa hậu Hàn Quốc, nhằm khẳng định sắc đẹp và trí tuệ của mình.
Năm 19 tuổi, Yum Jung Ah tỏa sáng ở cuộc thi Hoa hậu Hàn Quốc 1991, đoạt ngôi á hậu 1 và giải phụ dành cho người đẹp ăn ảnh. Bệ phóng từ đấu trường nhan sắc giúp cô nhận được lời mời tham gia series truyền hình đình đám một thời - Our Paradise (Thiên đường của chúng ta).
Kể từ đó, sự nghiệp của Yum Jung Ah lên như diều gặp gió. Những tựa phim làm nên sức hút của cô có thể kể đến là Model, A Tale of Two Sisters, The Big Swindle, The Old Garden, Cart, Intimate Strangers, SKY Castle… Yum Jung Ah từng hai lần lên ngôi Ảnh hậu, một lần trở thành Thị hậu tại giải thưởng Baeksang Arts Awards danh giá.
Thu Trang sinh năm 1984, là nữ diễn viên hài được nhiều khán giả yêu mến. Trải qua 15 năm trong nghề, cô đã để lại dấu ấn thông qua những bộ phim như Để mai tính 2, Em là bà nội của anh, Đôi mắt âm dương… Thu Trang được ví là “hoa hậu làng hài”, không phải vì cô sở hữu ngoại hình chuẩn mực, mà có lẽ bởi nét duyên dáng độc đáo khi thể hiện sức diễn riêng biệt cho màn ảnh.
Dù sở trường là “tấu hài”, Thu Trang vẫn thể hiện sự linh hoạt trong diễn xuất bằng những vai diễn có chiều sâu, lấy nước mắt người xem, chẳng hạn như vai người mẹ thiểu năng trong phim Nắng. Gần đây, với màn tái xuất ở Tiệc trăng máu, cô tiếp tục khẳng định được sự biến hóa khi hóa thân thành nhân vật phức tạp, mang màu sắc chính kịch - Thu Quỳnh.
Vai diễn điển hình cho phụ nữ châu Á
Nếu như nhân vật Tae Soo (ở bản Hàn) và Phan Bất Bình (ở bản Việt) là đại diện cho căn bệnh trầm kha - gia trưởng và độc đoán - của phần đông nam giới ở hai quốc gia châu Á, thì Soo Hyun cùng Thu Quỳnh là điển hình cho tính cách của một bộ phận phụ nữ Á Đông - cam chịu và an phận.
Nét tính cách đó được thể hiện rõ qua tạo hình, cử chỉ và cách tương tác với chồng của nhân vật người vợ. So sánh với hai nhân vật nữ còn lại trong hai phiên bản phim, Soo Hyun và Thu Quỳnh kém nổi bật về trang phục và thần thái. Thế nhưng, chính người phụ nữ có vẻ ngoài mờ nhạt ấy lại là nhân vật chứa nhiều sức nặng nhất bộ phim.
Hình ảnh Soo Hyun và Thu Quỳnh phản ánh đặc điểm cuộc sống của phần đông phụ nữ châu Á. Họ chịu sự kiểm soát sâu sắc từ chồng gần như trong mọi chuyện. Từ công việc, cách ăn mặc, cách trang điểm cho đến lối cư xử với mẹ chồng, với bạn bè của chồng, cách nuôi dạy con, tất cả đều đặt dưới cái nhìn xét nét, soi mói của những người đàn ông đóng vai trò trụ cột gia đình. Sống chung dưới một mái nhà, tiếng nói của họ dường như vô giá trị, mọi sự đều do chồng quyết định.
Soo Hyun và Thu Quỳnh chấp nhận ở nhà hầu chồng dạy con, là hậu phương cho chồng vững tâm xây dựng địa vị ngoài xã hội. Dần dần, đầu tắt mặt tối với công việc nội trợ, họ vô tình trở thành “rô-bốt”, được lập trình cho nhiệm vụ duy nhất: Chăm sóc gia đình, còn những mong muốn và ước mơ rất riêng tư, rất thường tình của một người phụ nữ đôi khi bị lãng quên.
Nhân vật của Yum Jung Ah và Thu Trang phải che giấu, kìm nén khao khát được sống theo ý muốn của bản thân dưới một vỏ bọc an toàn và nhạt nhẽo, như những chiếc váy kín cổng cao tường mà họ khoác lên mình. Họ chỉ dám nổi loạn một cách âm thầm và thận trọng, ở những thứ dễ che đậy, mang tính tạm thời, chẳng hạn như mặc một món nội y màu sắc sặc sỡ, hay lén uống rượu sau lưng chồng.
Bước ra từ cuộc sống “quanh quẩn mãi giữa vài ba dáng điệu, tới hay lui cũng chừng ấy mặt người”, Soo Hyun và Thu Quỳnh dễ mang mặc cảm tự ti khi đối diện với những người phụ nữ có cuộc sống tự do, độc lập. Tâm lý thua kém ấy đi kèm sự đố kị với những ai xinh đẹp, giỏi giang, thành đạt hơn mình. Họ dễ bị hớp hồn bởi những thứ hào nhoáng và choáng ngợp trước những giá trị phù phiếm.
Một nhân vật, hai sắc thái
Soo Hyun do Yum Jung Ah thể hiện và Thu Quỳnh dưới màn trình diễn của Thu Trang đều là những người vợ hy sinh sự nghiệp để chu toàn việc gia đình, yêu thích thơ ca, đều mang tâm lý vừa biết ơn, vừa mặc cảm, vừa thất vọng và tủi hờn khi đối diện với chồng. Ra ngoài xã hội, họ vô tình bộc lộ sự vô tư đến mức vô duyên.
Tuy nhiên, mỗi phiên bản chứa đựng sắc thái riêng, nhờ vào phong cách diễn xuất của từng ngôi sao. Nhân vật của Yum Jung Ah toát lên vẻ u uất, chán chường, nhẫn nhịn, đơn thuần chính kịch. Trong khi đó, nhân vật của Thu Trang, dù phiền muộn và đau đớn, nhưng vẫn có nét tươi sáng nhờ nêm nếm thêm chất hài.
Đơn cử như trong cảnh ngâm thơ, nếu cách nhả chữ của Soo Hyun chất chứa sự bay bổng, phảng phất nỗi buồn, thì Thu Quỳnh lại đem tới nét mơ mộng pha lẫn hài hước. Ở khoảnh khắc phẫn nộ đến rơi nước mắt khi hiểu lầm chồng mình thích đàn ông, nhân vật của Yum Jung Ah đưa đến cảm giác suy sụp, não nề và tuyệt vọng. Thế nhưng Thu Trang có cách thể hiện riêng, để nhân vật của cô thấm thía nỗi cay đắng và chua xót, còn khán giả lại cảm thấy dở khóc dở cười trước tình huống số phận khéo trêu đùa.
Sự vô duyên của Thu Quỳnh được cường điệu hóa, lột tả bằng nhiều hành động hơn thay vì đa phần là lời thoại như Soo Hyun nhằm gây cười. Cô lén lút dùng thử nước hoa, hay vô tư thử giường - nơi riêng tư của hai vợ chồng Nguyệt Ánh (Hồng Ánh). Trong khi đó, những hành động khi thăm nhà bạn của Soo Hyun chỉ dừng lại ở việc động chạm qua loa và trầm trồ trước một vài món đồ nội thất đắt tiền.
Dù khác biệt trong sắc thái nhưng cả Yum Jung Ah và Thu Trang đều khắc họa trọn vẹn những ẩn ức, khao khát được sống theo ý mình của nhân vật. Hai ngôi sao đã đẩy cảm xúc lên đến đỉnh điểm bằng một hành động táo bạo chưa từng có ở gần cuối phim - vén váy giữa chốn chốn đông người, ẩn dụ cho sự tự cởi trói, thoát ly khỏi những ràng buộc và giải phóng nỗi đau khổ, phẫn uất bị đè nén bấy lâu.
Yum Jung Ah và Thu Trang đã thành công khi gieo vào lòng người xem nỗi ám ảnh và day dứt khôn nguôi về áp lực trong cuộc sống của rất đông phụ nữ ở châu Á.