Mang chuông đi đấm nước người

Lần đầu tiên được đi làm nhiệm vụ quốc gia trong chuyến thăm chính thức nước ngoài của người đứng đầu Nhà nước ta, các nghệ sĩ nhạc thính phòng Việt Nam được tăng cường bởi các nghệ sĩ nhạc dân tộc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thể hiện rõ tài nghệ và sự tự tin văn hóa.

Trước hết, tôi phải nói ngay để tránh mọi hiểu lầm rằng câu thành ngữ Việt “Mang chuông đi đấm nước người” có nghĩa là “mang tài năng đi thi thố ở một nơi xa lạ”, tức hoàn toàn được hiểu theo nghĩa tích cực.

Dẫn câu này bởi tôi muốn quay trở lại và dừng lâu một chút ở việc Dàn nhạc Thính phòng Hà Nội đã được đi theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam để trình diễn trong một số chương trình chính thức của chuyến thăm tại phòng hòa nhạc Haydn-Saad ở Áo và khán phòng Cappella Paolina trong cung điện Phủ tổng thống Italia. Đây là điều mà NSƯT-TS Bùi Công Duy, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Việt Nam, cũng là tay vĩ cầm Việt có uy tín quốc tế khẳng định với tôi là chưa có tiền lệ.

Thủ hiến bang Burgeland – Áo cùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng các nghệ sĩ sau buổi biểu diễn tại phòng hòa nhạc Haydn-Saad. Ảnh: Lê Xuân Sơn

Thủ hiến bang Burgeland – Áo cùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng các nghệ sĩ sau buổi biểu diễn tại phòng hòa nhạc Haydn-Saad. Ảnh: Lê Xuân Sơn

Theo Bùi Công Duy, các nghệ sĩ nhạc thính phòng của chúng ta đã biểu diễn trong nước và nước ngoài trong các chương trình ngoại giao và văn hóa trước các nhà lãnh đạo, kể cả các nguyên thủ các quốc gia nhiều rồi, nhưng chưa bao giờ được tham gia một sứ mệnh ngoại giao ở tầm cao như thế này - phục vụ trong chuyến thăm chính thức (tới Áo) và chuyến thăm cấp nhà nước (tới Italia) của người đứng đầu Nhà nước ta. Và lại được trình diễn cho những thính giả đặc biệt tại những đất nước ở đỉnh cao về âm nhạc bác học như Áo và Italia, hơn nữa lại ở phòng hòa nhạc Haydn-Saad và Dinh Tổng thống.

Trong câu chuyện với tôi trên chiếc máy bay số hiệu VN1 chở Chủ tịch nước và Đoàn Việt Nam hoàn thành thắng lợi chuyến thăm trở về đất nước, NSƯT Bùi Công Duy- Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Việt Nam chốt lại: “Với tư cách là một nghệ sĩ biểu diễn và là người làm quản lý, tôi rất tự hào về các đồng nghiệp của mình. Họ đã thể hiện rõ là đủ sức đủ tài để trình diễn ở những khán phòng danh giá nhất trên thế giới”.

Thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt trong chuyến đi này đã là quá vinh dự rồi, trong khi chỉ cần nói riêng khía cạnh chuyên môn thôi thì để hiểu được sự tự hào của những nghệ sĩ biểu diễn nhạc thính phòng. Bởi chỉ Haydn-Saad là phòng hòa nhạc nơi nhạc sĩ Haydn đã chơi nhạc rồi chỉ huy dàn nhạc trong khoảng ba chục năm, mà Haydn là ai? Xin dẫn lại đôi dòng giới thiệu về nhạc sĩ Haydn của từ điển Wikipedia: “Haydn được gọi là “người cha của giao hưởng” và “cha đẻ của tứ tấu dây”. Ông cũng có nhiều đóng góp cho thể loại tam tấu piano và hình thức sonata (…) Ông cũng là thầy dạy của Wolfgang Amadeus Mozart và của Ludwig van Beethoven”.

Tổng thống Italia Mattarella đến chạm vào cây đàn bầu và hỏi chuyện NSƯT Lệ Giang. Ảnh: Việt Dũng

Tổng thống Italia Mattarella đến chạm vào cây đàn bầu và hỏi chuyện NSƯT Lệ Giang. Ảnh: Việt Dũng

Bởi vậy mà khi tôi hỏi nhạc trưởng Trần Nhật Minh và vài nghệ sĩ đã biểu diễn trong hai chương trình hòa nhạc ở Áo và Italia, họ đều thú thật là lúc đầu cũng “hốt”. Trần Nhật Minh nói mọi người hơi bị căng cứng khi tấu khúc “Chào mừng” khá khó mở màn cho buổi hòa nhạc ở Haydn-Saad. Nghệ sĩ violon Phạm Trường Sơn cũng thừa nhận là lúc đầu khá “hồi hộp” mặc dù đã từng trình diễn ở nhiều nhà hát giao hưởng nổi tiếng thế giới. Nghệ sĩ saxophone Lê Duy Mạnh cũng vậy. Ngay cả Bùi Công Duy lão luyện cũng không khỏi có chút xao động trước bối cảnh và nhiệm vụ đặc biệt, mặc dù riêng về trình diễn trong phủ tổng thống Italia thì đây là lần thứ hai đối với anh (lần trước là năm 2012, cử tọa có cả Tổng thống Italia lúc đó là ngài Giorgio Napolitano và Thủ tướng Letta, cao cấp nhất phía ta có đại sứ Nguyễn Hoàng Long - tức lần biểu diễn đó tuy có lãnh đạo cao nhất phía bạn nhưng vẫn không phải là sứ mệnh ở cấp độ như lần này. Duy cũng chia sẻ kỷ niệm là lần đó, sau buổi diễn, Tổng thống Napolitano đã vào sau cánh gà nói chuyện với anh và bất ngờ ông gọi anh là “đồng chí” vì ông nói “tôi cũng từng là đảng viên Đảng Cộng sản Ý”).

Tổng thống Italia Mattarella và Chủ tịch nước nói chuyện với NS Bùi Công Duy.

Tổng thống Italia Mattarella và Chủ tịch nước nói chuyện với NS Bùi Công Duy.

Tổng thống Italia Mattarella và Chủ tịch nước đến cây đàn T’rưng hỏi chuyện NSUT Hoa Đăng.

Tổng thống Italia Mattarella và Chủ tịch nước đến cây đàn T’rưng hỏi chuyện NSUT Hoa Đăng.

Theo nhạc trưởng Trần Nhật Minh thì ở Áo, các nghệ sĩ đã bình tĩnh lại sau phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ông đã đề cao vai trò của âm nhạc trong đời sống, nhấn mạnh rằng âm nhạc giúp con người hiểu nhau, đồng điệu, gắn kết và gần nhau hơn. “Chúng tôi thấy Chủ tịch nước hiểu nghề nghiệp của mình, vai trò của mình và gửi gắm ở mình một nhiệm vụ, từ đó mọi người thoát khỏi sự căng cứng để chơi mỗi lúc càng hứng khởi và thăng hoa” - Trần Nhật Minh nói. Là người chủ huy dàn nhạc, Minh cảm nhận rất nhạy thái độ của thính giả sau lưng mình. Và khi quay lại chào sau mỗi tiết mục, bao giờ anh cũng đọc nhanh trong mắt khán giả đánh giá về tiết mục vừa trình diễn. Và anh cảm thấy vui bởi những tín hiệu nhận được trong hai lần biểu diễn này. “Khán giả lặng đi khi Khánh Ngọc cất tiếng hát” - Trần Nhật Minh nói.

Dàn nhạc thính phòng Hà Nội có cả đàn bầu và đàn T’rưng phụ họa cùng nghệ sĩ Bùi Công Duy, các ca sĩ Tấn Minh, Khánh Ngọc biểu diễn trong phòng hòa nhạc Haydn-Saad tại Áo. Ảnh: TTXVN

Dàn nhạc thính phòng Hà Nội có cả đàn bầu và đàn T’rưng phụ họa cùng nghệ sĩ Bùi Công Duy, các ca sĩ Tấn Minh, Khánh Ngọc biểu diễn trong phòng hòa nhạc Haydn-Saad tại Áo. Ảnh: TTXVN

Khánh Ngọc (tên đầy đủ Phạm Khánh Ngọc) là ca sĩ opera của Đoàn Nhạc kịch, Nhà hát Giao hưởng Nhạc, Vũ kịch TPHCM, giảng viên Nhạc viện TPHCM và ĐH Sài Gòn được mời tăng cường cho Dàn nhạc thính phòng Hà Nội đi làm nhiệm vụ trong lần này. Thật tự hào khi nghe giọng cao vút của chị cất lên trong trong bản Aria Nun beut die Flur from Oratoria “Creation” của Haydn ở Áo và hai bản Aria nổi tiếng của Ý trong dinh Tổng thống. Bản thân Nhạc trưởng Trần Nhật Minh cũng là nghệ sĩ được tăng cường lần này cho Dàn nhạc thính phòng Hà Nội. Anh đã tốt nghiệp thạc sĩ ở Học viện Tchaikovsky và là bạn cùng lớp, cùng phòng với Bùi Công Duy khi học ở Học viện này. Hiện anh là trưởng đoàn Đoàn Nhạc kịch, Nhà hát Giao hưởng, Nhạc - Vũ kịch TPHCM.

Bùi Công Duy thăng hoa tại Áo.

Bùi Công Duy thăng hoa tại Áo.

Được tăng cường hai nghệ sĩ chất lượng này, Dàn nhạc Thính phòng Hà Nội mà các nghệ sĩ hầu hết cũng là các giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia do NSƯT Bùi Công Duy - Phó Giám đốc Học viện trực tiếp dẫn dắt đã rất thành công trong sứ mệnh âm nhạc lần này. Bản thân Bùi Công Duy cũng đã biểu diễn thăng hoa với các tác phẩm của F. Kreisler (Áo), J. Massenet (Pháp), E. Elgar (Anh), A. Vivaldi (Italia)… Ở Italia, khi buổi diễn kết thúc, tôi thấy Tổng thống Mattarella và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói chuyện khá lâu với Bùi Công Duy.

Điều rất độc đáo là trong hai chương trình hòa nhạc này có các tiết mục khi hai cây đàn dân tộc Việt Nam - đàn bầu và đàn T’rưng đã hòa tấu cùng các nhạc cụ bác học châu Âu và thu hút sự chú ý rất lớn của cử tọa Áo và Italia. NSƯT Lệ Giang (Giảng viên đàn bầu Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đã mê hoặc khán giả với tiếng đàn bầu trong các tác phẩm “Ru con” (dân ca) và “Miền Nam quê hương ta ơi” (NS Huy Du), trong khi NSƯT. TS Hoa Đăng (Phó trưởng khoa Nhạc cụ truyền thống - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) thì làm khán phòng hứng khởi với tác phẩm “Vũ khúc Tây Nguyên” (NS Hoàng Đạm). Sau buổi biểu diễn, Tổng thống Italia Mattarella cùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã lên sân khấu đến gần từng cây đàn dân tộc Việt Nam nói chuyện với các nghệ sĩ.

Tôi hỏi Lệ Giang “Ngài Tổng thống đã nói gì?”, chị cho biết: “Ông ấy chạm vào cây đàn và nói cây đàn của bạn nhìn đơn giản, mộc mạc nhưng âm thanh thật phong phú và chạm đến trái tim”. Lệ Giang còn chia sẻ trước buổi biểu diễn chị tập lại một chút thì người vệ sĩ của Tổng thống Mattarella tiến đến nói “tiếng cây đàn của chị thật giống tiếng hát của con người”.

Nhạc trưởng Trần Nhật Mình và ca sĩ Khánh Ngọc biểu diễn tại phòng hòa nhạc Haydn-Saad.

Nhạc trưởng Trần Nhật Mình và ca sĩ Khánh Ngọc biểu diễn tại phòng hòa nhạc Haydn-Saad.

Tôi đứng khá gần khi Tổng thống Mattarella và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiến đến cây đàn T’rưng và chụp được cảnh ông hỏi chuyện nữ nghệ sĩ Hoa Đăng nhưng không nghe được nội dung câu chuyện. Sau tìm hiểu thì được biết ông khen cây đàn rất độc đáo và khi NSƯT Hoa Đăng hỏi lại là ngài có muốn gõ thử không thì ông tươi cười nói rằng không dám vì ông biết khả năng âm nhạc của mình vì đã từng học hát nhưng không thành công.

Tóm lại là các nghệ sĩ của chúng ta đã để lại dấu ấn trong chuyến thăm của Chủ tịch nước. Họ chứng tỏ cho cử tọa tinh hoa ở các nước giàu truyền thống âm nhạc như Áo, Italia thấy rằng Việt Nam có âm nhạc bác học không thua kém thế giới và âm nhạc dân tộc vô cùng độc đáo. Họ đã thực hiện xuất sắc chủ trương của lãnh đạo là bên cạnh sự sánh vai đồng đẳng trong ngoại giao, chính trị thì cũng thể hiện sự tự tin về văn hóa.

Lê Xuân Sơn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/am-huong-chuyen-chu-tich-nuoc-tham-ao-italia-va-vatican-mang-chuong-di-dam-nuoc-nguoi-post1556412.tpo