Măng cụt có thật sự gây độc khi kết hợp với đường như lời đồn thổi?

Măng cụt nếu biết cách chế biến và sử dụng sẽ có nhiều tác dụng với cơ thể. Loại trái cây này không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn là vị thuốc được sử dụng từ lâu, có nhiều giá trị dược lý.

Măng cụt không gây độc khi kết hợp với đường

Trong khi món gỏi gà măng cụt xang đang "gây bão" trên mạng xã hội, mới đây nghệ sĩ Thành Lộc đã có bài đăng trên trang cá nhân, cảnh báo về món ăn này. Cụ thể, bài viết của nghệ sĩ Thành Lộc cho rằng, những năm 70-80 đã rộ kiểu ăn nhậu măng cụt sống. Người nhậu chấm măng cụt với đường. Đó là thời kinh tế khó khăn, mọi người có gì ăn nấy. Sau đó có nhiều người ngộ độc vì măng cụt rất nhiều nhựa, khi gặp đường sẽ có phản ứng ngộ độc.

Trước thông tin trên, trao đổi với Tạp chí Công dân và Khuyến học, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ - Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 3) cho biết, thông tin kết hợp măng cụt xanh với đường gây phản ứng dẫn tới ngộ độc là không chính xác. "Đến nay chưa có công trình nghiên cứu, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này", bác sĩ Tấn Vũ cho biết.

Măng cụt là một loại trái cây quý, ngoài hương vị thơm ngon còn là một dược liệu vô cùng quý giá, có nhiều công dụng chữa bệnh. Ảnh: naturallyvietnam

Măng cụt là một loại trái cây quý, ngoài hương vị thơm ngon còn là một dược liệu vô cùng quý giá, có nhiều công dụng chữa bệnh. Ảnh: naturallyvietnam

Măng cụt là một loại quả giàu dinh dưỡng, rất được ưa chuộng ở những vùng nhiệt đới. Măng cụt có vị ngọt thanh, từng múi trắng như sữa là thứ trái nhiều người thích ăn. Ngoài ra, loại quả này còn được nhiều người chế biến thành những món ăn ngon như gỏi gà măng cụt, gỏi măng cụt tôm thịt,…

Với món gỏi gà măng cụt xanh, bác sĩ Vũ cho biết, khi chế biến mọi người đã cẩn thận lọc bỏ phần vỏ, loại bỏ nhựa chỉ lấy phần cùi phía trong để trộn gỏi. Và khi trộn gỏi thường sẽ cho thêm đường để món ăn được ngon hơn và sẽ không gây độc.

"Trong vỏ măng cụt hay nhựa măng cụt có chất tanin, nếu khi làm không loại bỏ phần đó hoặc ăn quá nhiều thì có thể sẽ làm se niêm mạc đường tiêu hóa, từ đó dẫn đến tắc ruột và có thể gây tử vong. Vì thế người có bệnh đường tiêu hóa, người già, trẻ nhỏ không nên ăn nhiều măng cụt. Ngay với người bình thường cũng không nên ăn măng cụt xanh khi chưa bỏ vỏ hoặc nhựa. Còn đường phản ứng với măng cụt xanh gây ngộ độc tử vong là không có", bác sĩ Vũ thông tin.

Măng cụt có nhiều giá trị dược lý, được dùng để chữa bệnh từ lâu

Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, măng cụt là một loại trái cây quý, ngoài hương vị thơm ngon còn là một dược liệu vô cùng quý giá, có nhiều công dụng chữa bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ - Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 3). Ảnh: NVCC

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ - Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 3). Ảnh: NVCC

"Ít ai biết rằng, từ ruột tới vỏ của măng cụt đều chứa các thành phần dược học có khả năng phòng, hỗ trợ điều trị một số bệnh. Măng cụt rất giàu dưỡng chất như chất đạm, chất béo, carbohydrate, chất xơ, calcium, chất sắt, phosphor và vitamin như B1, C", bác sĩ Tấn Vũ thông tin.

Trong y học cổ truyền, măng cụt được dùng để điều trị tiêu chảy, làm mau lành vết thương, chữa trị những rối loạn về da. Thành phần có giá trị dược lý của măng cụt là một nhóm hợp chất có tên "xanthone". Chất này thuộc nhóm chống oxy hóa có nguồn gốc thực vật (polyphenol). Có khoảng 40 xanthone được nhận dạng trong măng cụt, nhiều nhất ở vỏ. Điều này giúp măng cụt là loại trái cây chứa nhiều xanthone nhất, có tác dụng chống oxy hóa rất cao.

Những đặc tính của xanthone:

- Tác động chống oxy hóa: xanthone là một hợp chất hóa học có hoạt tính chống oxy hóa rất cao, trên cả dâu tây.

- Kháng nấm: nhiều loại xanthone và những dẫn chất của chúng đã được chứng minh có đặc tính kháng nấm và kháng vi khuẩn, kể cả những vi khuẩn có khả năng đề kháng kháng sinh.

- Kích thích hệ thống miễn dịch cơ thể, giúp cơ thể chống lại những vi sinh vật lạ xâm nhập.

- Ức chế sự oxy hóa của LDL (lipoprotein tỉ trọng thấp), vì thế có tác động làm giảm cholesterol.

- Có tác dụng bảo vệ tế bào gan, ức chế những tế bào ung bướu, vì vậy được xem là một chất có tác dụng kháng ung thư.

- Tác động giảm đau: một số xanthone có khả năng ức chế các hoạt động của men cyclo-oxygenase, nên măng cụt được dùng như một loại thuốc cổ truyền điều trị những chứng đau, viêm, làm hạ nhiệt độ cơ thể khi bị sốt...

- Xanthone còn được xem là "ứng viên tiềm năng" trong việc chữa trị những chứng bệnh Parkinson và Alzheimer.

Trong dân gian, vỏ quả măng cụt thường được dùng làm thuốc chữa tiêu chảy, kiết lỵ, rối loạn tiêu hóa và giải trừ các chất độc do ăn uống. Tác dụng này của măng cụt chủ yếu là do chất tanin, chiếm 7-13% trong thành phần của vỏ quả. Khi bị đau bụng, đi tiêu lỏng, bệnh vàng da, người bệnh thường được cho uống nước sắc vỏ măng cụt. Cụ thể:

- Cho chừng 10 vỏ quả măng cụt vào một nồi đất hay nồi đồng (tránh dùng nồi sắt hay nồi tôn), thêm nước cho ngập rồi đun sôi kỹ trong 15 phút. Ngày uống 3-4 chén to nước này.

- Ngoài ra, có thể dùng theo đơn sau: vỏ quả măng cụt khô 60g, hạt mùi 5g, hạt thìa là 5g, nước 1.200ml. Đun sôi, sắc kỹ cho cạn còn chừng một nửa (600ml). Mỗi lần uống 120ml. Uống mỗi ngày 2 lần.

Trung Nguyên

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/mang-cut-co-that-su-gay-doc-khi-ket-hop-voi-duong-nhu-loi-don-thoi-179230523143113038.htm