Mang hơi thở cuộc sống vào tác phẩm báo chí
BHG - Tôi nhớ một câu nói của nhà báo “lão làng” đã và đang công tác tại Tòa soạn Báo Hà Giang khi tôi còn chập chững bước vào nghề viết lách: “Nhiều khi bài viết không cần dùng từ quá cao sang, ẩn ý, mà chỉ cần sự mộc mạc, ngôn từ đời thường, để đồng bào, người dân hiểu được, biết được những vấn đề cần truyền tải”.
Công tác tại Tòa soạn Báo Hà Giang thấm thoát đã được tròn 10 năm. Một khoảng thời gian không quá dài mà cũng chẳng quá ngắn trong cuộc đời của mỗi người. Hà Giang là quê hương thứ hai của tôi khi rời xa mảnh đất miền Trung “gió Lào bỏng cháy”. Tôi còn nhớ, khi mới bước vào nghề, tất cả mọi thứ đều xa lạ, từ nhịp sống, giọng nói và cả phong tục, nét văn hóa đều khác so với nơi tôi sinh ra. Điều đó có lúc tạo nên khó khăn nhất định cho chính bản thân trong cuộc sống, chưa nói đến việc tuyên truyền, viết báo. Thế nhưng, trong quá trình công tác, tôi và nhiều phóng viên mới vào nghề được các anh, chị đồng nghiệp chỉ bảo, hướng dẫn tận tình, “cầm tay chỉ việc” từng câu, chữ, từng lỗi chính tả và cả sửa câu từ, đoạn văn sao cho rõ ý, súc tích. Qua đó, tiếp thêm cho tôi động lực, không ngừng học tập và dần thích nghi được với môi trường, lối văn, ngôn từ, phong cách truyền thông của Tòa soạn Báo Hà Giang.
Với vai trò là một phóng viên, tôi may mắn được cơ quan phân công, giao nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt thông tin tất cả các lĩnh vực trên địa bàn huyện Xín Mần. Đường xa, đi lại khó khăn, mỗi lần đi công tác cơ sở chúng tôi phải đi 1 tuần mới về. Không chỉ đi đến trung tâm huyện, phóng viên thường xuyên tác nghiệp các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Có những chuyến công tác đến thôn, bản, gặp trời mưa to hoặc đêm tối “lỡ đò” không kịp đi về huyện đành phải ở lại nhà dân, sáng hôm sau tiếp tục công việc. Có lúc vượt rừng, băng suối để đến với cơ sở, dù cho ướt đẫm mồ hôi, “chùn chân, mỏi gối” vẫn không nản lòng. Khó khăn là thế nhưng mỗi chuyến công tác là một kỷ niệm đẹp trong quá trình công tác của những “người đưa tin”. Mỗi chuyến đi cơ sở giúp cho chúng tôi thu thập cụ thể về thông tin, số liệu thực tế để chuyển tải thành tác phẩm báo chí theo nhịp sống của đồng bào. Một đồng nghiệp nói với chúng tôi rằng: “Phóng viên cơ sở là phải biết lội ruộng, vượt núi và dấn thân, không quản ngại khó khăn…”.
Tôi còn nhớ những buổi sinh hoạt nghiệp vụ, Ban Biên tập và lãnh đạo các phòng nghiệp vụ thường xuyên nhắc nhở phóng viên hạn chế tối đa lối viết theo báo cáo, rập khuôn mà phải chân thực, mang đậm hơi thở cuộc sống của bà con nhân dân. Có lẽ, những lời văn mộc mạc, gần gũi với đời thường sẽ mang đến cho độc giả, người dân cách tiếp cận dễ nhất, có sức lan tỏa về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; lãnh chỉ đạo của các cấp, ngành; các mô hình phát triển kinh tế, an ninh trật tự, gương người tốt việc tốt… Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, khi Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai, công tác truyền thông là một khâu hết sức quan trọng, là cầu nối để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiểu rõ hơn về cơ chế chính sách, chủ trương, mục tiêu và các tiêu chí… Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, tiểu dự án, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.
Sinh thời Bác Hồ đã nói: “Đối với đồng bào miền núi, nhiệm vụ của công tác tuyên truyền là vô cùng quan trọng, nhằm góp phần thiết thực vào việc nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho đồng bào các dân tộc. Bác khẳng định: “Tuyên truyền là đem một việc gì đó để nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục tiêu đó là tuyên truyền thất bại”. Bác chỉ rõ “công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực”. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, đội ngũ phóng viên Báo Hà Giang tiếp tục học tập, phấn đấu, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên mặt trận tuyên truyền để đáp ứng, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.