Mạng lưới giao thông thủy: Thừa tiềm năng, thiếu hạ tầng
TPHCM có hệ thống đường thủy dài 975km, đạt mật độ bình quân 0,181km/1.000 dân và đạt 0,465km/m². Tính ra, TPHCM có mật độ đường thủy đạt bằng 73% so với ĐBSCL. Do đó, cần xem xét để đầu tư, khai thác tiềm năng đường thủy nhằm phát triển giao thông thủy thích hợp, hiệu quả.
Lợi thế tiềm năng
Địa bàn thành phố đang có 92 tuyến đường thủy nội địa địa phương với chiều dài 598,7km và 5 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với chiều dài hơn 100km. Về luồng tuyến, hiện có các tuyến liên tỉnh, các tuyến nối tắt hoặc liên kết nội thành với khu cảng biển mới và các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch.
Đối với các tuyến liên tỉnh, từ TPHCM có nhiều luồng tuyến tỏa đi các tỉnh miền Tây Nam bộ và miền Đông Nam bộ. Chẳng hạn từ TPHCM đi Cà Mau, Hà Tiên sẽ theo kênh Tẻ - kênh Đôi - rạch Ông Lớn - kênh Cây Khô - rạch Bà Lào - sông Cần Giuộc - kênh Nước Mặn - sông Vàm Cỏ - kênh Chợ Gạo, Sa Đéc - sông Hậu Giang - rạch Sỏi - kênh Rạch Giá, Hà Tiên - kênh Ba Hòn - thị trấn Kiên Lương, cự ly dài khoảng 320km theo tiêu chuẩn sông cấp III. Ở hướng Đông, từ TPHCM có thể tỏa đi Biên Hòa hoặc Bình Dương theo các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai…
Các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố cùng với các tuyến đường thủy nội địa trung ương, tuyến hàng hải và hàng trăm cảng biển, cảng sông lớn nhỏ đã và đang tạo thành một mạng lưới giao thông vận tải đường thủy kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nối kết giao thương vận tải và kinh tế quốc tế.
Rõ ràng, tiềm năng khai thác giao thông vận tải đường thủy nội địa trên mạng lưới sông, kênh rạch của thành phố không những rất lớn mà một khi hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa được khai thác tốt, sẽ góp phần hạ giá thành vận chuyển, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa. Ngoài ra, giao thông vận tải đường thủy nội địa còn có nhiều lợi thế khác như có thể vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn, hàng hóa siêu trường, siêu trọng, lại ít gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể, một khi đường thủy phát triển, áp lực giao thông trên đường bộ hiện đang quá tải sẽ được san sẻ.
Thiếu điều kiện cần và đủ
Mặc dù điều kiện sông nước tự nhiên có nhiều thuận lợi, thế nhưng cho đến nay, giao thông đường thủy bằng phương tiện cá nhân vẫn thiếu điều kiện để phát triển tương xứng… Hiện trên địa bàn TPHCM có 92 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động vận tải hành khách, khách du lịch với 308 phương tiện chở khách. Trong đó, các loại hình phương tiện hoạt động chủ yếu như: tàu cao tốc chở khách tuyến cố định, ca nô cao tốc chở khách du lịch theo hợp đồng chuyến, tàu nhà hàng, phương tiện thủy nội địa vận tải hành khách ngang sông, phà vận tải hành khách ngang sông. Số lượng phương tiện thủy nội địa đăng ký mới trong năm 2020 là 267 phương tiện, và năm 2021 là 229 phương tiện.
Tổng số du thuyền của hộ gia đình, cá nhân được đăng ký đang hoạt động trên địa bàn thành phố là 50 chiếc. Tổng số ca nô có sức chở dưới 12 người của hộ gia đình, cá nhân được đăng ký đang hoạt động trên địa bàn là 390 phương tiện. Điều này cho thấy nhu cầu đi lại và neo đậu phương tiện thủy của tổ chức, cá nhân trên đường thủy nội địa thuộc địa bàn TPHCM là đáng kể.
Thường xuyên xuôi ngược trên sông Sài Gòn đi về giữa Cần Đước (tỉnh Long An) và huyện Hóc Môn (TPHCM), chủ phương tiện giao thông thủy mang ký hiệu LA04832 cho biết, vẫn hay gặp khó khăn khi cần tìm nơi lưu đậu giữa hành trình. Trong khi đó, theo chủ phương tiện giao thông thủy mang mã số LA04424 (vốn hay qua lại trên tuyến sông Rạch Rơi, huyện Nhà Bè, TPHCM), một khi thành phố có mạng lưới rộng khắp các điểm cho tàu thuyền lưu đậu, lúc đó tự nhiên giao thông thủy cũng sẽ có bước phát triển, đáp ứng nhu cầu người dân cũng như san sẻ gánh nặng cho giao thông đường bộ.
Không riêng hai chủ tàu trên, khi hỏi bất cứ chủ phương tiện thủy nào lưu thông thường xuyên trên các tuyến sông Soài Rạp, tuyến sông Đồng Nai và tuyến sông Sài Gòn, hầu như đều có chung nhận xét: mạng lưới hạ tầng giao thông thủy còn nhiều hạn chế. Việc các phương tiện giao thông cá nhân bằng đường thủy được phép hoạt động góp phần san sẻ áp lực quá tải giao thông trên đường bộ. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Hòa An, hiện tại chưa phải là thời điểm để triển khai giao thông thủy bằng phương tiện cá nhân trên địa bàn thành phố. Lý do là vẫn còn thiếu những điều kiện cần và đủ. “Những cái thiếu đó là cơ chế pháp lý, phương thức quản lý, cơ sở hạ tầng như bến bãi lưu đậu…”, ông An giải thích.
Một trong những khó khăn về cơ sở hạ tầng đó là hiện nay quỹ đất dùng để đầu tư cho dịch vụ hậu cần kỹ thuật còn chưa nhiều, hành lang ven bờ sông tại nhiều nơi còn riêng lẻ, phân đoạn, chưa được kết nối thông suốt. “Biết rằng nhiều nước phát triển trên thế giới đã có phương tiện thủy cá nhân, nhưng cho phép phương tiện đường thủy cá nhân hoạt động tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng vào thời điểm này là chưa phù hợp”, một chuyên gia về giao thông thủy nhìn nhận.
Thời gian qua, Sở GTVT TPHCM đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đường thủy. Điển hình là công bố triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 cho nhiều loại thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đường thủy nội địa, trong đó có 15 loại thủ tục tại Sở GTVT và một số thủ tục tại Cảng vụ Đường thủy nội địa. Từ năm 2017, Cảng vụ Đường thủy nội địa đã thí điểm làm thủ tục cho phương tiện vào/rời cảng, bến thủy nội địa bằng tin nhắn SMS.
Bên cạnh đó, Sở GTVT triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về hạ tầng đường thủy, công cụ thu thập, tích hợp, lưu trữ và cung cấp dữ liệu theo thời gian và xây dựng phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành đường thủy và cung cấp thông tin cho người dân thông qua các ứng dụng di động; dự kiến đưa vào khai thác trong quý 2 năm 2022. Đồng thời, đầu tư hệ thống camera giám sát tại các vị trí xung yếu như các ngã ba sông, các luồng đường thủy có lưu lượng giao thông cao, các cảng, bến thủy nội địa... kết nối về trung tâm quản lý; kết nối camera tại các bến phà, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông có lưu lượng vận tải lớn, kết nối thông tin về cơ quan quản lý.
-----------------------------
* Vốn đầu tư cho đường thủy không lớn
Theo Sở GTVT TPHCM, cho đến nay, việc đầu tư nhiều công trình như xây dựng hệ thống kè chống sạt lở, chỉnh trang, nạo vét cho giao thông đường thủy nội địa vẫn chưa được quan tâm thích đáng, chi phí để thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng còn hạn chế. Điều này cũng ít nhiều tác động đến trật tự an toàn giao thông trên đường thủy. Tỷ trọng đầu tư cho đường thủy nội địa so với đầu tư cho toàn ngành giao thông vận tải chưa cao. Sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường thủy chiếm gần 40% so với vận tải bằng đường bộ, thế nhưng tỷ trọng đầu tư cho đường thủy tính cho 5 năm gần đây thì lại chỉ bằng 5,4% so với đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông đường bộ.
* Đề xuất mở tuyến tàu cao tốc từ TPHCM đi Côn Đảo
Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Hòa An cho biết, sở ủng hộ đề xuất của Công ty TNHH Công nghệ xanh DP, Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc về việc khai thác vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ TPHCM đi Côn Đảo và ngược lại nhằm góp phần phát triển vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển và phát triển du lịch đường thủy. Tuy nhiên, tuyến đường thủy này có hành trình đi qua các tuyến hàng hải thuộc vùng nước cảng biển do Cảng vụ Hàng hải TPHCM và Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu quản lý. Do đó, 2 đơn vị liên hệ với 2 đơn vị trên để được hướng dẫn lập hồ sơ, giải quyết theo quy định.
Đối với cầu bến đón trả hành khách tại TPHCM, chủ đầu tư chủ động liên hệ với đơn vị quản lý cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (Công ty CP Cảng Sài Gòn) để có ý kiến thống nhất cho phương tiện vào đón, trả hành khách. Riêng khu vực Công viên Bến Bạch Đằng, quận 1, do để hoàn thiện phương án quy hoạch tổng thể cảnh quan công trình công viên công cộng phục vụ cộng đồng và các cầu cảng sẽ di dời nên không bố trí tiếp nhận phương tiện vận tải thủy tại khu vực này.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/mang-luoi-giao-thong-thuy-thua-tiem-nang-thieu-ha-tang-796904.html