Mang niềm vui đến với người cao tuổi
Trong buổi sinh hoạt định kỳ, các thành viên Đội văn nghệ của Câu lạc bộ (CLB) liên thế hệ Tự giúp nhau (LTHTGN) thôn Lập Ái, xã Song Giang, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), lại cùng nhau biểu diễn những điệu múa do họ tự biên đạo, hướng dẫn nhau tập luyện. Những giờ phút như vậy dường như đã trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc của người dân, để từ đó, họ có cho mình những nụ cười sảng khoái, giờ phút thư giãn, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
CLB LTHTGN ở thôn Lập Ái được thành lập từ tháng 4-2018. Đến nay, CLB có 58 thành viên, trong đó 71% là người cao tuổi (NCT) và số thành viên nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn chiếm hơn 70%. Với cách tiếp cận liên thế hệ, dựa vào cộng đồng và tự giúp nhau, sau gần hai năm thành lập, CLB luôn hướng tới mục tiêu tạo cơ hội cho người nghèo, cận nghèo và người thiệt thòi, nhất là NCT, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, gắn kết tương tác giữa nhóm người thiệt thòi với chính quyền địa phương. Thông qua những hoạt động thiết thực, như: hỗ trợ các thành viên tăng thu nhập; động viên tinh thần lúc hội viên ốm đau, hoạn nạn; giúp đỡ nhau dọn vệ sinh nhà ở, chuồng trại, sửa sang nhà cửa..., CLB tạo ra môi trường sinh hoạt nhân văn, bổ ích, thu hút các thành viên tham gia nhiệt tình, lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng. Ông Nguyễn Tiến Nhu, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Tất cả các hoạt động này đã giúp cho các thành viên năng động, khỏe mạnh, có ý thức trách nhiệm với xã hội, học hỏi nhiều hơn những kiến thức chăm sóc bản thân, các mô hình sinh kế và quyền lợi của NCT”.
Hiện nay, CLB đã thành lập đội bóng chuyền hơi, đội bóng bàn, đội cầu lông... để mỗi chiều, lại tập luyện, giao lưu. Bên cạnh đó, các thành viên tập thể dục dưỡng sinh theo tổ, nhóm, tập tại nhà thường xuyên, hằng tuần tập ít nhất ba lần. Đến nay, tất cả các thành viên tham gia tập thể dục đều đặn, đồng thời động viên những người không thuộc CLB tập luyện cùng. Bà Trịnh Thị An, thành viên CLB cho biết: “CLB là nơi tôi có thể gặp gỡ, trao đổi với mọi người niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Ngoài ra, tôi còn thường xuyên tập thể dục, thể thao, giúp tôi cảm thấy mạnh khỏe, vui vẻ và học được cách chăm sóc bản thân tốt hơn thông qua những buổi truyền thông về sức khỏe tại CLB”.
Là thành viên của CLB thôn Lập Ái, trước kia, bà Trịnh Thị Nhung, 67 tuổi phải làm những món đồ vàng mã thủ công, khiến cho đôi tay bị trầy xước, năng suất chưa cao. Bà Nhung cho biết, thu nhập thường giảm xuống khi tuổi đã cao, nhất là những người lao động chân tay. Bên cạnh đó, NCT khó tiếp cận vốn vay, đào tạo nghề. Do đó, từ khi gia nhập CLB và được giới thiệu về các hoạt động tăng thu nhập, bà Nhung đã mạnh dạn vay vốn, mua máy chẻ tre, nứa và các nguyên liệu để làm nghề. “Sau khi có máy chẻ tre, công việc của tôi thuận lợi hơn, năng suất cao. Kinh tế gia đình ổn định giúp tôi tự tin và có sự gắn kết tốt hơn với làng xóm”- bà Nhung chia sẻ.
CLB còn hướng tới việc giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệc khó khăn trong làng. Chị Nguyễn Thị Đan, 34 tuổi, bị liệt toàn thân hơn 21 năm qua. Khi tìm hiểu về hoàn cảnh của chị Đan, bà Nguyễn Thị Mỹ (61 tuổi) và bà Trịnh Thị Miến (56 tuổi) đã xung phong làm tình nguyện viên hỗ trợ gia đình, thường xuyên chăm sóc chị Đan, hay trò chuyện để giúp chị vơi đi những nỗi đau. Với sự cho phép của gia đình, CLB đã đưa thông tin của chị Đan vào sổ Tấm lòng vàng của CLB để kêu gọi hỗ trợ thêm cho chị Đan. Chị Đan xúc động chia sẻ: “Từ ngày có các thành viên trong CLB đến hỗ trợ, chăm sóc, tôi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Thông qua những buổi trò chuyện, các bác tình nguyện viên như “đôi mắt” thứ hai giúp tôi mường tượng ra những gì đang diễn ra trong cuộc sống, sự thay đổi của làng quê nơi tôi sinh ra trong nhiều năm qua”.
CLB LTHTGN đã chứng minh là mô hình hiệu quả nhằm thích ứng với tình trạng già hóa dân số ngay tại cộng đồng và phù hợp điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội ở Việt Nam. Đánh giá về hoạt động của CLB, bà Nguyễn Thị Sáu, Trưởng ban đại diện Hội NCT huyện Gia Bình cho biết: “Đây là CLB LTHTGN đầu tiên được thành lập ở huyện mang tính cộng đồng cho nên có tầm ảnh hưởng lớn tới người dân. Thành viên tham gia CLB được nâng cao nhận thức mọi mặt. Hằng tháng, qua buổi sinh hoạt, các thành viên được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, có ý thức giúp nhau trong cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần”.