Mang tri thức về phát triển quê hương

Làm dịch vụ homestay 5 năm qua không những giúp gia đình anh Vàng Dỉ Phò ở thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) thoát nghèo mà còn cổ vũ phong trào khởi nghiệp của thanh niên địa phương.

Anh Vàng Dỉ Phò hướng dẫn phụ nữ trong thôn đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch địa phương.

Anh Vàng Dỉ Phò hướng dẫn phụ nữ trong thôn đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch địa phương.

Khởi nghiệp nơi địa đầu Tổ quốc

Chúng tôi ghé thăm homestay của anh Vàng Dỉ Phò, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Lũng Cú vào một ngày trời lạnh buốt trên cao nguyên đá Đồng Văn. Khi bước vào căn nhà nhỏ, khách đã cảm nhận rõ sự ấm áp bởi có một bếp củi lớn đang được đốt. Nhìn về phía trước cổng nhà, chỉ cách homestay khoảng chừng 500m là Cột cờ Lũng Cú thiêng liêng.

Bên bếp củi rực hồng, anh Phò cho biết, anh sinh năm 1990 là người dân tộc Lô Lô. Học hết phổ thông, anh trúng tuyển vào Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên). Sau khi ra trường, anh quyết trở về quê hương để làm du lịch cộng đồng. “Xã có Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, thôn tôi là ngôi làng cổ có những mái nhà trình tường lợp ngói âm dương thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm ngày càng đông. Từ đó tôi nảy sinh ý tưởng trở về quê khởi nghiệp bằng dịch vụ du lịch cộng đồng”, anh Phò cho biết.

Tuy nhiên, để làm được dịch vụ homestay không phải chuyện dễ. “Mới tốt nghiệp đại học, tôi còn nhiều bỡ ngỡ không biết phải bắt đầu từ đâu, đặc biệt không có vốn đầu tư. Nhưng khi được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho thanh niên và nhân dân phát triển du lịch, tôi được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh nên càng thêm quyết tâm”, anh Phò cho biết.

Vượt qua khó khăn, anh Phò đã “cắp sách” đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, tìm hiểu thêm trên mạng về cách vận hành, quản trị và marketing. Sau thời gian tích lũy kiến thức, anh khởi nghiệp với số vốn được hỗ trợ là 60 triệu đồng cùng tiền vay mượn từ người thân, bạn bè để làm homestay. Năm 2019, homestay của anh Phò mang tên Cực Bắc chính thức mở cửa đón khách.

Bản làng đáng sống

Chị Hoàng Thị Lễ, vợ anh Phò chia sẻ: “Tôi làm giáo viên mầm non thu nhập chỉ đủ ăn. Sau đó, tôi quyết định nghỉ việc cùng chồng làm homestay. Tôi đã học thêm tiếng Anh và học cách chế biến các món ăn truyền thống. Mở cửa làm dịch vụ đúng thời điểm dịch bệnh, suốt một năm trời không có thu nhập, vợ chồng đôi lúc va chạm tưởng như phải bỏ cuộc, song rất may mọi chuyện cũng được giải quyết”.

Để thu hút thêm khách du lịch đến Lô Lô Chải nói riêng và Hà Giang nói chung, anh Phò tâm niệm phải gắn chặt với phát huy và bảo tồn văn hóa truyền thống, làm du lịch bền vững, tăng thêm dịch vụ trải nghiệm và quảng bá rộng rãi đến bạn bè trong nước, quốc tế qua các kênh truyền thông.

Căn homestay Cực Bắc của vợ chồng anh Phò có 8 phòng đơn, 2 phòng đôi (bungalow) và 1 phòng cộng đồng. Nhà anh Phò còn trưng bày và bán một số đặc sản Hà Giang như thịt lợn gác bếp, trà tam giác mạch... mang lại thu nhập bình quân khoảng hơn 25 triệu đồng/tháng. Đến nay, số tiền vay mượn để khởi nghiệp vợ chồng anh đã trả gần hết. “Từ ngày làm du lịch gia đình tôi có cuộc sống ổn định hơn”, anh Phò cho biết.

Với vai trò Bí thư Đoàn Thanh niên xã, anh Vàng Dỉ Phò còn tích cực vận động, hướng dẫn thanh niên địa phương tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để khởi nghiệp. Đến nay, trên địa bàn xã Lũng Cú đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế hay do thanh niên làm chủ, nhiều thanh niên vươn lên làm giàu từ chính thế mạnh quê hương. Đặc biệt, cùng với phát triển kinh tế, mọi người đều ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của người Lô Lô cũng như quyền và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền nơi biên cương cực bắc của Tổ quốc.

Ông Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải chia sẻ: Anh Vàng Dỉ Phò là một thanh niên có khát vọng và ý chí vươn lên. Khi các cấp chính quyền có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng tại Lô Lô Chải, anh Phò là một trong những người tiên phong mạnh dạn đầu tư xây dựng homestay. Homestay Cực Bắc của anh Phò thu hút đông khách du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, giải quyết việc làm. Ngoài ra, anh còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ một số thanh niên trong thôn cùng làm du lịch, tạo nên phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ nơi đây.

Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mang-tri-thuc-ve-phat-trien-que-huong-post864062.html