Mạng viễn thông 'tương tự Starlink' thay đổi toàn diện cách liên lạc của Quân đội Nga
Việc tạo ra một hệ thống tương tự Starlink sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến cách thức liên lạc trong Quân đội Nga.

Yêu cầu cung cấp cho Quân đội Nga hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh chất lượng cao và đáng tin cậy trên chiến trường Ukraine ngày càng trở nên cấp thiết.

Giới chức quân sự Nga bắt đầu nói về khả năng tạo ra một cái gì đó tương tự hệ thống truy cập Internet vệ tinh băng thông rộng tốc độ cao Starlink của Mỹ, do công ty SpaceX của tỷ phú công nghệ Elon Musk quản lý.

Hệ thống "tương tự Starlink" của Quân đội Nga nếu được tạo ra sẽ phải đảm nhiệm hai chức năng cùng lúc: duy trì thông tin liên lạc ổn định trong điều kiện đối phương phản công tích cực và dễ sử dụng tối đa ở cấp độ chiến thuật.

Theo nhận xét, về lâu dài, việc tạo ra hệ thống liên lạc internet vệ tinh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cách thức tiến hành thông tin liên lạc trong Quân đội Nga.

Nói khái quát một người lính trong chiến hào không nên bị phân tâm về độ tin cậy của thiết bị, mọi thứ cần phải hoạt động bình thường, vì vậy cần có một số yêu cầu nghiêm ngặt.

Thứ nhất, cần có tính tự chủ và khả năng cơ động cao. Việc triển khai trực tiếp trên mặt đất (chúng ta đang nói về tuyến phòng thủ của một đơn vị nhỏ) phải được thực hiện trong vài phút mà không cần chuẩn bị phức tạp.

Thiết bị liên lạc vệ tinh khi triển khai ngoài thực địa phải có độ tin cậy cao và hoạt động bằng pin tích hợp sẵn, có khả năng kết nối với nguồn điện bên ngoài.

Bản thân thiết bị cần được đựng trong một hộp nhỏ gọn được bảo vệ, khó phá hủy và nên vừa vặn trong ba lô hoặc túi vải. Ngoài ra cần giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng vì tình trạng ở tiền tuyến rất khó khăn.

Tiếp theo, thiết bị phải có khả năng chống lại tác chiến điện tử. Trong trường hợp này, không quan trọng là được tích hợp sẵn hay bổ sung, điều quan trọng nhất là khí tài phải thực hiện đủ mọi chức năng, không lo bị gián đoạn.

Việc liên lạc nên được thực hiện trong băng tần Ku/Ka được mã hóa mạnh (tương tự như AES-256) và khả năng thay đổi tần số nhanh chóng. Kênh viễn thông phải được bảo vệ khỏi việc chặn, xâm nhập, gây nhiễu, giả mạo và một vài tác động can thiệp nguy hiểm khác.

Thứ ba, theo nhận xét từ các chuyên gia quân sự Nga thì mỗi trung đội, hay tốt hơn là mỗi tiểu đội, nên có một bộ thiết bị liên lạc internet vệ tinh như vậy.

Không nên duy trì nhật ký hoặc các hình thức báo cáo không cần thiết. Ngoài ra cũng không cần phải có mối quan hệ theo chiều dọc với các sở chỉ huy cấp cao hơn để giảm bớt tình trạng quan liêu và tăng hiệu quả bảo mật.

Thứ tư, hệ thống phải tin cậy và dễ sử dụng như một loại "súng trường tấn công Kalashnikov". Giao diện và thiết lập phải đơn giản nhất có thể, công việc của binh sĩ chỉ nên bao gồm "bật", "bắt tín hiệu", "truyền/nhận".

Ngoài ra binh sĩ phải làm việc trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng an toàn và sử dụng ứng dụng nhắn tin cũng có mức độ bảo mật nhất định, với khả năng hỗ trợ bản đồ, video và truyền tọa độ.

Trước yêu cầu này, Nga cần phải tạo ra một công cụ truyền tin để mã hóa và duy trì trạng thái sẵn sàng liên lạc liên tục.

Thứ năm, khả năng mở rộng và hỗ trợ có tầm quan trọng rất lớn. Kết nối vẫn phải được duy trì ngay cả khi một phần mạng lưới bị mất, nếu vậy cần có kiến trúc lưới và khả năng chuyển đổi giữa các trạm liên lạc.

Cuối cùng, vệ tinh nhỏ quỹ đạo thấp cần có chức năng đặt kênh theo thời gian thực - đây là một vấn đề riêng biệt cần được giải quyết và kiểm soát trước tiên, vì nếu thiếu chúng, binh lính sẽ không có Internet để liên lạc trên chiến trường.

Với những yêu cầu trên và tình hình nước Nga hiện nay, có lẽ rất khó để Moskva tạo ra hệ thống truy cập internet vệ tinh đủ tin cậy "tương tự Starlink" trong tương lai gần.