Mang Xuân đến Trường Sa, bài 2: Chồi non, lộc biếc giữa trùng khơi
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân lên đảo Trường Sa là màu xanh của chồi non, lộc biếc. Mặc cuồng phong, sóng dữ và điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, những tán bàng vuông, phi lao, bão táp, chuối, đu đủ và các loại rau vẫn xanh tốt; được chăm sóc bằng mồ hôi, công sức của những người lính đảo.
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân lên đảo Trường Sa là màu xanh của chồi non, lộc biếc. Mặc cuồng phong, sóng dữ và điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, những tán bàng vuông, phi lao, bão táp, chuối, đu đủ và các loại rau vẫn xanh tốt; được chăm sóc bằng mồ hôi, công sức của những người lính đảo.
Vượt qua chặng đường dài trên biển, khi bước chân lên đảo, đi trên con đường bê tông rợp bóng mát của tán cây bàng vuông, phi lao, bão táp… cảm giác thật mát mẻ, dễ chịu ùa vào chúng tôi.
Đảo Trường Sa có diện tích 48ha. Trên đảo, ngoài các công trình quốc phòng, quân sự, còn có các thiết chế văn hóa, như: Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài Võ Nguyên Giáp, chùa… Đi đến đâu chúng tôi cũng thấy một màu xanh tràn sức sống. Dưới tán bàng vuông, phong ba, đàn cò trắng thong thả kiếm ăn.
Trung úy Đào Công Ngọc, Cụm chiến đấu 1, đảo Trường Sa, cho biết: Hệ thống cây xanh trên đảo hiện có hàng vạn cây, là kết quả chăm sóc của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã và đang công tác trên đảo. Điều kiện khí hậu ở đảo khắc nghiệt, sóng to, gió lớn nên cây khó chăm hơn ở đất liền. Vì vậy, các chiến sĩ phải chăm sóc, che chắn rất cẩn thận từ lúc cây còn nhỏ. Vào mỗi buổi chiều, các đơn vị cắt cử cán bộ, chiến sĩ đi tưới cây, chăm sóc cây, quét dọn lá xung quanh, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp. Trên đảo, cán bộ, chiến sĩ cũng xây dựng một vườn ươm cây giống. Khi quả các loại cây như: Bàng vuông, phi lao, bão táp chín, các chiến sĩ nhặt về ươm tại vườn và chăm sóc đến khi cây cứng cáp mới đem ra trồng.
Thời gian đầu khi mới trồng, các cây xanh đều được che chắn bằng lưới đen để hạn chế ánh nắng và gió biển. Cán bộ, chiến sĩ nâng niu, chăm sóc từng cây xanh và coi đó là niềm vui khi cây có thể tự sinh tồn giữa mênh nắng và gió. Sau mỗi trận bão, nhiều cây to cũng bị gãy đổ, cán bộ, chiến sĩ lại cưa cành, cắt tỉa và chăm bón cho cây nhanh hồi phục. Đảo thường xuyên phải hứng chịu những trận cuồng phong, sóng dữ nên cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi đây cũng rất kiên cường về ý chí, vững vàng về tư tưởng và có sức khỏe dẻo dai.
Giữa mênh mông nắng gió, không chỉ hàng cây bóng mát, cây ăn quả mà các loại rau cũng vươn lên xanh tốt ở đảo Trường Sa. Các loại cây như: Chuối, đu đủ, rau ăn lá các loại, mướp, bầu, bí… được lính đảo chăm sóc tỉ mỉ và cẩn thận.
Trung úy Đoàn Khánh Linh, Phân đội trưởng Cụm chiến đấu 1, thông tin: Mỗi đơn vị được phân công chăm sóc một vườn rau gần khu vực sinh hoạt, tập luyện. Sau những giờ huấn luyện ở thao trường, cán bộ, chiến sĩ chăm sóc rau xanh. Việc tăng gia sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn do thời tiết “đỏng đanh”, thất thường. Ngoài ra, những đợt sương muối ban đêm khi gặp nắng lên cũng khiến cây rau rất dễ bị táp lá. Chính vì vậy, để hạn chế sương muối và mưa to làm dập nát rau, cán bộ, chiến sĩ quây nhà lưới giúp cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi hơn. Để tạo nguồn đất tơi xốp, cán bộ, chiến sĩ tranh thủ dùng xác thực vật và thức ăn thừa để cải tạo đất; còn nguồn nước thì tận dụng nước sinh hoạt vệ sinh cá nhân, nước lợ để tưới rau.
Vất vả, gian lao không làm giảm tinh thần hăng say trong luyện tập chiến đấu, tăng gia sản xuất của những người lính nơi đảo xa. Ngoài những vườn rau xanh mướt, chúng tôi còn thấy trên đảo có một số vườn hoa phong lan được trồng trong nhà lưới đang khoe sắc thắm đón Xuân. Hằng năm, các đoàn công tác ra đảo đều mang theo những vật dụng như: Giá đỡ, cây giống, hạt giống rau, phân bón các loại… để tặng chiến sĩ Trường Sa.
Với sự bền bỉ, kiên trì của người lính đảo, qua những tháng năm lao động miệt mài, Trường Sa đã trở thành một hòn đảo xanh tươi, rợp bóng mát của các loại cây... giữa nắng, gió Trường Sa, những luống rau muống, rau cải, rau ngót, mùng tơi vẫn vươn lên xanh mướt.
Trung tá Phạm Tiến Điệp, Chính trị viên đảo Trường Sa, chia sẻ: Chúng tôi cơ bản chủ động được nguồn rau xanh trên đảo, ngoài ra còn cung cấp cho các hộ dân, ngư dân có nhu cầu, hạn chế phụ thuộc vào đất liền như trước đây. Ngoài rau xanh, gà, lợn cũng được chiến sĩ nuôi trên đảo, góp phần cải thiện bữa ăn hằng ngày.