Mảnh đạn lưu giữ hơn nửa thế kỷ trong cánh tay người thương bình 75 tuổi

Dị vật kim loại được xác định nằm sâu, gần các cấu trúc quan trọng và không gây chèn ép trực tiếp nên không được lấy ra để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận và điều trị thành công trường hợp người bệnh là bác sĩ - thương binh Ngụy Đình Quảng (75 tuổi) bị tổn thương thần kinh trụ cánh tay phải do lưu giữ mảnh đạn từ chiến tranh, kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ.

Bệnh nhân kể, ông 75 tuổi là một bác sĩ quân y, chiến đấu tại Quảng Trị và chiến trường Tây Nam khốc liệt. Trong một trận đánh năm xưa, ông bị mảnh đạn găm vào cánh tay phải.

"Vết thương khi ấy chỉ được xử lý sơ sài giữa chiến trường đầy bom đạn. Mảnh kim loại ấy – một di tích sống của chiến tranh – đã âm thầm nằm lại trong cơ thể tôi như một phần ký ức không thể xóa nhòa”, bệnh nhân chia sẻ.

 PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương Chỉnh hình 1 giải thích tình trạng bệnh lý cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương Chỉnh hình 1 giải thích tình trạng bệnh lý cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Thời gian trôi, ông tiếp tục theo học và cống hiến cho ngành y với tư cách là người chữa bệnh cho đồng đội và người dân. Nhưng vài năm trở lại đây, ông bắt đầu cảm thấy tay phải yếu dần, tê bì, đau nhức, nhất là khi vận động – điều khiến những sinh hoạt thường ngày cũng trở nên khó khăn.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông được chỉ định phẫu thuật giải phóng chèn ép thần kinh trụ tay phải. Ca mổ do PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh – Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương Chỉnh hình 1 – cùng ê-kíp thực hiện.

 Ca mổ do PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cùng ê-kíp thực hiện - Ảnh BVCC

Ca mổ do PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cùng ê-kíp thực hiện - Ảnh BVCC

Trong mổ, các bác sĩ ghi nhận dây thần kinh trụ bị xơ dính, xẹp, mất bóng. Ê-kíp đã tiến hành bóc tách, giải phóng hoàn toàn thân thần kinh. Mảnh dị vật kim loại được xác định nằm sâu, sát các cấu trúc quan trọng và không gây chèn ép nên không được lấy ra để đảm bảo an toàn tối đa.

Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng 15 phút – nhanh chóng, chính xác – nhằm hạn chế xâm lấn đối với người bệnh lớn tuổi có bệnh nền mạn tính.

Sau mổ, chức năng vận động của tay phải cải thiện rõ rệt, bệnh nhân phục hồi tốt, không biến chứng.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh chia sẻ: “Có những ca bệnh không chỉ là chuyên môn y khoa, mà còn là câu chuyện của ký ức, của lòng tin. Bệnh nhân từng chiến đấu vì đất nước, từng là người chữa lành cho người khác – nay là người cần được chữa lành. Chúng tôi vinh dự được đồng hành cùng ông trong hành trình ấy”.

 Cả bác sĩ và bệnh nhân vui mừng khi cánh tay đã hồi phục tốt sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Cả bác sĩ và bệnh nhân vui mừng khi cánh tay đã hồi phục tốt sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với truyền thống gần 120 năm, không chỉ là đơn vị tuyến cuối về điều trị ngoại khoa mà còn là nơi luôn trân trọng, biết ơn những người đã hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc.

Việc tiếp nhận, chăm sóc và điều trị cho thương binh, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí… không chỉ là trách nhiệm chuyên môn mà còn là một phần trong sứ mệnh của bệnh viện - nơi mà tinh thần “hữu nghị” không chỉ nằm ở tên gọi, mà còn thể hiện qua từng hành động chăm sóc và điều trị cho người bệnh.

Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 sắp tới, câu chuyện của bác sĩ, thương binh Ngụy Đình Quảng một lần nữa nhắc nhở: Chiến tranh có thể đã lùi xa nhưng những vết thương cả thể chất lẫn tinh thần vẫn cần được y học hôm nay tiếp tục chữa lành, bằng lòng biết ơn và trách nhiệm.

Thúy Nga

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/manh-dan-luu-giu-hon-nua-the-ky-trong-canh-tay-nguoi-thuong-binh-75-tuoi-post1556399.html