Mạnh tay với công trình không phép

Là một trong những 'đại công trường' xây dựng của cả nước, TP Hồ Chí Minh thường xuyên phải giải quyết nhiều vấn đề do tốc độ đô thị hóa mạnh. Trong đó có tình trạng công trình không phép, sai phép đã tồn tại từ năm này qua năm khác. Đáng chú ý, không chỉ sai phạm ở khu vực nhà dân (nhà riêng lẻ), nhiều công trình lớn như chợ, trung tâm thương mại… cũng xảy ra tình trạng xây 'chui' mà không qua các thủ tục xin giấy phép sửa chữa hoặc xây dựng mới.

Công trình xây dựng trái phép hơn 1.000m2 ở TP Thủ Đức vừa bị xử phạt vi phạm và buộc tháo dỡ. Ảnh: Thành Luân.

Công trình xây dựng trái phép hơn 1.000m2 ở TP Thủ Đức vừa bị xử phạt vi phạm và buộc tháo dỡ. Ảnh: Thành Luân.

Nhiều công trình xây dựng “chui” vẫn tồn tại

Phường Thảo Điền (Thủ Đức, TPHCM), dù chính quyền đã nhiều lần kiểm tra, phát hiện các công trình xây dựng không phép, sai phép, thế nhưng nhiều chủ đầu tư, chủ công trình vẫn chây ỳ và có tình trạng chậm khắc phục.

Mới đây khi Thanh tra TP Thủ Đức kiểm tra ngẫu nhiên một số công trình, đã phát hiện 3 công trình đã có quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, hiện đã dừng thi công nhưng chưa thực hiện tháo dỡ do bà N.T.T.P làm chủ đầu tư, với tổng diện tích đất vi phạm lên đến gần 425 m2. Ngoài ra, một số công trình khác trên địa bàn phường Thảo Điền cũng được phát hiện dù có quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả nhưng vẫn ngang nhiên thi công. Đáng chú ý, trường hợp bà N.T.T là chủ đầu tư một công trình xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ rạch Ông Dí (qua địa bàn phường Thảo Điền) đã bị xử phạt do xây dựng bờ kè lấn chiếm hành lang bờ sông Sài Gòn. Tuy nhiên, quá trình vi phạm kéo dài từ năm 2022 đến nay, khiến UBND phường Thảo Điền đã phải ban hành văn bản xin ý kiến chỉ đạo xử lý từ UBND TP Thủ Đức.

Không chỉ phát hiện sai phạm ở khu vực nhà dân (nhà riêng lẻ), nhiều công trình lớn như chợ, trung tâm thương mại… cũng xảy ra tình trạng xây “chui” mà không qua các thủ tục xin giấy phép sửa chữa hoặc xây dựng mới. Tại quận 7, đầu tháng 5/2024 quận đã có văn bản gửi Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM xin hướng dẫn công tác phối hợp yêu cầu tạm dừng giải quyết các giao dịch liên quan đến gần 100 công trình vi phạm xây dựng trên địa bàn. Trong số này, nhức nhối nhất là siêu thị Lotte Mart nằm trong khu dân cư Him Lam (phường Tân Hưng) thuộc sở hữu của Công ty CP Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam bị phát hiện có diện tích xây không phép lên đến 491m2. Dù chính quyền quận đã ban hành quyết định xử phạt và buộc tháo dỡ phần xây không phép từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn không tháo dỡ. UBND quận đã phải gửi văn bản đến các cơ quan chức năng để nhờ can thiệp, hỗ trợ phối hợp tạm dừng giải quyết các giao dịch liên quan đến công trình vi phạm xây dựng đã có quyết định cưỡng chế buộc tháo dỡ nhưng người vi phạm không tự giác chấp hành theo quy định.

Một công trình sai phạm “siêu khủng” khác tại địa chỉ 41-49 An Phú (phường An Phú, TP THủ Đức) đã bị cơ quan chức năng xử phạt vì xây dựng công trình sai giấy phép được cấp, xây vượt tầng. Theo giấy phép xây dựng được UBND TP Thủ Đức cấp, công trình tại địa chỉ 41-49 gồm 3 phần: công trình có diện tích hơn 760m2, gồm 3 tầng; công trình có diện tích hơn 390m2, xây 1 tầng; công trình có diện tích hơn 285m2, xây 1 tầng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, công trình này đã bị cơ quan chức năng phát hiện có phần diện tích phát sinh hơn 1.164m2 là diện tích sai phép.

Thời gian gần đây, nhiều công trình sai phép, không phép tại TPHCM bị lực lượng chức năng cưỡng chế, tháo dỡ. Ảnh: H.Phúc.

Thời gian gần đây, nhiều công trình sai phép, không phép tại TPHCM bị lực lượng chức năng cưỡng chế, tháo dỡ. Ảnh: H.Phúc.

Cần xử lý nghiêm

Theo cơ chế phân cấp, hiện nay đối với các công trình nhà không phép, sai phép thì chính quyền quận, huyện và TP Thủ Đức tại TPHCM đều được quyền trực tiếp kiểm tra, xử phạt chủ đầu tư vi phạm. Đối với trường hợp công trình xây sai phép nghiêm trọng hơn 1.000m2 tại địa chỉ 41-49 An Phú (phường An Phú, TP Thủ Đức), ông Cao Đoàn Việt Hùng - Phó Chánh Thanh tra Xây dựng TP Thủ Đức cho biết, sau khi phát hiện sai phạm, Thanh tra xây dựng TP Thủ Đức đã trực tiếp làm việc với chủ đầu tư, lập biên bản vi phạm và yêu cầu tháo dỡ phần diện tích vi phạm. Bên cạnh đó, UBND TP Thủ Đức cũng đã ban hành liên tiếp 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư về việc xây dựng sai giấy phép. Hiện nay, cơ quan chức năng đã tiến hành tước giấy phép xây dựng của chủ đầu tư công trình sai phép này trong thời gian là 4,5 tháng (tính từ tháng 5/2024). Ngay cả đối với các công trình sai phép, không phép dù có quyết định cưỡng chế do xây dựng sai phép, không phép nhưng không khắc phục, chính quyền quận, huyện và TP Thủ Đức có thể xin ý kiến chỉ đạo từ các sở ngành chức năng và UBND TPHCM. Đối với 96 trường hợp đã có quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nhưng người vi phạm không tự giác chấp hành theo quy định, trong tháng 4/2024 UBND quận 7 cũng đã có văn bản gửi các Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM đề nghị phối hợp, thực hiện tạm dừng giải quyết các giao dịch liên quan đến các công trình vi phạm xây dựng trên địa bàn quận này.

Ngoài sự chủ động, quyết liệt của từng địa phương, để tiếp nhận và xử lý nhanh các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có tình trạng nhà không phép, sai phép, ông Lý Thanh Long - Chánh văn phòng Sở Xây dựng TPHCM cho biết, hiện nay Sở triển khai “Ứng dụng SXD247” là một trong các hoạt động chuyển đổi số hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng được triển khai thời gian qua. Thông qua ứng dụng này, ông Long khuyến nghị, người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể phản ánh, gửi nội dung, tài liệu về các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, sự cố hạ tầng kỹ thuật, công trình xây dựng, kể cả tình trạng liên quan đến ngập nước, chiếu sáng. Sau đó, hệ thống sẽ thông báo ngay lập tức đến các phòng/ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Xây dựng TPHCM thông qua ứng dụng và kèm tin nhắn văn bản (SMS) do cá nhân, tổ chức phản ánh.

Sở Xây dựng TPHCM đã triển khai hỗ trợ việc cấp giấy phép nhà riêng lẻ trên địa bàn, trong đó công khai mẫu bản vẽ thiết kế để hộ gia đình, cá nhân tham khảo khi tự lập thiết kế xây dựng trên địa bàn. Quá trình này, vừa rút gọn thủ tục và hỗ trợ UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức trong việc quản lý, cấp phép xây dựng, đồng thời, ngành xây dựng thành phố có thể chủ động xử lý nhanh chóng tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn khi có phản ánh.

Lê Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/manh-tay-voi-cong-trinh-khong-phep-10282303.html