Mạnh Vãn Chu: Huawei chú ý đến số hóa, AI để lấy lại chỗ đứng ở châu Á - Thái Bình Dương
Theo bà Mạnh Vãn Chu, Huawei đang để mắt tới các cơ hội về lĩnh vực kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo (AI) ở châu Á - Thái Bình Dương, khi công ty đang tìm cách lấy lại chỗ đứng trong khu vực này.
“Những mô hình nền tảng AI được đào tạo dựa trên dữ liệu toàn cầu nhưng vẫn còn khoảng cách lớn giữa các quốc gia và khu vực khác nhau khi nói đến khả năng tiếp cận và ứng dụng. Khoảng cách này sẽ không tự khép lại mà chúng ta cần phải hợp tác để thu hẹp chúng”, bà Mạnh Vãn Chu (con gái nhà sáng lập Huawei – Nhậm Chính Phi) nói trong bài phát biểu qua video hôm 30.4 trong một sự kiện do Quỹ ASEAN và Huawei phối hợp tổ chức tại Bangkok (thủ đô Thái Lan).
Mạnh Vãn Chu, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính của Huawei, cho biết công ty sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực 5G, điện toán đám mây và năng lượng kỹ thuật số tiên tiến để giảm mức tiêu thụ năng lượng, cũng như cũng như tham gia vào các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số và AI trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mạnh Vãn Chu được ca ngợi trong nước như biểu tượng cho sự kháng cự với các lệnh trừng phạt từ Mỹ nhằm hạn chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc vì lo ngại về an ninh quốc gia. Mạnh Vãn Chu trở về Trung Quốc vào năm 2021 sau cuộc chiến kéo dài gần 3 năm tại tòa án về yêu cầu dẫn độ từ Mỹ, trong thời gian bà bị quản thúc tại gia ở thành phố Vancouver (Canada).
Kể từ khi trở lại Trung Quốc, Mạnh Vãn Chu đã đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên Huawei, củng cố vai trò người thừa kế rõ ràng của bà tại gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc. Tại một sự kiện của công ty ở Thượng Hải vào tháng 9.2023, Mạnh Vãn Chu tuyên bố Huawei sẽ thực hiện chiến lược “trí tuệ toàn diện” mới để chuyển đổi thành nhà cung cấp sức mạnh tính toán then chốt nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp AI của Trung Quốc.
Hôm 30.4, Mạnh Vãn Chu phát biểu tại sự kiện ở Bangkok rằng Huawei mong muốn giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của tất cả ngành công nghiệp. “Chúng tôi muốn làm cho mọi thứ có thể kết nối được, mọi ứng dụng đều có thể mô hình hóa và mọi quyết định đều có thể tính toán được”, người phụ nữ được mệnh danh là Công chúa Huawei nói trong video.
Cam kết của Huawei với thị trường châu Á - Thái Bình Dương được đưa ra sau nhiều năm doanh thu sụt giảm tại khu vực này, nguyên nhân do công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ vào năm 2019.
Các hạn chế về công nghệ do Mỹ dẫn đầu với Huawei ngày càng gia tăng sau năm 2020, khi hãng này mất quyền tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến được phát triển hoặc sản xuất bằng công nghệ Mỹ, làm tê liệt hoạt động kinh doanh smartphone sinh lợi một thời. Huawei từng vượt qua Samsung Electronics và Apple để dẫn đầu doanh số smartphone toàn cầu trong một thời gian ngắn đầu năm 2020.
Là công ty tư nhân, Huawei đang đa dạng hóa nguồn doanh thu của mình bằng cách đầu tư vào các lĩnh vực mới như hệ thống ô tô thông minh, cung cấp các giải pháp kỹ thuật số cùng AI cho các ngành và doanh nghiệp khác nhau.
Huawei cho biết doanh thu của họ ở châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 14,6% trong năm 2023 xuống còn 41 tỉ nhân dân tệ (5,6 tỉ USD), dù các hoạt động kinh doanh điện toán đám mây và năng lượng kỹ thuật số vẫn đang tăng trưởng. Khu vực này chỉ chiếm 6% tổng doanh thu của Huawei vào năm 2023, so với 67% tại thị trường Trung Quốc.
Huawei đã mở rộng sự hiện diện của mình trên khắp châu Á - Thái Bình Dương những năm gần đây. Vào năm 2022, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã triển khai hoạt động kinh doanh đám mây mới ở Indonesia và năm ngoái tăng cường mối quan hệ với Telkomsel (nhà khai thác mạng viễn thông lớn tại Indonesia) trong lĩnh vực ứng dụng 5G.
Những nỗ lực của Huawei đã được đền đáp. Trong quý 1/2024, doanh thu của Huawei đạt 178,5 tỉ nhân dân tệ, tăng 37% so với mức 130,6 tỉ nhân dân tệ cùng kỳ năm ngoái, theo một tài liệu nộp cho Trung tâm Tài trợ Liên ngân hàng Quốc gia hôm 30.4.
Theo hồ sơ, lợi nhuận ròng của Huawei trong quý 1/2024 đã tăng 564% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 19,6 tỉ nhân dân tệ.
Sự tăng trưởng của công ty diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh smartphone tại quê nhà đang phục hồi. Theo hãng nghiên cứu Counterpoint, dòng Mate 60 nổi tiếng, được trang bị bộ vi xử lý Kirin 9000s do SMIC sản xuất, đã góp phần giúp doanh số smartphone của Huawei ở Trung Quốc hồi sinh, tăng gần 70% trong quý 1/2024. SMIC là hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc.
Hôm 18.4 vừa qua, Huawei đã bán ra những smartphone hàng đầu thuộc dòng Pura 70.
Dòng smartphone Pura của Huawei có camera tiên tiến và nổi tiếng với thiết kế đẹp mắt, trong khi dòng Mate chú trọng vào hiệu suất và các tính năng dành cho doanh nhân. Dòng Pura đã được đổi tên từ dòng P trong nỗ lực thay đổi thương hiệu của Huawei.
Theo các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Jefferies, dòng Pura 70 đã được bán hết trong vòng hai ngày kể từ ngày ra mắt.
Quá trình phân tích độc lập cho thấy dòng smartphone Pura 70 mới của Huawei tích hợp bộ xử lý tiên tiến Kirin 9010 mà công ty tiết lộ vào năm ngoái.
Sau khi tháo rời Huawei Pura 70, hãng TechInsights (Canada) đã phát hiện ra Kirin 9010 bên trong. Kirin 9010 là phiên bản mới hơn của chip Kirin 9000s được SMIC sản xuất cho dòng smartphone Huawei Mate 60 trình làng vào năm ngoái.
TechInsights là công ty chuyên cung cấp dịch vụ phân tích và nghiên cứu thị trường về ngành công nghiệp bán dẫn.
TechInsights cho biết đã phát hiện "với độ tin cậy cao" rằng dòng Huawei Pura 70 chứa chip Kirin 9010 được sản xuất bằng tiến trình 7 nanomet N + 2 của SMIC, phiên bản cải tiến của tiến trình 7 nanomet thông thường.
Theo trang PhoneArena, chip Kirin 9010 có lõi chính 2,3 GHz, ba nhân hiệu suất cao 2,18 GHz và bốn nhân tiết kiệm năng lượng 1,55 GHz. Tuy nhiên, hiệu năng đơn lõi của Kirin 9010 thấp hơn 30% so với lõi Cortex-X2 của Qualcomm Snapdragon 8+ Gen 1. Lý do bởi khả năng có hạn của SMIC trong sản xuất chip do bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Snapdragon 8+ Gen 1 đã ra mắt hai năm trước nhưng được TSMC sản xuất trên tiến trình 4 nanomet, công nghệ tiên tiến mà năng lực của SMIC chưa thể đạt tới hiện tại. Khi so sánh cùng lõi Cortex-A77 trên Snapdragon 870 (chip cho smartphone tầm trung), Kirin 9010 vẫn tiêu thụ nhiều năng lượng hơn 50%.
TSMC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới, có trụ sở ở Đài Loan.
Sự thua kém của Kirin 9010 có thể do SMIC không sở hữu dòng máy in thạch bản cực tím tiên tiến từ công ty ASML (Hà Lan). SMIC hiện chỉ có máy quang khắc cực tím sâu (DUV), không đủ để tạo ra chip tiên tiến hơn 5 nanomet.
Các smartphone Android cao cấp hiện nay, gồm cả dòng Galaxy S24, đang dùng chip Snapdragon 8 Gen 3, được sản xuất theo tiến trình 4 nanomet.
Bất chất hạn chế về sức mạnh vi xử lý, dòng smartphone Mate 60 và Pura 70 vẫn rất thành công ở Trung Quốc. Thực tế này cho thấy khoảng cách về hiệu năng giữa Kirin với Snapdragon không phải là vấn đề với người Trung Quốc.
Đầu tháng 4, Huawei nộp đơn bảo hộ bản quyền hệ thống in thạch bản công nghệ thấp có thể giúp hãng đạt được dòng chip 5 nanomet. Nếu không có sự đột phá đáng kể thời gian tới, chip Kirin vẫn chưa thể bắt kịp được sức mạnh của sản phẩm đối thủ.
Huawei cần nhiều thời gian và nguồn lực để đầu tư hơn cho việc nghiên cứu nhằm thu hẹp khoảng cách trong việc sản xuất chip với TSMC.