Mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc có thể rơi xuống Đông Nam Á
Tổ chức phi lợi nhuận Aerospace Corp (Mỹ) dự báo mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc có thể rơi xuống Đông Nam Á, châu Phi, Australia, Brazil, Ấn Độ và phần lớn nước Mỹ.
Tổ chức này cũng ước tính mảnh vỡ tên lửa sẽ rơi xuống Trái Đất vào khoảng ngày 31/7, Bloomberg đưa tin ngày 27/7.
Hôm 26/7, CNN đưa tin các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B nặng 23 tấn của Trung Quốc - vốn được sử dụng để đưa phòng thí nghiệm Vấn Thiên lên trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc đang bay trên quỹ đạo quanh Trái Đất từ đảo Hải Nam hôm 24/7 - đang rơi không kiểm soát từ vũ trụ.
Giới chuyên gia nhận định khả năng một khu vực dân cư đông đúc bị các mảnh vỡ rơi trúng là khá thấp.
Dù vậy, đây không phải điều chưa từng xảy ra. Năm 2020, các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B đầu tiên đã rơi xuống Bờ Biển Ngà, khiến một số ngôi nhà bị hư hại.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày tuyên bố nước này đang theo dõi chặt chẽ mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B.
“Loại tên lửa này có thiết kế kỹ thuật đặc biệt, hầu hết thành phần của nó sẽ bị phá hủy trong quá trình quay trở lại (Trái Đất)”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trả lời khi được hỏi liệu nước này có biết thời gian và địa điểm các mảnh vỡ rơi xuống Trái Đất hay không, theo Reuters.
“Xác suất gây hại cho hoạt động hàng không và mặt đất rất thấp”, ông Triệu cho biết.
Vài giờ sau tuyên bố của ông Triệu, cơ quan vũ trụ Trung Quốc tiết lộ tên lửa có quỹ đạo cách Trái Đất khoảng 176,6-263,2 km vào thời điểm 16h cùng ngày (giờ địa phương, tức 15h giờ Việt Nam). Cơ quan trên chưa đưa ra ước tính chi tiết về địa điểm rơi của tên lửa sau khi vào bầu khí quyển.