Mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc rơi xuống Ấn Độ Dương
Mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh 5B nặng 23 tấn của Trung Quốc đã rơi trở lại Trái đất vào ngày 30.7 tại Ấn Độ Dương.
Các quan chức vũ trụ của Mỹ và Trung Quốc xác nhận những mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B đã rơi trở lại Trái đất. Tuy nhiên, hiện chưa rõ các mảnh vỡ của tên lửa đẩy nói trên đã đi theo quỹ đạo nào, Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ viết trên Twitter vào ngày 30.7, theo Bloomberg.
Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc cho biết mảnh vỡ của tên lửa đẩy khổng lồ đã rơi trên vùng biển tây nam Philippines, với “phần lớn” mảnh vụn đã cháy hết trong quá trình trở lại Trái đất.
“Trung Quốc đã không chia sẻ thông tin quỹ đạo cụ thể khi tên lửa Trường Chinh 5B rơi trở lại Trái đất”, Bloomberg dẫn lời Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson cho biết trong một tuyên bố.
Tên lửa Trường Chinh 5B được phóng vào ngày 24.7 từ Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, mang theo module Vấn Thiên hoạt động bằng năng lượng mặt trời lên trạm vũ trụ Thiên Cung.
Vấn Thiên là module thứ hai trong số 3 module được Trung Quốc lên kế hoạch ra mắt. Module lõi Thiên Hà được phóng vào tháng 4.2021. Module thứ 3 là Mộng Thiên (Mengtian) dự kiến được phóng vào tháng 10 để hoàn thành trạm vũ trụ Thiên Cung hình chữ T. Sau khi hoàn thành, trạm Thiên Cung sẽ nặng từ 80-100 tấn, bằng khoảng 20% so với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Thông thường, sau khi tên lửa sử dụng hết tất cả nhiên liệu ở tầng đầu tiên, bộ phận này sẽ tách ra để giảm bớt trọng lượng và rơi trở lại Trái đất. Chúng sẽ được thiết kế để rơi xuống biển, các khu vực dân cư thưa thớt hoặc thực hiện hạ cánh thẳng đứng, ví dụ như tên lửa Falcon 9 hay Falcon Heavy của SpaceX.
Tầng đầu tiên của hầu hết các tên lửa cấp quỹ đạo luôn bốc cháy trong lúc lao qua khí quyển ở tốc độ cao. Tuy nhiên, tên lửa Trường Chinh 5B có kích thước rất lớn nên các mảnh vỡ có thể không bốc cháy hết trong khí quyển.
“Quy tắc chung là 20-40% khối lượng của một vật thể lớn sẽ chạm tới mặt đất, nhưng con số chính xác phụ thuộc vào thiết kế của vật thể. Trong trường hợp này, chúng tôi dự kiến khối lượng mảnh vỡ còn lại khoảng 5 đến 9 tấn”, Tập đoàn Hàng không Vũ trụ (CORDS) giải thích về vụ rơi tên lửa.
Năm ngoái, một sự việc tương tự đã diễn ra khi một tầng lõi của một tên lửa Trường Chinh 5B rơi xuống Ấn Độ Dương. Trước đó vào năm 2020, các mảnh vỡ bao gồm phần ống dài hơn 12 m của tên lửa rơi xuống hai ngôi làng ở Bờ Biển Ngà, phá hủy một số tòa nhà. Thiên Cung 1, phòng thí nghiệm nguyên mẫu mở đường cho trạm vũ trụ Thiên Cung, cũng đã rơi trở lại Trái đất trên Thái Bình Dương vào tháng 4.2018.
Dù các sự cố trên không gây ra bất kỳ thiệt hại nào, nhưng khả năng gây thương tích và thiệt hại cho cơ sở hạ tầng trên mặt đất đã khiến nhiều chuyên gia lên tiếng.
“Các quốc gia du hành vũ trụ phải giảm thiểu rủi ro đối với con người và tài sản trên Trái đất khi tái sử dụng các vật thể không gian. Trung Quốc đã không đáp ứng các tiêu chuẩn có trách nhiệm liên quan đến các mảnh vỡ không gian. Họ cần chia sẻ những thông tin có thể giúp đưa ra dự đoán đáng tin cậy về nguy cơ tác động của mảnh vỡ, đặc biệt là đối với các phương tiện hạng nặng như Trường Chinh 5B”, Giám đốc NASA Bill Nelson nói vào năm ngoái.