Masan lãi ròng gần nghìn tỷ trong quý II, mức cao nhất sau gần 10 quý
Sau 2 quý đi lùi liên tiếp, lợi nhuận quý II của Tập đoàn Masan (mã: MSN) bất ngờ tăng mạnh lên gần 950 tỷ đồng nhờ các mảng tiêu dùng cốt lõi đều tăng trưởng khả quan.
Lãi ròng tăng 120% trong quý II
Theo BCTC quý II vừa được công bố, Masan Group ghi nhận 20.134 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 8% so với mức 18.609 tỷ đồng trong quý II/2023, nhờ kết quả kinh doanh khả quan ở các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi.
Công ty còn được hưởng lợi nhờ giảm được hàng trăm tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng mạnh 38% nguồn thu từ các công ty liên kết, trong khi chi phí bán hàng và quản lý tăng không quá lớn.
Kết quả, Masan Group báo lãi sau thuế 946 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ và là mức cao nhất từ sau quý II/2022 đến nay. Lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số ghi nhận 503 tỷ đồng, tăng gần 379% và thậm chí cao hơn kết quả 419 tỷ đồng của cả năm 2023.
Theo cơ cấu,Masan Consumer Corporation (MSC) đóng góp 7.387 tỷ đồng, tăng trưởng 14%. Mức tăng này được đóng góp bởi ngành hàng thực phẩm tiện lợi, đồ uống và cà phê với mức tăng lần lượt là 20,7%, 17,6% và 16% so với cùng kỳ.
WinCommerce (WCM) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ, đạt 7.844 tỷ đồng trên toàn mạng lưới. Tăng trưởng LFL (Tăng trưởng “like for like” là thước đo tăng trưởng doanh thu, được điều chỉnh cho các doanh nghiệp mới hoặc bị thoái vốn) tăng tốc lên 6,8% trong quý II và lên 9,7% trong tháng 6 nhờ vào lượng khách đến cửa hàng tăng.WCM dự kiến sẽ đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng trong nửa cuối năm 2024.
Đáng chú ý, WinCommerce đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương trong tháng 6.
Sau khi về tay Masan vào năm 2019, WinCommerce có doanh thu tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 27.130 tỷ đồng vào năm 2019 lên 30.978 tỷ đồng vào năm 2020, đóng góp hơn 40% tổng doanh thu toàn tập đoàn. Đến năm 2023, doanh thu ghi nhận 30.054 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,3% so với năm 2022. Lãi gộp tới 7.240 tỷ. Tuy nhiên chưa ghi nhận lợi nhuận ròng.
Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư chiều 27/6 mới đây, ông Lê Bá Nam Anh, Giám đốc chiến lược và Phát triển tại Masan Group thông báo dự kiến WinCommerce sẽ bắt đầu có lợi nhuận ròng dương từ quý II. Tức sau 6 năm kể từ khi về tay Masan Group, hệ thống bán lẻ này đã bắt đầu có lãi.
Masan MeatLife (MML) có sự tăng trưởng nhờ những thuận lợi như thịt gà, thịt lợn tăng giá và chi phí thức ăn chăn nuôi giảm. Theo thông tin từ doanh nghiệp, hai thương hiệu Ponnie và Heo Cao Bồi đã đạt được khoảng 50% thị phần trong thị trường sản phẩm xúc xích tiệt trùng.
Phúc Long Heritage (PLH) tiếp tục tăng trưởng doanh thu 5,3% lên 391 tỷ đồng, nhờ đóng góp từ 15 cửa hàng mở mới trong quý II/2023. Doanh thu LFL hàng ngày của các cửa hàng PLH ngoài WCM tăng 2,4% so với mức đáy trong quý IV/2023, báo hiệu nhu cầu dịch vụ ăn uống trong nước đang phục hồi.
Masan High-Tech Materials (MHT) cải thiện biên lợi nhuận nhờ giá APT và đồng tăng. Thương vụ bán H.C. Starck Holding GmbH cho Mitsubishi Materials Corporation với giá 134,5 triệu USD dự kiến sẽ hoàn tất trước cuối năm 2024.
MHT dự kiến sẽ ghi nhận khoản lãi một lần khoảng 40 triệu USD trong nửa cuối năm 2024 và được hưởng lợi nhuận tăng 20-30 triệu USD trong dài hạn. Số tiền thu được từ giao dịch sẽ được dùng để giảm nợ của MHT. Việc thoái vốn HCS giúp MHT được giải tỏa khỏi nghĩa vụ nợ của HCS tính đến quý II.
Tính chung nửa đầu năm, Masan Group báo cáo doanh thu đạt gần 39.000 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về 1.424 tỷ đồng, cao hơn 64% so với kết quả bán niên năm ngoái.
Năm 2024, tập đoàn hàng tiêu dùng này đặt mục tiêu doanh thu 80.000-90.000 tỷ và có lợi nhuận sau thuế 2.250-4.020 tỷ đồng. Với kết quả trên, đơn vị đã thực hiện khoảng 35-63% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Nắm giữ gần 22.000 tỷ đồng tiền mặt, sẽ tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận
Về tình hình tài chính, tính đến 30/6/2024, Masan Group có quy mô tổng tài sản hơn 157.000 tỷ đồng, mở rộng thêm hơn 10.000 tỷ so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng lên gần 22.000 tỷ đồng, tăng 30% so với 17.000 tỷ trong quý IV/2023 do dòng tiền tự do và dòng tiền đến từ các hoạt động tài chính của doanh nghiệp được cải thiện.
Về định hướng cho những tháng cuối năm, Masan cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận nhờ vào mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi.
Trong báo cáo hồi đầu tháng 6, chứng khoán SSI Research nhận định, 2024-2025 sẽ là giai đoạn có nhiều hoạt động tái cấu trúc của tập đoàn MSN.
Các dấu mốc chính là việc thoái vốn hoàn toàn khỏi công ty chế biến khoáng sản H.C. Starck, kế hoạch niêm yết CTCP Hàng tiêu dùng Masan (mã: MCH) sang sàn HOSE và khả năng bán cổ phần tại công ty này. Những động thái gần đây cho thấy Tập đoàn đang tích cực tái cơ cấu để tập trung vào hoạt động kinh doanh tiêu dùng cốt lõi.
Trong năm 2024 với kỳ vọng sự phục hồi ở tất cả các mảng hoạt động kinh doanh, công ty chứng khoán cho rằng Masan có thể đạt được tăng trưởng doanh thu từ công ty con thuộc chuỗi bán lẻ tiêu dùng, Wincommerce thông qua việc mở mới cửa hàng nhanh chóng, kết quả của các hoạt động tái cấu trúc mô hình cửa hàng trong giai đoạn 2022-2023 và tiêu dùng phục hồi.
MCH đạt tăng trưởng vượt trội so với các công ty cùng ngành trong các năm qua (CAGR doanh thu đạt 10% và CAGR lợi nhuận sau thuế đạt 11% trong giai đoạn 2019-2023). Chuyên gia cho rằng đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục được duy trì trong 2024-2025, tận dụng nền tảng bán lẻ (WCM) và khả năng trong việc phát triển và tung sản phẩm mới ra thị trường.
SSI Research dự phóng Masan sẽ đạt doanh thu thuần gần 90.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số (NPATMI) 1.093 tỷ trong năm 2024.