Mặt bằng giá cả lại 'nóng' dịp cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn hết sức phức tạp, ông Phú cho rằng, mùa mua sắm Tết Nguyên đán năm nay có khả năng sớm hơn những năm trước. Tuy nhiên, do một số sản phẩm nhiên liệu đã tăng giá trước đó, đã kéo theo mặt bằng giá mới.
Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế - xã hội Việt Nam. Từ việc đứt gãy các chuỗi cung ứng ở thị trường nội địa, cũng như chứng kiến hàng loạt chi phí vận tải, container, giá xăng dầu và nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu cho sản xuất đều tăng rất mạnh.
Các chỉ tiêu kinh tế xã hội dự báo đạt được trong năm 2021 tuy còn những chỉ tiêu không đạt được như kế hoạch, nhưng vẫn là tiền đề quan trọng cho những bước phát triển trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Giá xăng phải gánh 40% thuế, phí
Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế: Nhìn từ bức tranh tổng thể, có thể thấy, thị trường giá cả của Việt Nam có rất nhiều vấn đề bất cập. Trong đó, năm 2021, trong khi nền kinh tế suy giảm, giá xăng dầu lại tăng rất mạnh.
Theo ông Phú, hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu đang phải gánh rất nhiều chi phí, trên 40% giá xăng là các khoản thuế, phí. Ông Phú đánh giá, đây là một cơ cấu giá vô lý không thể chấp nhận được, nhất là trong lúc khó khăn như hiện nay.
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế.
Theo ông Phú, những mức thuế phí vô lý này sẽ được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh dịch vụ của những mặt hàng Việt được sản xuất trong nước, hệ quả là làm giảm năng lực cạnh tranh về giá, suy giảm sức mua ở thị trường nội địa cũng như khó cạnh tranh khi đem hàng hóa Việt Nam khi đưa ra xuất khẩu các nước.
Ông Phú đánh giá: Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các ngành liên quan cần phải nghiêm túc xem lại những đề nghị chính đáng này, trước mắt cũng như về lâu dài trong việc điều hành giá xăng dầu ở thị trường Việt Nam.
“Theo tôi, cái lợi lớn nhất khi giảm bớt một phần thuế phí là hàng hóa Việt Nam sẽ sản xuất nhiều hơn, doanh thu tăng lên và tất nhiên, số tiền nộp ngân sách của các doanh nghiệp cũng tăng theo và có khi còn lớn hơn số thu về phí thuế của mặt hàng xăng dầu hiện nay”, ông Phú nói.
Ngoài xăng, thịt lợn cũng có nhiều biến động trong thời gian qua. Trong khi giá lợn hơi có thời kỳ đã giảm đến trên 50%, thậm chí 60%, thế nhưng, giá bán lẻ thịt lợn ở chợ và nhất là ở một số siêu thị vẫn cao chót vót hoặc chỉ giảm đôi chút không đáng kể.
Đây là mặt hàng vô cùng quan trọng chiếm tới 70% tỷ trọng thịt tiêu dùng của các gia đình Việt Nam. Trước thực trạng này, ông Phú đề xuất một số vấn đề trong việc điều hành giá cả thị trường trong năm tới.
Thứ nhất, trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp khó lường, cơ quan chức năng trước hết cần tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, thông qua những chính sách tiền tệ, đồng thời cũng thực hiện những chính sách tài khóa để hỗ trợ.
Thứ hai, Chính phủ cùng các Bộ, ngành tiếp tục cải cách hành chính và giảm những chi phí vô lý cho doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt.
Song song với việc sản xuất cần tổ chức lại hệ thống phân phối quốc gia để đảm bảo việc tiêu thụ hiệu quả các các sản phẩm hàng hóa, trong đó có các hàng nông sản thực phẩm mà Việt Nam.
Làm tốt được những vấn đề trên sẽ góp phần vào việc ổn định thị trường giá cả trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Thực hiện được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% và CPI ở mức 4% trong năm tới, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở Việt Nam theo đúng Nghị Quyết mà Quốc Hội đã đề ra.
Mặt bằng giá cả lại “nóng” dịp cận Tết Nguyên đán
Hiện tại, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chính vì vậy mà công tác chuẩn bị nguồn hàng đang trở nên cấp thiết. Đây cũng là dịp, để ngành bán lẻ phấn đấu tăng doanh thu sau 1 năm đầy rẫy khó khăn.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn hết sức phức tạp, ông Phú cho rằng, có thể, mùa mua sắm Tết Nguyên đán năm nay có khả năng sớm hơn những năm trước.
Do một số nguồn nghiên liệu, nguyên liệu đã tăng giá trước đó, đã kéo theo mặt bằng giá mới.
Tuy nhiên, do giá xăng, gas,... đã tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua, đã kéo theo nhiều mặt hàng có tăng, nhưng không giảm. Hệ quả là 1 mặt bằng giá mới đã hình thành đối với nhiều mặt hàng theo chiều hướng tăng lên đem lại bất lợi trong chi tiêu của từng gia đình và làm giảm sức mua xã hội.
“Nếu thị trường ko ổn định được giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, ... trong dịp Tết, đây thực sự là 1 khó khăn đối với người tiêu dùng, nhất là những gia đình có thu nhập thấp, các gia đình bị ảnh hưởng do đại dịch thu nhập bị giảm sút mạnh trong những tháng qua”, ông Phú thẳng thắn bày tỏ.
Chính vì vậy, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định: Phục vụ cho tiêu dùng đợt Tết Nhâm Dần 2022 đòi hỏi cần có nhiều cố gắng hơn so với những cái tết bình thường khác.
Ông Phú kiến nghị, các địa phương trong cả nước dưới sự chỉ đạo của trên cần xây dựng 1 kế hoạch phục vụ một cách tỉ mỉ, chu đáo, khoa học, điều quan tâm là vấn đề tổ chức thực hiện kế hoạch đó trong phục vụ.
Các doanh nghiệp bán lẻ cần có kế hoạch riêng cho mình để đảm bảo hàng hóa được bán ra đều đặn, giá cả hợp lý, chất lượng an toàn vệ sinh đảm bảo, phương thức phục vụ nhanh gọn, thái độ ứng xử với khách hàng văn minh, lịch sự.
“Đây cũng là dịp để doanh nghiệp củng cố thêm cho thương hiệu của mình, tạo niềm tin cho khách hàng thân thích. Cánh cửa của siêu thị phải mở rộng để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa, nhất là hàng hóa Việt Nam được đứng trên kệ một cách đàng hoàng, ko phải chịu những o ép ko đáng có khi tiếp cận với một số siêu thị”, ông Phú nói.
Ông Phú tin tưởng, nếu được sự quan tâm của các ngành các cấp và sự nỗ lực chủ quan của các doanh nghiệp và sự ủng hộ của người tiêu dùng với các doanh nghiệp làm ăn tử tế, chân chính, chắc chắn công tác phục vụ Tết sắp tới với mục tiêu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Mọi gia đình Việt Nam đều có Tết.