Mặt đất nứt gãy trong 1,3 giây ở trận động đất tại Myanmar
Camera giám sát ghi lại khoảnh khắc đứt gãy trong trận động đất ở Myanmar, giúp giới khoa học lần đầu quan sát chuyển động địa chất theo thời gian thực.

Camera giám sát đã giúp quay lại tư liệu hiếm có về khoánh khắc đứt gãy địa chất. Ảnh: Live Science.
Ngày 28/3, trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã xảy ra tại miền trung Myanmar. Tâm chấn nằm gần Mandalay, thành phố lớn thứ 2 cả nước và xảy ra trên hệ thống đứt gãy Sagaing. Đây là trận động đất mạnh nhất từng tấn công Myanmar trong hơn một thế kỷ và gây thương vong lớn thứ 2 trong lịch sử hiện đại quốc gia này.
Động đất xảy ra do cơ chế đứt gãy trượt ngang, trong đó 2 khối đất trượt qua nhau theo chiều ngang trên một mặt phẳng đứt gãy thẳng đứng. Hiện tượng này khiến mặt đất dường như bị chia tách rõ ràng và di chuyển theo 2 hướng trái ngược nhau. Dù đã có nhiều nghiên cứu mô phỏng hiện tượng này bằng dữ liệu địa chấn, việc quan sát chuyển động đứt gãy trong thời gian thực vẫn chưa từng thực hiện được.
Mặt đất trượt đi trong trận động đất Myanmar Một camera an ninh gần tâm chấn đã ghi lại cảnh mặt đất rung chuyển rồi trượt đi, trong vụ động đất xảy ra tháng 3 tại Myanmar.
Tình cờ, một camera giám sát tại khu vực gần đứt gãy đã ghi lại toàn bộ chuyển động trong lúc trận động đất xảy ra. Đoạn phim này trở thành tư liệu quý giá cho các nhà khoa học tại Đại học Kyoto (Nhật Bản), mở ra cơ hội hiếm có để phân tích hành vi đứt gãy theo thời gian thực.
Sử dụng kỹ thuật phân tích tương quan chéo điểm ảnh (pixel cross-correlation), nhóm nghiên cứu đã trích xuất dữ liệu từ từng khung hình video. Kết quả cho thấy đoạn đứt gãy đã trượt ngang khoảng 2,5 m chỉ trong vòng 1,3 giây, đạt tốc độ tối đa 3,2 m/s.
Đây là bằng chứng trực quan đầu tiên cho thấy sự tồn tại của hiện tượng đứt gãy theo kiểu “xung điện”, một chuyển động trượt ngắn nhưng mạnh, lan truyền nhanh dọc theo vết gãy, tương tự như gợn sóng di chuyển trên mặt thảm.
“Thời gian chuyển động cực ngắn này giúp xác nhận kiểu đứt gãy dạng xung, một hiện tượng ít khi được chứng minh bằng dữ liệu thực tế”, nhà nghiên cứu Jesse Kearse, thành viên nhóm phân tích cho biết.
Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy đường trượt có độ cong đặc biệt, phù hợp với những gì đã quan sát được trong các nghiên cứu địa chất trước đây. Phát hiện này củng cố giả thuyết rằng đứt gãy trượt ngang thường không hoàn toàn thẳng như mô hình lý thuyết.
Nhóm nghiên cứu khẳng định rằng việc giám sát đứt gãy bằng video là phương pháp đột phá trong địa chấn học. Dữ liệu động học thu được từ đoạn phim mở ra khả năng cải thiện đáng kể hiểu biết về cơ chế động đất cũng như dự đoán mức độ rung chuyển của các sự kiện trong tương lai.
“Chúng tôi không ngờ một đoạn video giám sát lại có thể cung cấp dữ liệu chi tiết đến vậy”, Kearse nói thêm.
Nguồn Znews: https://znews.vn/bi-an-vet-gay-sau-vu-dong-dat-tai-myanmar-post1571224.html