Mất hàng chục quyển sách cổ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Thông tin về sự 'biến mất' của hàng chục cuốn sách cổ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang khiến dư luận rất băn khoăn, đặc biệt là khi Viện này chưa cung cấp cụ thể tên các đầu sách bị 'thất lạc' và giá trị của những cuốn sách đó ra sao.
Theo thông cáo của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), khoảng tháng 3 - 4/2020, cán bộ quản lý kho sách cho biết không tìm thấy một số cuốn sách ở vị trí quy định trên giá. Thời điểm phát hiện đang trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đến tháng 4/2022, khi điều kiện làm việc trở lại bình thường, Viện đã cho tổng kiểm kê toàn bộ kho sách Hán Nôm. Đây là lần tổng kiểm kê đầu tiên trong hơn 10 năm. 3 tháng rà soát, phát hiện không thấy trên giá 29 quyển (tập sách đóng rời), trong đó có 13 quyển thuộc kho A và kho V, 16 quyển thuộc kho ST. Về thác bản bia, thiếu 6 thác bản.
Tới nay, sau khi rà soát, tổng số sách chưa thấy trên giá (mất, hoặc thất lạc) là 25 quyển. Về thác bản bia, tìm được 4 thác bản (để sai chỗ), còn 2 thác bản bị mất nhưng đã có thác bản dự bị đem ra sử dụng.
“Đây là một sự việc đang được tổ chức giải quyết, đã công khai thông tin trong nội bộ đơn vị và báo cáo cấp trên. 25 quyển sách này đã có bản scan màu hoặc bản photocopy làm từ trước (tức là nội dung sách không bị mất), tuy nhiên việc tìm kiếm các cuốn sách thất lạc vẫn đang được Viện đặt lên hàng đầu, bao gồm cả việc rà soát trên giá một lần nữa để tránh tình trạng sách bị lẫn giá. Thời điểm sách bị thất lạc (mất, không thấy trên giá) tạm thời được xác định là khoảng 5 năm gần đây. Viện đã và đang tổ chức rà soát lại để tìm sách, xác định giá trị nội dung từng sách (qua các bản scan hoặc photocopy còn lưu), và xác định trách nhiệm liên quan” - thông cáo của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao trong thông cáo về sự việc 25 cuốn sách tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm “thất lạc” lại không có thông tin đó là những cuốn sách nào, niên đại, giá trị như thế nào?
Trong khi đó, một số nguồn tin cho là 2 trong số 25 cuốn sách bị “thất lạc” có độc bản “Việt âm thi tập” - tập thơ ghi lại âm thanh của nước Việt là tuyển tập thơ viết bằng chữ Hán do Phan Phu Tiên (1370-1462) và Thị Ngự sử Chu Xa (1407-?) kế tục biên soạn. Đây là tuyển tập thơ đầu tiên của dân tộc. Theo giới chuyên môn, bộ “Việt âm thi tập” rất quý giá, không những về thơ văn, mà nó còn là một tài liệu quý hiếm về cả mặt sử học, vì lời chú dẫn có trong sách. Ưu điểm nổi bật hơn cả của “Việt âm thi tập” là niềm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc Việt, nhất là về tiếng nói đặc sắc mang vẻ đẹp và tâm hồn Việt Nam.
Cùng đó, cuốn “Toàn Việt thi lục” do nhà bác học Lê Quý Đôn soạn xong năm 1768 và đã dâng lên để Vua Lê Hiển Tông đọc, cũng bị cho là đã biến mất.
Như vậy, về vụ mất 25 quyển sách cổ quý hiếm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân như thế nào? Sách cổ hay còn gọi là cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật Di sản văn hóa. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật này, có thể xác định sách cổ là di sản văn hóa phi vật thể (sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia).
Do đó, theo quy định tại Điều 16 Luật Di sản văn hóa, các tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di sản văn hóa phải có nghĩa vụ bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di sản văn hóa; thông báo kịp thời cho chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất khi di sản văn hóa bị mất hoặc có nguy cơ bị hủy hoại…
Về vụ mất 25 cuốn sách cổ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, theo quy định pháp luật nếu là hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp", theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phải đối diện với mức phạt tù thấp nhất là 1 năm và cao nhất là 10 năm, căn cứ vào giá trị tài sản thiệt hại. Ngoài ra, người thực hiện hành vi còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Về trách nhiệm liên quan, vụ mất sách cổ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho thấy sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo và cán bộ, nhân viên phụ trách quản lý kho sách. Trong sự việc này, cán bộ, nhân viên của Viện dĩ nhiên sẽ bị xem xét trách nhiệm. Tuy nhiên, phải xác định rõ vì sao sách nằm trong kho lại bị “thất lạc” và trách nhiệm của lãnh đạo Viện đến đâu.
Dư luận cho rằng, cơ quan Công an cần sớm vào cuộc điều tra theo thẩm quyền.
Ngày 21/12, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết đã tìm thấy 1 trong số 25 cuốn sách cổ bị thất lạc. Đó là cuốn “Nam quốc địa dư chí”, ký hiệu ST.49 mà trong danh sách tài liệu không thấy trên giá (mất, thất lạc), nhóm kiểm kê đã ghi ST.48/3, thực chất sách này ký hiệu ST.49. “Sách vẫn đang tồn tại trên giá, vừa được phòng bảo quản Viện Nghiên cứu Hán Nôm xác thực chắc chắn" - ông Cường thông tin.