'Mật Mật Mật' của Ly Hoàng Ly được đặt tại trường học
Tác phẩm public art (nghệ thuật công cộng) Mật Mật Mật, hay Những phân mảnh của niềm tin, của nghệ sĩ Ly Hoàng Ly vừa được trường song ngữ quốc tế EMASI Nam Long sưu tập và đưa vào trưng bày tại sân trường. Đây có lẽ là lần đầu tiên một ngôi trường tại TP.HCM đưa public art vào học đường.
Public art Mật Mật Mật là một phần nằm trong dự án nghệ thuật cùng tên của Ly Hoàng Ly; ngoài public art còn có phim, triển lãm, tranh, sách, tượng… sẽ ra mắt trong thời gian tới. Public art là phần được Ly Hoàng Ly hoàn thành trước, đặt tại Không gian lưu trú nghệ thuật A-Farm.
Vợ chồng ông Nguyễn Tuyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống trường EMASI và bà Nguyễn Quỳnh - thành viên Hội đồng quản trị hệ thống trường EMASI, cũng là người khởi xướng A - Farm, đã quyết định sưu tập tác phẩm này của Ly Hoàng Ly để trưng bày tại không gian sân trường EMASI Nam Long ngay cả khi trường chưa được xây xong (vào thời điểm tháng 9.2018).
“Vợ tôi có khu nhà sáng tác nghệ thuật A-Farm nhằm khuyến khích nghệ sĩ Việt Nam đến, giao lưu với các nghệ sĩ nước ngoài, tìm hiểu văn hóa, sáng tác và bán tác phẩm. Tôi có dịp đến trại sáng tác, nhìn thấy tác phẩm của Ly Hoàng Ly, liền thấy thích. Khi vợ tôi đầu tư cho nghệ thuật, thấy chồng mình cũng thích nghệ thuật thì vui quá, bèn sưu tập luôn cho trường EMASI Nam Long. Mọi sự bắt đầu như vậy”, ông Nguyễn Tuyên chia sẻ.
Tác phẩm public art được người Việt Nam quan tâm sưu tập và nhất là lại dành cho giáo dục quả là niềm vui lớn với Ly Hoàng Ly, bởi lẽ nghệ thuật công cộng vẫn còn quá mới mẻ tại Việt Nam. Có người hiểu, chia sẻ, thưởng thức là niềm vui lớn. Mật Mật Mật không phải là tác phẩm public art đầu tiên của Ly Hoàng Ly mà chị đã gắn bó nhiều, mới nhất ngoài Mật Mật Mật là Thuyền Nhà Thuyền.
“Cảm hứng public art đến với tôi từ thành phố Chicago, nơi tôi từng theo học. Nơi đây, nghệ thuật không phải chỉ dành cho những người có khả năng sưu tập, mà còn dành cho cộng đồng. Đó là tiêu chí của thành phố Chicago, một thành phố hàng đầu về public art”, Ly Hoàng Ly chia sẻ.
Không phải là điêu khắc tĩnh, với public art, người ta có thể tương tác. Public art có thể tạm hiểu là tác phẩm điêu khắc để ngoài trời nhưng khác với khái niệm xem tranh, xem điêu khắc thông thường, cảm nhận một chiều, public art giúp mọi người có thể hưởng thụ, tương tác, sống cùng tác phẩm. Ở phương Tây, khi chưa có khái niệm gì về mỹ thuật, trẻ con cũng đã được tận hưởng không gian nghệ thuật công cộng cùng bố mẹ.
Với Mật Mật Mật cũng vậy, khán giả - nay là những học sinh trường EMASI, không còn là đối tượng thụ động mà sẽ tham gia sáng tạo tác phẩm theo cách riêng của mình. Mỗi người tham gia quay tác phẩm sẽ có một độ mạnh yếu, hình hài khác nhau...
“Tác phẩm public art Mật Mật Mật, hay Những phân mảnh của niềm tin, thuộc dự án đang tiếp diễn cùng tên, đa phương tiện, bắt đầu từ 2015. Riêng tác phẩm public art bắt đầu làm từ đầu năm 2016 và hoàn thành cuối năm 2017, gồm giới hạn ba phiên bản và một phiên bản nghệ sĩ. Dự án là quá trình nghiên cứu tìm hiểu của tôi về cách xã hội ngày nay vận hành, về mong ước, về lý tưởng, ảo vọng, thất vọng, về thật và giả, xây đắp nền tảng và phá vỡ cơ cấu, về niềm tin ngự trị trong mỗi người vào những điều tưởng đã biết, và về những điều chưa biết, vào những điều được nghe kể và những điều mình nhìn thấy.
Trong tiếng Việt, Mật có ba nghĩa: mật ong hay ngọt ngào; mật là chất dịch trong cơ thể người, có vị đắng; và mật là bảo mật, tối mật. Nghệ sĩ muốn xới tung các ngõ ngách của Mật và dùng các phân mảnh về hình và ý niệm của chúng để cấu trúc chúng thành một hình dạng thể thức qua điêu khắc, phim và tranh vẽ, hòng tạo nên một thế giới thị giác tương ứng với cái xã hội mà chúng ta đang sống, hưởng thụ và tiêu hóa chúng, tương tác với sự vận hành có quy tắc cũng như bất quy tắc của xã hội.
Dự án được thực hiện với sự hợp tác hỗ trợ về phần hóa học của nhà hóa học, tiến sĩ Đào Thanh Hải, Đại học Princeton, Hoa Kỳ. Riêng tác phẩm điêu khắc công cộng được thực hiện với cố vấn kết cấu từ kiến trúc sư Hồ Đình Chiêu, Công ty The Five & Partners”, Ly Hoàng Ly chia sẻ.
Tác phẩm của Ly Hoàng Ly nằm trong khuôn viên trường học, học sinh cùng tương tác với tác phẩm là một tin vui của nghệ sĩ và cũng là tin vui với nhiều phụ huynh khi trường học chọn đưa yếu tố nghệ thuật vào trong học đường. “Khi đầu tư cho nghệ thuật vào trong trường học, người bình thường sẽ không để ý nhưng người tinh tế sẽ nhận ra sự khác biệt. Khi xây trường, người ta hoàn toàn có thể xây những chiếc hộp có máy lạnh và đủ ánh sáng. Nhưng nếu chịu khó gia công, biến chiếc hộp có thêm yếu tố nghệ thuật thì chiếc hộp sẽ hấp dẫn hơn”, ông Nguyễn Tuyên chia sẻ về yếu tố nghệ thuật trong trường EMASI.
Được biết, EMASI Vạn Phúc - cơ sở 2 của EMASI, cũng sẽ có không gian dành cho public art và nhà trường còn đầu tư cả phòng trưng bày nghệ thuật dành cho học sinh.
Bài: Trâm Anh
Ảnh: Trần Thế Phong