Mát mắt những 'nông trại mini' trong lòng phố
Nhiều cư dân đô thị đang biến ban công, sân thượng hay thậm chí là bệ cửa sổ thành những 'nông trại mini'. Trồng rau tại chung cư không chỉ tạo ra thực phẩm sạch, mà còn là một liệu pháp tinh thần giữa nhịp sống bận rộn, tăng thêm mảng xanh.
Vừa giảm stress vừa có rau sạch
Từ năm ngoái, ban công nhỏ ở tầng 12 tại một chung cư quận Hoàng Mai (Hà Nội) trở thành "vườn rau mini" của chị Lê Thị Thảo (32 tuổi, nhân viên kế toán). Trước kia, không gian này chỉ có một bộ bàn cà phê và vài chậu sen đá. Sau một lần con gái chị bị dị ứng thực phẩm do rau không rõ nguồn gốc, chị bắt đầu tìm hiểu về việc tự trồng rau tại nhà.

Phong trào trồng rau tại căn hộ chung cư đang trở nên phổ biến tại nhiều đô thị lớn.
"Tôi bắt đầu với vài luống rau muống, cải ngọt, rồi thử trồng cả cà chua bi. Ngạc nhiên là rau phát triển rất tốt, chỉ cần chăm tưới đều và chọn giống phù hợp ánh sáng. Giờ mỗi bữa cơm, nhà tôi đều có ít rau từ vườn ban công, lúc nào ít thì hành, rau mùi đều có ăn, vui nhất là có thể có một ít rau sạch cho con đủ ăn dặm", chị Thảo nói.
Chị Thảo chia sẻ thêm: "Trồng rau giúp tôi giảm stress. Đi làm về mệt, ra ban công tưới cây, hái rau, tự dưng thấy mình sống chậm lại, kết nối với điều gì đó nguyên bản hơn".
Không chỉ chị Thảo, nhiều cư dân thành thị, đặc biệt là giới trẻ và các gia đình trẻ đang chuyển hướng sang trồng rau ban công như một cách sống xanh và kiểm soát an toàn thực phẩm.
Chị Lê Minh Phương, hiện đang sống tại một chung cư ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết, trồng rau tại chung cư không chỉ để ăn mà còn giúp thư giãn, học được sự kiên nhẫn và cảm nhận được niềm vui từ những điều bé nhỏ.
"Ban công nhà tôi chỉ rộng khoảng 2,5m² thôi, nằm ở tầng 23, nắng gió đủ cả. Lúc mới chuyển về, tôi chỉ đặt vài chậu cây cảnh cho vui mắt. Nhưng sau đợt giãn cách, tôi bắt đầu thử trồng rau, từ cải ngọt, rau thơm cho đến cà chua, ớt. Ngày nào cũng háo hức ra vườn, xem mọc được thêm lá nào không, vui nhất là khi được ăn bát canh rau cải tự tay trồng, sạch, dù không có nhiều để tự cung tự cấp mỗi ngày", chị Phương nói.
Theo chị Phương, trồng rau không cần sân vườn, chỉ cần một ban công có nắng, vài khay đất, hạt giống có thể tìm mua rất nhiều loại trên mạng và ai cũng có thể mua và bắt đầu trồng được. Không chỉ chị Phương, mà hội bạn thân và cơ quan của họ cũng bắt đầu trao đổi các kinh nghiệm trồng rau tại ban công, đây vừa là thú vui, vừa có một ít rau sạch bổ sung vào bữa ăn hằng ngày.
Trồng rau không khó, nhưng cần hiểu "hệ sinh thái nhỏ"

Trồng rau ban công là một cách sống xanh và kiểm soát an toàn thực phẩm.
Theo kỹ sư nông nghiệp Trần Hoài An (Hà Nội), người sáng lập một hệ thống cung cấp mô hình vườn rau thông minh tại nhà cho hay: "Không gian nhỏ không phải rào cản. Vấn đề là chọn đúng giống cây và bố trí ánh sáng hợp lý. Ví dụ, ban công hướng Tây thì nên trồng các loại chịu nắng như rau dền, tía tô, còn hướng Bắc thì hợp với rau xà lách, cải cúc".
Theo anh An, nên bắt đầu từ mô hình đơn giản như trồng rau trong khay xốp hoặc tháp rau nhỏ giọt, tận dụng phân bón từ những loại rác nhà bếp. Nếu có điều kiện, có thể lắp hệ thống tưới tự động vừa tiết kiệm thời gian, vừa tăng năng suất.
"Khi cư dân chủ động sống xanh, dự án bất động sản không thể chỉ dừng lại ở hồ bơi hay phòng gym nữa. Không gian trồng rau, nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần, đó cũng là một tiện ích bền vững", anh An nhận định.
Từ một góc ban công nhỏ, những người thành thị đang tìm lại nhịp sống an yên, tự tay làm ra bữa cơm xanh và thấy rõ hơn giá trị của "sống chậm". Có lẽ, giữa bê tông và kính thép, một luống cải xanh cũng đủ khiến căn hộ trở thành tổ ấm thực sự.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, chuyên gia đầu tư và phát triển bất động sản độc lập cho biết: "Khi tư vấn cho khách hàng lựa chọn căn hộ, tôi thường nói không gian xanh không chỉ nằm ở công viên, mà còn có thể bắt đầu từ chính ban công nhà bạn".

Trồng rau tại các ban công chung cư góp phần tạo nên môi trường sống xanh hơn cho cư dân.
Xu hướng bất động sản xanh hiện nay không còn chỉ xoay quanh vật liệu thân thiện môi trường hay hệ thống xử lý nước thải thông minh. Một yếu tố mềm nhưng rất quan trọng, đó là lối sống xanh của cư dân, mà điển hình là việc trồng rau, cây xanh tại chính căn hộ của họ.
Tại một số dự án như The Zei Mỹ Đình, hay Masteri West Heights, ông Anh cho rằng, có sự gia tăng rõ rệt số lượng cư dân biến ban công thành "vườn trên cao". Điều này không chỉ mang lại lợi ích cá nhân như thực phẩm sạch, giảm stress, mà còn góp phần tạo nên tính bền vững cho cộng đồng sống.
"Một khu chung cư với 30% – 40% căn hộ có ban công xanh sẽ tạo cảm giác tươi mát, dễ chịu hơn rất nhiều so với những khối bê tông trơ trọi. Khi tổng thể không gian sống xanh lên, giá trị bất động sản cũng được nâng cao. Tôi tin rằng, nếu các chủ đầu tư biết tận dụng, thậm chí khuyến khích cư dân trồng rau, trồng cây bằng những thiết kế ban công hợp lý, tặng các vật dụng trồng rau khi bàn giao, thì điều đó không chỉ là điểm cộng về marketing mà còn là một chiến lược phát triển dài hạn", ông Anh nói.
Các chuyên gia cho rằng, khi người dân tự tay trồng rau, trồng hoa, họ sẽ cảm thấy gắn bó hơn với nơi ở, từ đó góp phần xây dựng cộng đồng cư dân văn minh, đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong định vị thương hiệu dự án bất động sản hiện đại.