Mặt nạ gần 2.400 tuổi được khai quật ở Thổ Nhĩ Kỳ
Một chiếc mặt nạ bằng đất nung có niên đại gần 2.400 năm đã được tìm thấy vào ngày 6-9 ở thành phố cổ Daskyleion, phía Tây tỉnh Balıkesir, Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà khảo cổ học Kaan Iren (Trường đại học Muğla Sıtkı Koçman), người dẫn đầu cuộc khai quật trả lời Hãng tin Anadolu Agency (AA): “Chiếc mặt nạ này được mô phỏng theo khuôn mặt của vị thần Hy Lạp cổ đại Dionysus - vị thần của lễ hội hóa trang. Đây là một trong những phát hiện thú vị nhất của năm nay. Sẽ có thêm thông tin về mặt nạ này trong quá trình nghiên cứu”.
Truyền thuyết kể rằng, việc đeo mặt nạ trong các lễ hội hóa trang là một cách để bày tỏ lòng kính trọng đối với vị thần Dionysus, giúp người đeo mặt nạ giải phóng bản thân khỏi những ham muốn và hối tiếc thầm kín, che giấu cả danh tính và sức mạnh. Dionysos được xem là thần hộ mệnh cho nghệ thuật.
Thành phố cổ Daskyleion nằm trên bờ hồ Manyas thuộc H.Bandırma của tỉnh Balıkesir từ khi có nhiều khu định cư của người Hy Lạp cổ đại ở vùng Tiểu Á. Nhà khảo cổ học Kaan Iren cho biết một căn hầm đang được khai quật trong nhà bếp của người Lydia. Cuộc khai quật tiếp tục thu được những hạt giống và phần hữu cơ từ đất đào trong nhà bếp và khu vực xung quanh thông qua quá trình tuyển nổi. Nghiên cứu sâu hơn về ẩm thực và thói quen ăn uống của người xưa từ 2.700 năm trước sẽ hiểu rõ hơn.
Theo website của Bộ Văn hóa và du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, vào thế kỷ VII trước Công nguyên, thành phố cổ có tên là Daskyleion khi vua nổi tiếng người Lydia tên là Daskylos đến vùng đất này cai trị. Con trai của ông là Gyges được sinh ra, thành phố này được đổi tên là Lydia. Khi hoàng tử Gyges lên ngôi vua, thành phố lại mang tên Daskyleion - nơi ở của vua Daskylos.
Minh Dũng (biên dịch theo dailysabah.com)