Mặt trái của thương mại điện tử, mua online càng nhiều càng gây hại môi trường?
Thống kê cho thấy, tổng doanh thu của 4 sàn thương mại điện tử lớn là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo đang đạt mức 135 nghìn tỷ đồng với tổng số 566 nghìn gian hàng đã phát sinh 1,3 tỷ đơn vị sản phẩm đơn hàng. Điều này đang dấy lên những lo ngại về ô nhiễm môi trường khi số lượng đơn hàng khổng lồ cũng đồng thời sự phát sinh số lượng rác thải tương đương từ khâu đóng gói hàng hóa và khí thải từ các phương tiện giao nhận đơn hàng.
Trao đổi tại Hội nghị phát triển thương mại điện tử Việt Nam vừa diễn ra, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết: “Trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, khâu giao hàng như: Xe cộ chạy trên đường, thải lượng lớn khí carbon; hay khâu đóng gói hộp carton, bao bì nilon, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần,… đã tác động không nhỏ tới môi trường”.
Rác thải từ khâu đóng gói thông thường bao gồm hộp carton, bao bì nilon và màng xốp hơi (bubble wrap). Mỗi đơn hàng thường được bọc gói rất kỹ nhằm đảm bảo hàng hóa không bị vỡ, hư hỏng khi đến tay người sử dụng. Tuy nhiên, những thứ này sẽ thành rác thải sau khi người dùng nhận hàng và mở ra sử dụng.
Ông Nguyễn Thanh Hưng - Hội đồng tư vấn cấp cao về thương mại điện tử, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với thực trạng. “Quá nhiều bao bì nhựa và nilon. Đây là mặt trái của xu hướng tiêu dùng nhanh hiện nay, đang được hỗ trợ bởi thương mại điện tử.” ông cho biết.
Không chỉ rác thải nhựa, khâu giao hàng, logistic của thương mại điện tử cũng khiến nhiều người lo ngại vì tạo ra nhiều khí thải xe cộ.
Vấn đề về ô nhiễm do thương mại điện tử hiện nay được cho là một yếu tố gây cản trở lớn tới quá trình phát triển lâu dài của nền tảng này, do người tiêu dùng hiện đại đang ngày càng chú ý hơn tới vấn đề bảo vệ môi trường, ưu tiên các sản phẩm đạt mục tiêu kép “xanh và sạch”,…
Phát triển thương mại điện tử mang tính chất bảo vệ môi trường, phát triển xanh giờ đây được xem là một trong năm trụ cột của phương hướng phát triển thương mại điện tử bền vững, bên cạnh các yếu tố như tăng trưởng ổn định, tích cực; hài hòa lợi ích; niềm tin đối với doanh nghiệp...
Bà Oanh nhận định đáp ứng xu thế xanh, bảo vệ môi trường trong phát triển thương mại điện tử là tất yếu. “Thương mại điện tử nhìn theo một góc độ nào khác thì cũng đang là lĩnh vực đóng góp rất nhiều trong tiết kiệm năng lượng cũng như giảm rác thải độc hại ra môi trường. Nếu chúng ta có thể áp dụng và phát triển được thương mại theo hướng xanh, tối ưu hóa quá trình kinh doanh, quá trình giao nhận thì từ đó thương mại điện tử có thể giảm lượng phát thải rất lớn ra môi trường và cũng tiết kiệm được năng lượng về tiêu thụ, hao phí.” bà Oanh nói.
Đề xuất với các doanh nghiệp, bà cho rằng, cùng với người tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử hay các nền tảng số cần xem việc thích ứng sản phẩm xanh, ưu tiên sử dụng các sản phẩm bảo vệ môi trường. “Bằng những hệ thống công nghệ, các doanh nghiệp có thể sử dụng các biện pháp cũng như đánh giá thực hiện quy trình xanh, nâng cao năng lực cho toàn bộ hệ thống bảo vệ môi trường.”
Các đơn vị thương mại điện tử và logistic bày tỏ sẽ nỗ lực để thay đổi theo hướng “xanh hóa” và đóng góp vào sự phát triển bền vững của thương mại điện tử trong tương lai.
Ông Vũ Quốc Thịnh - Tổng Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam cho biết, sàn đang có những nỗ lực cụ thể để giảm rác thải nhựa trong khâu đóng gói. “Hành trình đơn hàng từ nhà sản xuất đến người bán hàng đi qua từ 20 - 30 bước. Hàng hóa hiện nay đa dạng nhưng quy chuẩn đóng gói không nhiều. Do vậy, Lazada đã sử dụng hệ thống xác định kích thước bao bì tự động để tiết giảm rác thải. Sử dụng bao bì có chứng nhận FSC hay tái sử dụng thùng carton làm vật liệu chèn lót.” ông Thịnh nói.
Về phía các đơn vị vận chuyển, xác định logistics xanh là mắt xích quan trọng để “xanh hóa” chuỗi cung ứng, hướng tới lộ trình phát triển bền vững, ông Đinh Thanh Sơn, phó Tổng giám đốc Viettel Post cũng khẳng định: “Trong năm 2024 Viettel Post đã xác định và đưa ra các mục tiêu mới trong đó có hướng tới phát triển logistic xanh.
"Đây là định hướng chung của ngành để các doanh nghiệp logistic tham gia đồng hành phát triển thương mại điện tử cùng Chính phủ", ông Sơn nói.