Mặt trái nở rộ nghề 'review' ẩm thực

Thuật ngữ 'review' ẩm thực đã không còn quá xa lạ, đặc biệt thịnh hành trong thời đại công nghệ số.

Những bài đăng trải nghiệm ẩm thực thường thu hút sự quan tâm, lượt tương tác cao.

Những bài đăng trải nghiệm ẩm thực thường thu hút sự quan tâm, lượt tương tác cao.

Từ các trang mạng xã hội đến sàn thương mại điện tử, giới trẻ đang có xu hướng “đổ xô” theo nghề này. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực vẫn còn tồn tại không ít bất cập.

Nghề “ăn theo” xu hướng giải trí của giới trẻ

Hiện nay, công nghệ kỹ thuật số đã tiếp cận tới mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Theo số liệu thống kê, khoảng 97% người dùng Việt Nam tìm kiếm thông tin qua các thiết bị cầm tay như điện thoại thông minh, máy tính bảng. Các nền tảng số không chỉ là công cụ mà đã trở thành một phần trong đời sống sinh hoạt của mỗi người. Cũng chính bởi vậy, hàng loạt các nghề “hot” đã ra đời trên nền tảng mạng xã hội, một trong số đó là nghề “food review”.

“Food review” còn được biết đến là nghề chia sẻ, đánh giá về những trải nghiệm ẩm thực tại các cửa hàng, quán ăn đang ngày càng được nhiều bạn trẻ theo đuổi. Thời thượng đúng xu hướng, được nhiều người biết tới, vừa được trải nghiệm nhiều điều mới mẻ, vừa có thu nhập cao là một trong những lý do khiến mạng xã hội ngày nay đang có hiện tượng “lạm phát” nghề đánh giá ẩm thực trên các trang mạng.

Nguyễn Bích Thùy (23 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trước khi đi ngủ mỗi ngày cô thường dành 1 - 2 giờ đồng hồ để lướt mạng xã hội. Những nội dung bạn trẻ này theo dõi thường là giải trí, ẩm thực. Vì vậy, theo thuật toán, các nền tảng số thường đề xuất những video liên quan đến nội dung cô gái này quan tâm.

“Mình thường theo dõi video của các bạn ‘food review’ chia sẻ trải nghiệm về các hàng quán vì cảm thấy hình ảnh rất sống động, có đầu tư, màu sắc bắt mắt. Hơn nữa mình sẽ biết được thêm quán xá có đồ ăn ngon, rẻ để cùng bạn bè tới thưởng thức. Có nhiều hàng ăn tồn tại rất lâu đời, hoặc ngay gần nhà, nhưng mãi tới khi xem trên các trang mạng mình mới biết để tới trải nghiệm”, Bích Thùy chia sẻ.

Thực tế, không chỉ riêng Bích Thùy mà xu hướng này đã trở thành sở thích chung của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Việc lên các trang mạng xã hội để tìm kiếm một nhà hàng, món ăn để xem “review” trước khi tới “kiểm chứng” đã trở thành thói quen của nhiều người dùng mạng xã hội.

Thực tế, đang tràn lan những người tự nhận review ẩm thực. Đây là lý do khiến những nội dung mà họ sản xuất trên mạng xã hội có chất lượng không đồng đều, “thượng vàng hạ cám”. Không ít người vì muốn nổi tiếng, tăng tương tác mà bất chấp nhiều chiêu trò, chê bai công kích cửa hàng, với mục đích thu hút lượt xem. Bên cạnh đó, cũng có những người chỉ ca ngợi do đã nhận tiền quảng cáo của nhà hàng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cần có “tâm” với nghề

Mới đây, một tài khoản mạng xã hội có tên L.M.K (chủ một chuỗi nhà hàng tại địa bàn Hà Nội) đã công khai bảng giá tiền quảng cáo mà các nhà hàng, quán ăn phải trả cho các “reviewer” trực thuộc một công ty truyền thông để lên bài quảng cáo.

Tại bài đăng, anh K kể về trải nghiệm khi thuê một người review ẩm thực với số tiền không hề nhỏ với mong muốn trải nghiệm thực tế, đóng góp ý kiến cho nhà hàng mới mở. Tuy nhiên khi đến quán, người này đã dàn dựng sẵn video, chỉ làm việc với thái độ “qua loa”, “cho có” rồi về lên bài quảng cáo cho quán. Điều này dẫn đến việc khi khách tìm tới sau khi xem bài đăng đã không khỏi thất vọng vì chất lượng đồ ăn của nhà hàng chưa được như mong đợi.

Nguyễn Bích Thùy cho biết, khi nghề này còn chưa “nở rộ”, chất lượng của những bài đăng khá tốt. Thùy tìm được nhiều quán ăn ngon, dịch vụ tốt. Thế nhưng, đến nay người người, nhà nhà đổ xô đi làm trải nghiệm ẩm thực trên mạng xã hội khiến nhiều thực khách đã phải thất vọng vì trải nghiệm thực tế không giống với trên mạng.

“Khi các bạn quay lên em thấy đồ ăn đầy đặn mà giá cả lại hợp lý. Thế nhưng khi tới ăn thì không được như vậy. Đồ ăn nhạt nhẽo, giá cao”, Bích Thùy cho biết.

Anh Phạm Đức Duy (28 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) kể về trải nghiệm không mấy vui vẻ khi đi ăn theo review ẩm thực trên mạng xã hội, đồ ăn cũng không phải là đồ tươi sống như review mà toàn là đồ đông lạnh. “Hơn nữa, ăn về tôi còn bị đau bụng, thật sự là một trải nghiệm đáng thất vọng. Các bạn luôn vin vào cái cớ ‘trải nghiệm cá nhân’ song việc vệ sinh an toàn thực phẩm như vậy mà truyền đạt tới mọi người là quán sạch sẽ thì tôi thấy cũng khó hiểu”, anh Duy bức xúc cho biết.

Anh Duy cho rằng, hiện nay nhiều bạn trẻ thấy việc kiếm tiền từ người dùng mạng xã hội đơn giản quá nên không trân trọng chính công việc của bản thân, lừa dối khách hàng, làm nghề không có “tâm”.

Trong bối cảnh số lượng người tự xưng là review ẩm thực theo trải nghiệm cá nhân nhưng lại nhận tiền quảng cáo rồi ca ngợi bất chấp xuất hiện như ngày nay, nhiều bạn trẻ cho biết đã không còn niềm tin vào những bài đăng trải nghiệm trên mạng xã hội để tránh mất tiền oan. Lý do, họ bị “đánh cắp” niềm tin, nhận lại những trải nghiệm không mấy tích cực.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mat-trai-no-ro-nghe-review-am-thuc-post686613.html