Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam: Ngọn cờ đoàn kết, cách mạng và chiến thắng

Cách đây 64 năm, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - một trong những hình thức tổ chức của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam được thành lập đánh dấu một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng nước ta.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã trở thành ngọn cờ công khai đoàn kết, tập hợp, tổ chức, lãnh đạo các hoạt động đấu tranh lật đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai phản động, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, thống nhất đất nước.

Lễ tuyên thệ của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Đại hội lần thứ 1, năm 1962. Ảnh: Tư liệu.

Lễ tuyên thệ của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Đại hội lần thứ 1, năm 1962. Ảnh: Tư liệu.

Mặt trận của nhân dân là lực lượng tất thắng

Sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Nhân dân miền Bắc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên quyết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Ở miền Nam, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm chống phá Hiệp nghị, chống tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà. Chúng đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh, thẳng tay tiến hành các chiến dịch đàn áp, khủng bố những người kháng chiến, những người yêu nước và mọi lực lượng đối lập, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam.

Trong thời gian đó, Đảng ta từng bước hoạch định đường lối cách mạng miền Nam, trong đó có chủ trương xây dựng một Mặt trận Dân tộc thống nhất chống Mỹ - Diệm. Thực hiện Nghị quyết 15 và Nghị quyết Đại hội III, ngày 20/12/1960, tại vùng giải phóng ở xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập bao gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam, không phân biệt xu hướng chính trị với mục tiêu đấu tranh: “Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ. Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình thống nhất Tổ quốc”.

Đánh giá về sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một Mặt trận của nhân dân đoàn kết chặt chẽ rộng rãi là một lực lượng tất thắng. Hiện nay trong cuộc đấu tranh anh dũng chống chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm, đồng bào ta ở miền Nam cũng có “Mặt trận Dân tộc giải phóng” với chương trình hoạt động thiết thực và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó, đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng lợi, nước nhà nhất định sẽ thống nhất, Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là ngọn cờ công khai đoàn kết, tập hợp, tổ chức, lãnh đạo các hoạt động đấu tranh trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao. Mặt trận thực hiện chức năng chính quyền cách mạng xây dựng hậu phương tại chỗ, làm bàn đạp tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam. Không những thế, bằng nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, sáng tạo, nhằm tăng cường đoàn kết quốc tế, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã hình thành một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Sau ngày đất nước thống nhất, để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, các tổ chức Mặt trận của hai miền là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam đã thống nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tô thắm truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

64 năm đã trôi qua, trên cơ sở những tài liệu, hiện vật sưu tầm được, Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng bộ sưu tập “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngọn cờ đoàn kết, cách mạng và chiến thắng”. Bộ sưu tập với hơn 200 hiện vật thuộc các chất liệu khác nhau và rất có giá trị.

Nhóm hiện vật văn kiện, cương lĩnh, điều lệ là các văn bản pháp lý thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới, phản ánh đầy đủ ý chí và nguyện vọng của đồng bào miền Nam và của nhân dân cả nước.

Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương. Trên lá cờ có hàng trăm chữ ký của các đại biểu dự Hội nghị Quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 25/11/1964. Đây là hiện vật góp phần minh chứng cho sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Đồng thời thể hiện vai trò, uy tín của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, giương cao ngọn cờ đại đoàn kết, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước, tập hợp, quy tụ mọi nguồn lực và sức mạnh trong nước và quốc tế nhằm đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi cuối cùng.

Bức trướng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng Đại hội toàn quốc lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1971 với dòng chữ được thêu màu vàng thể hiện ý chí quyết tâm của chiến trường miền Nam đối với hậu phương miền Bắc: “Son sắt một lòng nguyện làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của tiền tuyến lớn”.

Đó còn là những con tem giải phóng ra đời góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng đồng thời góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong đời sống chính trị - xã hội thời chiến. Trong giai đoạn từ cuối năm 1963 đến năm 1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã phát hành 8 bộ tem với 22 mẫu tem đã được Bảo tàng sưu tầm đầy đủ.

Nhóm hiện vật tiền và công phiếu nuôi quân của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với các mệnh giá khác nhau cũng đã thể hiện vai trò quan trọng của Mặt trận trong việc chủ động độc lập về tài chính, cũng như huy động tối đa tài lực, vật lực trong nhân dân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những huy hiệu, danh hiệu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng cán bộ, chiến sĩ có thành tích xuất sắc nhằm ghi nhận, biểu dương, tôn vinh những con người yêu nước, quả cảm đã anh dũng chiến đấu, sẵn sàng xả thân quên mình vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Nhóm hiện vật về tư trang, kỷ vật của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ từng tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chứa đựng trong đó nhiều câu chuyện cảm động về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ gian khổ, ác liệt nhưng đầy can trường, hào hùng. Với lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, ý chí quyết tâm, họ đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hiểm nguy, bền bỉ hoạt động, đoàn kết chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận. Không ít người trong số họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hy sinh hạnh phúc riêng tư và anh dũng ngã xuống để đất nước được hòa bình, thống nhất.

Bộ sưu tập “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngọn cờ đoàn kết, cách mạng và chiến thắng” của Bảo tàng MTTQ Việt Nam với sự phong phú về loại hình, chất liệu, có giá trị cao đã phản ánh khá đầy đủ và sâu sắc về lịch sử hình thành, vị trí, vai trò đặc biệt của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vừa là liên minh chính trị, là ngọn cờ hiệu triệu, tập hợp, đoàn kết nhân dân miền Nam và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, huy động được sức mạnh tổng hợp trong và ngoài nước đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, thống nhất nước nhà đồng thời đảm đương vai trò của một chính quyền cách mạng trong kháng chiến rất hiệu quả. Điều này đã thể hiện vị thế, tính chất, đặc thù của Mặt trận trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - ngọn cờ đoàn kết, cách mạng và chiến thắng của miền Nam đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngọn cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong lịch sử dân tộc.

Thu Hoàn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mat-tran-dan-toc-giai-phong-mien-nam-viet-nam-ngon-co-doan-ket-cach-mang-va-chien-thang-10296878.html