Máu đào của các thương binh, liệt sĩ...!!!
Đạo lý người Việt là 'Uống nước nhớ nguồn' là 'Ăn quả nhớ người trồng cây'. Thế nên chỉ có nước Việt Nam ta mới có ngày Giỗ Tổ. Đất nước mình lắm thiên tai nhiều địch họa, thời nào cũng có những con người anh hùng hy sinh vì dân, vì nước.
Qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại có bao người con ngã xuống lấy máu của họ tô thắm thêm lá cờ Tổ quốc. Bác Hồ đã ghi nhận sự hy sinh vô cùng lớn lao ấy: “Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào”.
Ngày 7-11-1946, trên Báo Cứu quốc (số 398) Chủ tịch Hồ Chí Minh có Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi. Tháng 1-1947, Bác Hồ viết thư chia buồn nỗi đau cùng bác sĩ Vũ Đình Tụng có người con hy sinh ngoài mặt trận. Trong Thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày thương binh toàn quốc (17-7-1947), Người thay mặt đồng bào ghi công anh em thương binh và nhắn nhủ mọi người phải biết ơn và giúp đỡ họ. Mỗi con chữ của Người là hiện thân của nỗi đau cũng là hiện thân của sự chân thành. Bác vĩ đại vì Bác đau nỗi đau của người dân một cách chân thành nhất. Người coi mỗi thanh niên Việt Nam là con cháu mình, coi cả dân tộc này là gia đình mình. Sau này Người giáo dục cán bộ, đảng viên phải rèn luyện đủ đức đủ tài, lấy đức làm gốc để phục vụ nhân dân thật tốt, để xứng đáng với tiền nhân tiên tổ, xứng đáng với máu đào của các liệt sĩ đã hy sinh. Trong tác phẩm của Người, xuất hiện nhiều lần các cụm từ chỉ dòng giống vinh quang của người Việt: Hồng Lạc, Lạc Hồng, Con Hồng cháu Lạc, Con Rồng cháu Tiên, Rồng Tiên... vừa gợi lên niềm tự hào về truyền thống cao quý vừa gợi nhắc một ý thức đoàn kết. Hơn thế, còn là bài học biết ơn quá khứ nguồn cội. Nói chuyện với thanh niên Người thường lấy các tấm gương anh hùng của dân tộc như Thánh Gióng, Lê Lợi, Quang Trung... lấy gương các anh hùng liệt sĩ của Đảng ta để giáo dục đạo đức, rèn luyện hoài bão và ý chí cống hiến cho dân cho nước.
Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm tới anh em thương binh và gia đình liệt sĩ. Sự quan tâm này rất toàn diện, tới cả đời sống tinh thần và thể chất của anh em. Trong Thư gửi Hội nghị Quân y (1948), Bác yêu cầu: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Người nhắc nhở ngành Quân y phải chú ý hơn đến tinh thần người bệnh: “Vì sự kích thích trong chiến trận, vì sự sinh hoạt khắc khổ trong quân đội, vì sự tu dưỡng chưa đầy đủ, hoặc vì những điều kiện khổ sở, một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, đối với thầy thuốc không được nhã nhặn. Gặp những ca như vậy, chúng ta nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa họ”. Người đã thấu hiểu và thấu cảm nghề nghiệp thầy thuốc và tâm trạng bệnh nhân. Một mặt kêu gọi đồng bào thương yêu, giúp đỡ hết lòng thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, một mặt Người vẫn nhắc nhở họ: “Cần phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào; cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tùy theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã, chớ nên yêu cầu quá đáng, ra vẻ công thần”...
Bác Hồ thật sự là sự kết tinh đạo lý của dân tộc!
Chúng ta Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là học tập đạo lý làm người biết ơn tổ tiên, biết ơn các thương binh liệt sĩ. Biết ơn để càng ra sức phấn đấu học tập, lao động để làm giàu cho đất nước, để nhân dân thêm ấm no, hạnh phúc.
Thế mà tại sao ở ngày hôm nay, trên đất nước tự do và đổi mới do chính Bác Hồ và Đảng khai sinh, khởi xướng, lãnh đạo đang gặt hái những thành quả lớn lao, được quốc tế thừa nhận lại có những người, thậm chí được gọi là trí thức lại có ý phủ nhận đường lối, công lao Bác Hồ và Đảng ta?
Tại sao lại có số ít người phủ nhận Cách mạng Tháng Tám, phủ nhận hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại? Tại sao họ phủ nhận máu đào của hàng vạn, hàng triệu liệt sĩ đã ngã xuống, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Từ một nước mất tự do, từ thân phận nô lệ, đất nước ta nở hoa độc lập, dân tộc ta bước lên đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu là nhờ Bác Hồ, nhờ Đảng ta, nhờ máu các liệt sĩ!
Tại sao có người nỡ quên lịch sử, nỡ quên hàng vạn, hàng triệu người con ưu tú ngã xuống trong các cuộc chiến tranh để đất nước vẻ vang có ngày hôm nay!?
Với mỗi con người thì thân thể là quý giá nhất. Thế mà bao đồng bào hy sinh cái quý giá nhất để Tổ quốc nở hoa độc lập, để hôm nay đất nước kiêu hãnh ngẩng cao đầu cùng các cường quốc. Đã là công dân, không một ai được quên lịch sử, càng không được phủ nhận lịch sử. Vì thế là đi ngược với tính người, đi ngược với đạo lý Việt!
Dũng sĩ Asin dù mình đồng da sắt, dù được thần thánh trên thượng giới trợ giúp có sức khỏe vô địch nhưng khi bay lên giời, vì không được tiếp thêm sức mạnh từ Đất Mẹ nên chàng thảm thương chết. Đất Mẹ, ấy là truyền thống tổ tiên, là quá khứ lịch sử... Hàng vạn năm trước nhân loại đã có bài học này để hôm nay học lại, muôn đời sau học lại! Lời cha ông dạy còn văng vẳng trong các kho sách cổ: thờ ơ là vô cảm, chối bỏ là vô tri, phủ nhận là vô luân!
Chúng ta phải làm gì để xứng đáng với truyền thống lịch sử, xứng đáng với anh linh các liệt sĩ?
Một là, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, ta “ăn quả” người đi trước “trồng”, ta phải biết cách “trồng cây” để thế hệ sau “ăn quả”. Đó vừa là lẽ đương nhiên, là quy luật, cũng là trách nhiệm, là bổn phận. Đất nước ta đang trong vận hội lớn, có tư tưởng Bác Hồ làm kim chỉ nam, có Đảng tinh anh dẫn đường chỉ lối, có truyền thống vẻ vang làm điểm tựa. Mỗi công dân, nhất là thanh niên phải làm gì để đưa đất nước mình phát triển, đổi mới hơn nữa. Phải học tập. Phải lao động. Phải có khát vọng cống hiến. Phải biết đoàn kết và chia sẻ. Phải biết cưu mang, đùm bọc...
Thế giới đang kêu gọi xây dựng một “xã hội học tập” mà hạt nhân của nó là học tập suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc, học tập lẫn nhau, soi sáng, nâng đỡ nhau. Bác Hồ dạy cán bộ phải gần gũi học hỏi quần chúng, phải là tấm gương cho quần chúng, thì đó chính là bản chất của “xã hội học tập”. Bác đã đi trước thời đại về giáo dục. Đảng ta có hàng triệu đảng viên thực sự là “đầy tớ”, là “công bộc” của dân, vì dân phục vụ. Đó là những tấm gương sáng, là hạt nhân trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. Lịch sử đã khẳng định những cán bộ đảng viên là những cánh chim gọi đàn. Tương lai sẽ như vậy để đưa đất nước mình tiến lên đài vinh quang!
Hai là, giáo dục lòng biết ơn quá khứ lịch sử bằng truyền thống văn hóa.
Những giá trị văn hóa có từ lâu đời trong việc giáo dục đạo lý cần được kế thừa, phổ biến. Các giá trị ấy kết tinh trong văn học dân gian và bác học (như Hậu tự huấn, Gia huấn ca), trong các hương ước... rất có ích cho hôm nay. Phải tạo ra được một môi trường giáo dục lành mạnh, lấy việc xây dựng môi trường giáo dục gia đình làm căn bản. Vì bất cứ ai từ ấu thơ đến khi trưởng thành đều thấm nhuần các chuẩn mực giá trị văn hóa truyền thống từ “nếp nhà”. Gia đình cũng là nơi phát hiện sớm nhất và kịp thời ngăn chặn những hành vi, những hiện tượng phi đạo đức của các thành viên. Phải biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục ở mỗi cá nhân. Không ai có thể sống thay ai. Việc giáo dục một ý thức văn hóa tự làm chủ bản thân là cực kỳ quan trọng.
Ba là, tiếp thu tư tưởng giáo dục hiện đại của thế giới trên nền tảng cái dân tộc, truyền thống.
Thế giới coi Thế kỷ 21 là “thế kỷ của tâm linh” với ý nghĩa hướng con người về cội nguồn quá khứ tổ tiên, lấy đó làm các nguồn lực văn hóa tạo thành điểm tựa ứng phó với cách mạng 4.0 để tạo ra sự cân bằng trong đời sống. Do vậy lịch sử, tôn giáo, phong tục, tín ngưỡng... rất được quan tâm, chú ý. Cũng vì thế mà người ta rất coi trọng việc xây dựng nhân cách văn hóa. Như cây xanh cắm sâu rễ vào mảnh đất truyền thống rồi vươn cao cành lá quang hợp ánh sáng trí tuệ tiên tiến của thời đại mới. Có vậy cây mới khỏe mạnh, cứng cáp vững vàng trước những cơn bão công nghệ lạnh lùng, mạnh mẽ. Đúng với truyền thống, đúng với tinh thần giáo dục của thế giới thời 4.0, đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần quan tâm hơn việc dạy người (đức) trước rồi mới dạy chữ (tài).
Bốn là, giải pháp luật pháp, hành chính.
Đạo đức là gốc của nhân cách. Đạo đức cũng là gốc của pháp luật. Một người có đạo đức tốt có thể thiếu kiến thức luật pháp nhưng sẽ có nhận thức đúng về cái thiện, cái ác và sẽ ứng xử theo các chuẩn mực đạo đức. Do vậy nâng cao kiến thức pháp luật cũng là cách bồi dưỡng, giáo dục đạo đức. Pháp lý khi đạt đến sự hoàn chỉnh sẽ trở thành đạo lý. Nên việc giải thích, hướng dẫn, phổ biến và thực thi pháp luật cũng là cách phải giữ gìn đạo lý. Mặt trái của tâm lý tiểu nông cố hữu là ngại liên quan đến pháp luật, “vô phúc đáo tụng đình”. Vì không quen, không ưa việc giải quyết bằng pháp luật dẫn đến thiếu niềm tin vào pháp luật, thiếu tôn trọng luật, dễ có hành vi chệch khỏi chuẩn mực pháp lý. Vì thế cần thiết phải triển khai giảng dạy, tuyên truyền pháp luật một cách hệ thống đến mọi người, mọi nơi, mọi lúc.