Mâu thuẫn đầu tư của người Việt: Muốn sinh lời 30% nhưng vẫn chọn gửi tiết kiệm

Dù kỳ vọng lợi nhuận cao, nhiều nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam vẫn ưu tiên các kênh truyền thống như tiết kiệm, vàng hay bất động sản. Sự thận trọng trong đầu tư, kết hợp với việc thiếu kiến thức và ít được tư vấn chuyên sâu, khiến không ít người bỏ lỡ cơ hội tích lũy tài sản bền vững.

Đầu tư thiếu đa dạng

Một khảo sát do Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM) thực hiện từ nhóm nhà đầu tư cá nhân có mức thu nhập và tài sản đa dạng cho thấy phần lớn vẫn đầu tư theo thói quen, thiếu kế hoạch dài hạn, và chưa tận dụng hiệu quả các công cụ tài chính hiện đại. Đằng sau sự thận trọng ấy là hàng loạt rào cản về kiến thức, kinh nghiệm và sự thiếu vắng các dịch vụ đồng hành chuyên nghiệp trong quản lý tài sản.

Một trong những đặc điểm đáng chú ý trong xu hướng đầu tư hiện nay là tâm lý kỳ vọng sinh lời cao, nhưng lại chưa có hành động tương xứng về mặt phân bổ tài sản. Theo dữ liệu ghi nhận từ TVAM, nhiều người đặt mục tiêu lợi nhuận hàng năm từ 15–30%, song vẫn chọn giữ tiền trong tiết kiệm, tích trữ vàng, hay đầu tư vào bất động sản. Đây được đánh giá là các kênh đầu tư tuy an toàn nhưng thường kém linh hoạt và khó dự báo khi thị trường biến động.

Ghi nhận từ nghiên cứu này cũng cho thấy, có tới 75% nhà đầu tư chỉ sử dụng 2–3 kênh đầu tư, chủ yếu là truyền thống. Tỷ lệ này phản ánh rõ ràng sự thiếu hụt kiến thức tài chính và tâm lý e ngại rủi ro, ngay cả trong nhóm có tiềm lực tài chính mạnh. Theo phân tích của TVAM, thậm chí các nhà đầu tư sở hữu tài sản từ 1 tỷ đồng và thu nhập trên 500 triệu đồng/năm cũng có hướng đầu tư tương tự với nhóm phổ thông.

Một điểm đáng lưu ý là xu hướng tự mình ra quyết định tài chính, đôi khi quá tự tin đang chi phối hành vi của nhiều nhà đầu tư. TVAM chỉ ra rằng, nhóm nhà đầu tư chưa từng trải qua thua lỗ có xu hướng đánh giá cao khả năng quản lý tài sản cá nhân, trong khi nhóm từng gặp thất bại lại thận trọng và dễ chấp nhận vai trò của chuyên gia tư vấn hơn. Sự khác biệt này tạo ra một vòng lặp quen thuộc trong tâm lý tài chính: khi đầu tư thuận lợi, người ta dễ chủ quan và bỏ qua vai trò hỗ trợ chuyên sâu. Ngoài ra, vẫn tồn tại quan điểm cho rằng, tài sản chưa đủ lớn để sử dụng dịch vụ chuyên biệt, hay e ngại về chi phí, tính minh bạch và hiệu quả.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam vẫn ưu tiên các kênh sinh lời truyền thống

Nhiều nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam vẫn ưu tiên các kênh sinh lời truyền thống

Công nghệ chưa thay thế được con người

Trong khi phần lớn nhà đầu tư vẫn đang tự lo liệu cho hành trình tài chính cá nhân, thì nhu cầu được tư vấn chuyên sâu đã dần hình thành rõ rệt. Dữ liệu từ TVAM cho thấy, các lĩnh vực mà nhà đầu tư mong muốn được hỗ trợ nhiều nhất bao gồm: đầu tư bất động sản, lập kế hoạch tài chính tổng thể, đầu tư cổ phiếu/quỹ và tư vấn thuế tài sản. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện sự thay đổi trong nhận thức của nhà đầu tư, từ giữ tiền an toàn sang quản lý tài sản hiệu quả và bài bản hơn.

Sự phát triển của công nghệ tài chính mở ra nhiều công cụ hỗ trợ việc theo dõi và quản lý tài sản cá nhân, song thực tế cho thấy nền tảng số vẫn chưa được tiếp cận rộng rãi. Theo TVAM, chỉ khoảng 30% nhà đầu tư biết đến dịch vụ quản lý tài sản số và tỷ lệ từng sử dụng còn chưa đến 20%. Dù đánh giá cao các tính năng như cảnh báo rủi ro, theo dõi danh mục theo thời gian thực hay gợi ý phân bổ tự động, nhiều người vẫn mong muốn có sự hiện diện của chuyên gia trong quá trình ra quyết định.

Ghi nhận từ TVAM cho thấy, nhu cầu kết hợp giữa công nghệ số và yếu tố con người (mô hình hybrid) đang trở thành xu hướng tiềm năng. Đây được xem là giải pháp phù hợp giúp nhà đầu tư yên tâm hơn trong việc xây dựng chiến lược tài chính và kiểm soát rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh thị trường liên tục biến động.

Theo đánh giá của ông Trần Vinh Quang - Tổng Giám đốc TVAM, khoảng cách giữa kỳ vọng đầu tư, hành vi tài chính và nhu cầu thực tế của người Việt mở ra dư địa rất lớn cho thị trường quản lý tài sản. Ông cho rằng, để lấp đầy khoảng trống này, các định chế tài chính bao gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và ngân hàng cần chủ động đóng vai trò hướng dẫn, đồng hành và chuẩn hóa dịch vụ theo chuẩn quốc tế.

Tại các quốc gia phát triển, việc phân bổ tài sản bài bản từ cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư đến tài sản thay thế là điều phổ biến. Trong khi đó, tài sản của phần lớn người Việt vẫn đang tập trung vào bất động sản và vàng. Theo TVAM, để thay đổi thói quen này, cần một hệ sinh thái tài chính đồng bộ, nơi chuyên gia tài chính, công nghệ và dịch vụ cùng góp phần định hướng hành trình tài chính dài hạn cho từng cá nhân.

Lệ Giang

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/mau-thuan-dau-tu-cua-nguoi-viet-muon-sinh-loi-30-nhung-van-chon-gui-tiet-kiem-146528.html