Màu xanh trên đá núi

Đạn pháo công phá suốt ngày đêm khiến cây rừng cháy rụi, núi đá bị băm vằm, lửa nung trắng xóa thành 'lò vôi thế kỷ'. Thế nhưng, vững chắc hơn sắt đá, những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trên chiến trường Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) năm xưa đã 'sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử' kiên cường bám trụ, bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, viết nên thiên anh hùng ca ngời sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Để hôm nay, sau bốn thập niên, vùng cương thổ Vị Xuyên mướt mát màu xanh hòa bình.

Đoàn đại biểu Báo Phú Thọ, Báo Hà Giang viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên.

Đoàn đại biểu Báo Phú Thọ, Báo Hà Giang viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên.

Chiến trường khốc liệt

Tròn 40 năm ngày mở màn Chiến dịch MB-84 (chiến dịch chiếm lại các điểm cao bị quân xâm lược Trung Quốc chiếm đóng trái phép), huyện Vị Xuyên, thành phố Hà Giang tấp nập bóng áo xanh của các cựu chiến binh khắp mọi miền Tổ quốc về dâng hương, hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, những đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường khốc liệt năm xưa.

Theo hồi tưởng của các cựu chiến binh, mặt trận Vị Xuyên là chiến trường ác liệt chống quân Trung Quốc xâm lược, diễn ra trong suốt 10 năm (1979-1989), đặc biệt trong giai đoạn từ 1984-1989.

Sau cuộc tấn công đưa hơn 60 vạn quân tràn vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta (gồm Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh) vào rạng sáng 17/2/1979 thất bại, Trung Quốc vẫn duy trì 12 sư đoàn và hàng chục trung đoàn độc lập áp sát biên giới, thường xuyên gây tình trạng căng thẳng, tiếp tục lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở mọi quy mô, thực hiện kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt.

Sau nhiều ngày dùng pháo binh bắn phá ác liệt vào các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, ngày 28/4/1984, Trung Quốc mở cuộc tấn công xâm lược lấn chiếm biên giới Việt Nam. Chúng đã lần lượt huy động nhiều đơn vị, tổng số khoảng 50 vạn quân với hơn 20 sư đoàn bộ binh, 171 trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 3 sư đoàn pháo binh và các đơn vị pháo binh của các sư đoàn bộ binh (tổng cộng hơn 400 khẩu pháo lớn các loại), trên 1.000 xe cơ giới phục vụ cho chiến đấu... tiến công toàn diện vào Vị Xuyên.

Trở thành chảo lửa chiến trường, trong suốt mấy năm ròng rã, chưa khi nào đất trời Vị Xuyên ngớt tiếng gầm rít của đạn pháo quân xâm lược. Ác liệt nhất, có đợt, chỉ trong 3 ngày, Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đạn pháo vào khu vực Vị Xuyên về đến thị xã Hà Giang. Cả 5 năm, Trung Quốc đã bắn vào mặt trận Vị Xuyên hơn 1,8 triệu viên đạn pháo. Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh này, ta đo lại, có ngọn núi bị đánh bạt đi hơn 3m, lở lói, trơ trọi đá bị nung trắng xóa đến mức anh em bộ đội gọi đó là “lò vôi thế kỷ”.

Cựu chiến binh Vị Xuyên kể chuyện chiến trường trên điểm cao 468.

Cựu chiến binh Vị Xuyên kể chuyện chiến trường trên điểm cao 468.

Trong đó, nhiều trận đánh giành, giữ đất của quân và dân ta diễn ra vô cùng quyết liệt trên các cao điểm: 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích... ta đã tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn quân Trung Quốc, buộc chúng phải rút quân về bên kia biên giới. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho chiến thắng quá đắt: Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh. Riêng trong ngày 12/7/1984 - ngày mở màn Chiến dịch MB-84, gần 600 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 356 đã anh dũng hy sinh.

Ngày 12/7 hàng năm đã trở thành ngày giỗ trận tại Vị Xuyên, tưởng nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân. Cùng với đó, hàng ngàn người bị thương, hàng trăm thôn bản bị xóa sạch, hàng ngàn héc ta ruộng vườn, đồi núi bị cày xới, đầy bom mìn, vật nổ... Đến nay, vẫn còn hàng ngàn liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên chưa tìm được hài cốt, nhiều mộ liệt sĩ chưa có tên trong nghĩa trang...

Nhắc đến chiến trường Vị Xuyên, không thể không nhắc đến người Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh-người con ưu tú, niềm tự hào của quê hương Phú Thọ. Giáp Tết cổ truyền dân tộc năm 1985, đơn vị của Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh được giao nhiệm vụ chốt giữ điểm E5 của cao điểm 685. Địch pháo kích dữ dội suốt ngày đêm và xua quân tiến đánh hòng chiếm lại 685.

Đơn vị hứng chịu nhiều tổn thất thương vong, nhưng Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh vẫn luôn vững vàng, thường xuyên động viên anh em chiến đấu với tinh thần “còn người còn chốt”, anh khắc dòng chữ “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” lên báng khẩu AK như lời thề thiêng liêng với đồng đội, Tổ quốc.

Lời thề “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” khắc trên báng súng AK của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh được khắc trên bia đá tại Đền thờ Liệt sĩ trên điểm cao 468 và Nhà bia Liệt sĩ xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Lời thề “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” khắc trên báng súng AK của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh được khắc trên bia đá tại Đền thờ Liệt sĩ trên điểm cao 468 và Nhà bia Liệt sĩ xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Hy sinh khi đang chỉ huy đơn vị chiến đấu chống lại các đợt tấn công của địch với khẩu AK nắm chắc trong tay, dòng chữ khắc trên báng súng của người Anh hùng Đất Tổ đã trở thành lời thề thiêng liêng, biểu tượng ngời sáng cho ý chí chiến đấu quyết tử vì Tổ quốc của những người lính trên mặt trận Vị Xuyên năm ấy. Gương chiến đấu dũng cảm cùng dòng chữ khắc trên báng súng của anh đã trở thành huyền thoại bất tử trên đất biên cương Tổ quốc.

Năm 1985, liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Thành phố Hà Giang đã lấy tên anh đặt cho tuyến phố tại phường Quang Trung. Lời thề thiêng liêng được khắc trang trọng trên bia đá tại Đền thờ Liệt sĩ trên điểm cao 468, Nhà bia liệt sĩ xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên...

Nghĩa tình đất biên cương

Cả tháng nay, đất trời Hà Giang thật lạ, ngày nào trời cũng mưa như trút nước, sấm chớp đì đùng, nhưng thoáng cái lại quang đãng, nắng chói chang. Đúng ngày giỗ trận, ngay từ sáng sớm 12/7, các ngả đường dẫn vào Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên đã tắc nghẽn.

Hôm nay, tỉnh Hà Giang tổ chức dâng hương tại Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ trên điểm cao 468 (thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy) và lễ truy điệu, an táng 6 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên. Gần chính ngọ, nắng gắt mà khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên vẫn tấp nập hàng dài các đoàn cựu chiến binh, cơ quan, đơn vị, địa phương cùng người dân khắp các vùng miền về chờ đến lượt dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ.

Trầm ngâm nhìn khói hương bảng lảng trên những tán cây trên sân hành lễ, thi thoảng lại đưa tay khẽ dụi mắt, cựu chiến binh Nguyễn Đình Chung (sinh năm 1966, ở khu 3, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy) xúc động: “Tôi nhập ngũ năm 1986, thuộc Trung đoàn 384. Hai năm trong quân ngũ, từng tham gia chiến đấu ở Vị Xuyên, tôi đã trải qua những ngày tháng gian khổ, khốc liệt nhất của chiến tranh trên những điểm cao, hứng chịu pháo kích của quân xâm lược suốt ngày đêm. Điều kiện sống vô cùng kham khổ, thiếu thốn. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Rất nhiều đồng đội tôi đã ngã xuống hoặc để lại một phần cơ thể trên mảnh đất này. So với họ, tôi quá may mắn. Do bộn bề mưu sinh, hôm nay tôi mới có dịp cùng các cựu chiến binh Trung đoàn 384 về đây thắp nén hương kính viếng, tạ lỗi với đồng đội của mình...”.

Chứng kiến những cựu chiến binh mái đầu điểm bạc, quân phục chỉnh tề, mắt đỏ hoe ngân ngấn nước đứng lặng người bên những mộ phần trải dài, nghi ngút khói hương giữa trưa nắng gắt mới thấy nghĩa tình đồng đội cao cả, thiêng liêng đến nhường nào và cái giá để có được độc lập, tự do không thể nào cân đong đo đếm...

Không còn “cối xay thịt”, “lò vôi thế kỷ” chết chóc, chiến trường xưa giờ đã vươn mình trong diện mạo mới với những màu xanh mướt mát trù phú, thanh bình. Cùng với người dân địa phương, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh, thương binh từ khắp các vùng quê đã chọn Vị Xuyên làm quê hương thứ hai để gắn bó, an cư lạc nghiệp.

Núi rừng bạt ngàn, đồng đất phì nhiêu, nguồn nước trong lành mát lạnh quanh năm cùng truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động đã và đang giúp đồng bào nơi đây có cuộc sống ngày càng sung túc. Không chỉ bám vào ruộng vào rừng, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi trồng các giống đặc sản, mở homestay phục vụ khách du lịch mang lại nguồn thu ổn định ở mức cao.

Ông Đặng Văn Điền là đồng bào dân tộc Dao, nhập ngũ tham gia chiến đấu rồi bị thương, trở về quê ở thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) với hai bàn tay trắng và thương tật 4/4.

Trong suốt nhiều năm, hai vợ chồng ông đã cặm cụi vỡ đất trồng lúa, chăn nuôi mà cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Được chính quyền xã cùng anh em đồng đội động viên, tư vấn, ông đã quyết đầu tư xây dựng hệ thống ao nuôi cá bỗng đặc sản, cua đồng, vịt suối... và xây dựng điểm tham quan, phục vụ ăn uống cho khách du lịch.

Ông Điền chia sẻ: “Ngày còn trong quân ngũ, đối mặt với bom đạn quân thù, cái chết luôn rình rập, anh em chúng tôi lúc nào cũng mơ ước ngày hòa bình để về quê sinh sống cùng gia đình. Tôi may mắn hơn rất nhiều đồng đội vì đã hiện thực hóa ước mơ ấy. Do đó, tôi thấy phải có trách nhiệm phát triển kinh tế gia đình, khi có điều kiện sẽ đi các nơi thăm viếng, tri ân đồng đội đã ngã xuống, giúp đỡ những người còn khó khăn...”.

Hướng dẫn viên giới thiệu về Di tích lịch sử Đền thờ Liệt sĩ trên điểm cao 468.

Hướng dẫn viên giới thiệu về Di tích lịch sử Đền thờ Liệt sĩ trên điểm cao 468.

Đến Đền thờ Liệt sĩ trên điểm cao 468, du khách sẽ có dịp thưởng thức món chè đặc biệt mang tên “Chè chốt 1059”. Vẫn là hương vị đặc trưng của búp chè sinh trưởng trên vùng đồi núi biên cương nhưng chỉ nghe tên hiệu, trong không gian đậm đặc dấu ấn lịch sử bi tráng cùng lời giới thiệu mộc mạc của các thiếu nữ người Dao bản địa, chén chè biếc xanh màu mật vịt dường như có thêm nhiều dư vị, cảm xúc bồi hồi, xao xuyến.

Mấy ai ngờ cao điểm ác liệt năm xưa giờ lại thành thương hiệu cho thứ nước uống mang lại sự thư thái, tĩnh tâm, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập...

Cùng đoàn cựu chiến binh quận Bắc Từ Liêm (thành phố Hà Nội) về Hà Giang trong ngày giỗ trận 12/7 viếng các Anh hùng liệt sĩ, trên cao điểm 468 (thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên), cựu chiến binh Nguyễn Đắc Thảo say sưa hồi tưởng lại những ngày tháng gian khổ, ác liệt mà hào hùng của ông và đồng đội trên chiến trường Vị Xuyên.

Nhắc đến những đồng đội đã ngã xuống, nhất là những Anh hùng liệt sĩ còn đang nằm lại đâu đó giữa núi rừng hoang vu, giọng ông chợt chùng xuống: “Chúng ta có làm bao nhiêu cũng không đủ để bù đắp, tri ân công đức của những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Càng hiểu rõ đau thương mất mát, chúng ta càng phải biết trân quý giá trị của hòa bình...”.

Trong những ngày tháng Bảy, thành phố Hà Giang dường như thêm xanh bởi sắc màu quân phục cựu chiến binh, thêm nhộn nhịp bởi các đoàn người khắp mọi miền Tổ quốc về thắp hương tưởng niệm, tri ân các Anh hùng liệt sĩ.

Đồng bào dân tộc Dao giới thiệu “Chè chốt 1059”.

Đồng bào dân tộc Dao giới thiệu “Chè chốt 1059”.

Nghĩa cử cao đẹp thể hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc chắc chắn sẽ làm ấm lòng các Anh hùng liệt sĩ nơi chín suối. Tuy nhiên, tri ân công đức những người đã không tiếc máu xương vì Tổ quốc không gì bằng thực hiện tâm nguyện, lý tưởng, mục tiêu mà họ đã sống, chiến đấu.

Vậy nên bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, dân tộc, giữ gìn, vun đắp cuộc sống thanh bình, trù phú sẽ mãi là hành động tri ân thiết thực, ý nghĩa nhất mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân cả nước đang chung sức đồng lòng quyết tâm thực hiện.

Màu xanh trên đá núi, màu xanh của hòa bình, phồn thịnh trên chiến trường xưa đã và đang dần xoa dịu những đau thương, mất mát của chiến tranh, khắc đậm thêm những chiến công vang dội của các Anh hùng liệt sĩ để dân tộc Việt mãi trường tồn, đất nước vững bước phát triển hùng cường.

Vũ Thanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/mau-xanh-tren-da-nui-215705.htm