'May áo' cho sản phẩm OCOP

Bao bì quyết định 80% sự thành công của một sản phẩm OCOP, nhưng hiện nay, các chủ thể vẫn loay hoay với việc làm sao để tạo ra được hình ảnh sản phẩm đẹp, hấp dẫn nhất. Điều đó dẫn tới, sản phẩm OCOP đang gặp phải rất nhiều hạn chế như: Giống nhau về kiểu dáng, chất liệu, bao bì đơn giản, trùng lặp, ghi nhãn chưa đúng quy định, thiếu thông điệp sản phẩm...

Theo nghiên cứu của Nielsen, tại TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và TP.Cần Thơ, 67% người tiêu dùng coi trọng bao bì thiết kế của sản phẩm khi mua sắm, cho thấy bao bì chính là một trong những yếu tố quan trọng để các chủ thể truyền tải thông điệp, tiếp cận khách hàng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều sản phẩm có thể "hút khách" từ cái nhìn đầu tiên.

Bao bì quyết định 80% thành công của sản phẩm

HTX Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp là một trong những chủ thể đầu tiên của Hậu Giang tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, đặc biệt là một trong 2 chủ thể vinh dự có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP tiêu biểu cấp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, HTX đang tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm, quy trình nuôi và chế biến sản phẩm từ cá thát lát để tham gia bình chọn sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Bao bì chiếm tới 80% thành công của một sản phẩm OCOP.

Bao bì chiếm tới 80% thành công của một sản phẩm OCOP.

Theo Giám đốc Nguyễn Kim Thùy, HTX có 8 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, HTX đã chọn 2 sản phẩm là chả thát lát tươi và cá thát lát rút xương để nâng chất lượng tham gia đánh giá OCOP cấp quốc gia. Vì vậy, thời gian qua, HTX đẩy mạnh quy hoạch vùng nuôi để áp dụng quy trình GlobalGAP và ISO 22000 vào sản xuất cá thát lát thương phẩm hướng đến xuất khẩu, nâng cấp nhà xưởng, kho bãi nhằm góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm. Đồng thời, HTX cũng đẩy mạnh thiết kế lại bao bì sản phẩm.

“Sản phẩm sau khi được công nhận OCOP, sản lượng bán ra tăng gấp 3 lần so với trước đây. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ thì vẫn còn giới hạn. Chính vì thế, HTX muốn nâng chất sản phẩm để tham gia đánh giá OCOP cấp quốc gia, đó cũng là một bước tiến để sản phẩm của HTX có thể xuất khẩu. Ngoài việc cải thiện về cơ sở vật chất, thì việc thay đổi bao bì, nhãn mác rất quan trọng để thu hút người tiêu dùng”, bà Thùy chia sẻ.

Ông Đào Đức Huấn, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương thông tin: Đến nay, cả nước có hơn 8.500 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên và hơn 4.300 chủ thể OCOP (HTX chiếm 38,3%; doanh nghiệp 26,1%; cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh 33,3%).

Theo thống kê, bao bì chiếm tới 80% thành công của một sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm OCOP hiện nay đang gặp phải rất nhiều hạn chế như: Giống nhau về kiểu dáng, chất liệu, bao bì đơn giản, trùng lặp, ghi nhãn chưa đúng quy định, thiếu thông điệp sản phẩm... Những hạn chế này xuất phát từ năng lực hoạt động, khả năng tiếp cận kỹ thuật, tài chính… của các chủ thể. Thách thức đặt ra với sản phẩm OCOP chính là sự so sánh và gia tăng giá trị.

Theo ông Huấn, để tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, đối với bao bì, các chủ thể cần chú ý tới hình thức đóng gói, thông điệp truyền tải, thiết kế; phải tạo được khác biệt để hạn chế sự so sánh (sang trọng, sáng tạo, tiện lợi, khả năng tích hợp).

Nâng cao giá trị từ hình ảnh bao bì

Cùng với đó, bao bì sản phẩm OCOP phải đảm bảo 4 yếu tố: Thuận (thuận theo lợi thế của sản phẩm, thị trường); Tiện (thuận tiện cho người tiêu dùng khi sử dụng); Thông (thông điệp về sản phẩm phải rõ ràng); Tin (tạo được niềm tin với người tiêu dùng thông qua thương hiệu, chứng nhận OCOP).

Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Thu Hằng, chuyên gia bao bì của Hiệp hội Bao bì Việt Nam nhấn mạnh, bao bì phải đảm bảo các chức năng: Chức năng kỹ thuật (chứa đựng, bảo vệ, bảo quản, đo lường, phân phối, vận chuyển) và chức năng tiếp thị (giao tiếp, trình bày, thông tin, kết nối, trao quyền, quảng cáo, bán hàng, thúc đẩy, gắn kết, thuyết phục).

Do đó, khi thiết kế bao bì cần chú ý: Hiểu rõ sản phẩm cần chứa đựng (trạng thái, trọng lượng, điều kiện gia công, quy trình đóng gói, tính ngăn cản, chu kỳ của sản phẩm); hiểu rõ về thị trường và khách hàng sẽ tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong bức tranh tổng quan chung về hàng hóa nông sản thì mẫu mã, bao bì sản phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa sản phẩm đến gần, đến nhanh, hiệu quả hơn tới người tiêu dùng. Do đó, việc thay đổi nhận thức về bao bì sản phẩm vô cùng quan trọng, góp phần kiến tạo hệ sinh thái, xây dựng ngành công nghiệp bao bì dành riêng cho phân khúc sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Các chuyên gia cũng có chung nhận định, muốn tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và thuận lợi tiếp cận với các doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị trong và ngoài nước, việc hoàn thiện bao bì sản phẩm là điều cần thiết đối với các chủ thể sản phẩm OCOP. Khi sản phẩm bắt đầu đi ra thị trường, một thiết kế bao bì đẹp và khác biệt sẽ có khả năng liên kết cảm xúc với khách hàng. Khi người tiêu dùng lần đầu tiên tiếp cận với một sản phẩm mới thì bao bì sẽ là kênh thông tin hữu hiệu để truyền tải tất cả những ưu điểm, thông điệp của chủ thể gửi gắm trong đó. Từ đó, giúp sản phẩm dễ dàng thâm nhập thị trường, gia tăng giá trị.

Phương Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/may-ao-cho-san-pham-ocop-1089123.html