Máy bay C919 của Trung Quốc liệu có khuấy động được thị trường?
Màn ra mắt thương mại máy bay chở khách C919 của Trung Quốc được sản xuất nội địa thúc đẩy kỳ vọng của thị trường trong việc mở rộng chuỗi cung ứng sản xuất máy bay ở nước này. Tuy nhiên, sự phụ thuộc công nghệ vẫn là một vấn đề Trung Quốc cần giải quyết.
Hôm 28/5, chuyến bay thương mại đầu tiên của máy bay C919 đã được thực hiện trên tuyến đường Thượng Hải – Bắc Kinh. Sự kiện đã mở ra một bước tiến mới trong nỗ lực tự lập công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không của Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế thứ 2 thế giới muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào các công ty phương Tây. Được chế tạo bởi Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) thuộc sở hữu nhà nước, C919 được thiết kế để cạnh tranh với mẫu 737 của Boeing và mẫu A320 của Airbus.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng góp phần khiến Bắc Kinh đẩy mạnh năng lực tự cường trong ngành sản xuất hàng không. Việc xuất khẩu các linh kiện hàng không vũ trụ từ Mỹ, bao gồm cả động cơ, phải tuân theo giấy phép do Bộ Thương mại nước này cấp. Trong khi đó, Washington luôn bày tỏ lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng các thiết bị này cho cả mục đích dân sự và quân sự, từ đó đặt xuất khẩu thiết bị hàng không tới Trung Quốc trong tình trạng thiếu chắc chắn.
China Daily trích dẫn chuyên gia hàng không Han Tao cho biết: "Màn ra mắt thương mại thành công của C919 có nghĩa là máy bay phản lực nội địa của Trung Quốc đã tiếp cận được với thị trường máy bay thân một lối đi, 150 đến 200 chỗ ngồi, một trong những thị trường cạnh tranh nhất trong ngành hàng không dân dụng".
Trong khi đó, SCMP trích dẫn ông Chen Xianfan, nhà phân tích từ China International Capital Corporation cho biết: “Việc hoàn thành chuyến bay thương mại đầu tiên sẽ thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng sản xuất máy bay chở khách – từ các bộ phận thiết kế, sản xuất đến đào tạo và sửa chữa”.
Theo Ủy ban Khoa học và Công nghệ thành phố Thượng Hải hồi tháng 2/2023, Comac đã nhận được đơn đặt hàng từ 32 công ty cho 1.035 máy bay C919 tính tới cuối năm 2022. Trong khi đó, công ty dịch vụ tài chính Zhongtai Securities ước tính rằng tiềm năng thị trường cho C919 sẽ là khoảng 192 tỷ USD trong 2 thập kỷ tới bên cạnh các phần giá trị gia tăng khác trong chuỗi cung ứng công nghiệp. Ước tính này dựa trên giả định rằng C919 có thể cạnh tranh với Boeing và Airbus để giành được 1/3 thị trường nội địa.
Để đạt được kết quả ngày hôm nay, C919 đã ở trong quá trình nghiên cứu và phát triển tới hơn 14 năm với sự tham gia của khoảng 200 công ty Trung Quốc theo báo cáo của China Securities ngày 29/5. Hiện đã có một số bộ phận của máy bay được sản xuất trong nước và các nhà phân tích kỳ vọng tỷ lệ này sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai. Trung Quốc cũng đang cố gắng phát triển động cơ máy bay CJ-1000A của riêng mình.
Tuy nhiên theo SCMP trích dẫn một báo cáo được công bố vào tháng 12/2020 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, các công ty Mỹ chiếm gần 60% các nhà cung cấp chính của C919. Các công nghệ then chốt bao gồm động cơ, hệ thống điện tử hàng không, hệ thống điều khiển, thông tin liên lạc và thiết bị hạ cánh đều được nhập khẩu.
Động cơ hiện tại của C919 là LEAP-1C đang được chế tạo bởi CFM International - một công ty liên doanh giữa công ty sản xuất hàng không GE Aviation của Mỹ và Safran Aircraft Engines của Pháp.
Nhận định về tiềm năng của C919, ngân hàng đầu tư Orient Securities có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Do hạn chế về năng lực sản xuất và những khó khăn trong chuỗi cung ứng cho sản xuất máy bay thương mại, chúng tôi cho rằng việc nâng cấp năng suất của mẫu C919 sẽ khó khăn trong thời gian ngắn và sẽ ít ảnh hưởng đến nguồn cung và nhu cầu của ngành”.