Máy bay Trung Quốc nhắm tới Đông Nam Á

Trong lúc chờ đợi các dòng máy bay nội địa được cấp chứng nhận tại Mỹ và Châu Âu, Trung Quốc đã để mắt tới các thị trường bớt khắt khe hơn tại Đông Nam Á.

Ký thỏa thuận 2 tỷ USD với hãng bay Brunei

Theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), tại hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20 diễn ra tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây vừa qua, Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) đã ký thỏa thuận cung cấp 30 máy bay trị giá 2 tỷ USD cho hãng hàng không Gallop Air (Brunei).

Máy bay C919 được giới thiệu tại sân bay Bắc Kinh.

Theo thông báo trực tuyến của Tập đoàn Tianju, đơn vị sở hữu cổ phần tại hãng hàng không Brunei, Comac đã đạt thỏa thuận cung cấp hai dòng máy bay ARJ21 và C919 cho Gallop Air.

C919 là dòng máy bay chở khách thân hẹp do Trung Quốc phát triển, được kỳ vọng trở thành đối thủ cạnh tranh với dòng máy bay 737 của Boeing và A320 của Airbus.

Còn ARJ21 là dòng máy bay dân dụng có phạm vi hoạt động tầm trung do Comac nghiên cứu và phát triển từ năm 2002. Hiện, chưa có thông tin chi tiết về thời điểm bàn giao máy bay.

Trước đó, Trung Quốc đã bán một số máy bay ARJ21 cho hãng hàng không giá rẻ TransNusa của Indonesia vào năm 2022, đánh dấu thành tựu lớn đầu tiên trong tham vọng xuất khẩu máy bay chở khách nội địa.

Chủ tịch Comac - ông He Dongfeng xác nhận, tập đoàn sẵn sàng hợp tác sâu rộng hơn với các doanh nghiệp tại Quảng Tây để mở rộng phát triển tại thị trường ASEAN đồng thời thúc đẩy quá trình tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Tính đến nay, đã có Indonesia công nhận chứng nhận đủ điều kiện bay của Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đạt thỏa thuận với cơ quan quản lý hàng không tại một số thị trường nước ngoài về việc chấp thuận chứng nhận từ Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc.

Trong đó, Colombia đã ký biên bản ghi nhớ với Trung Quốc về việc chấp thuận chứng nhận của Bắc Kinh đối với máy bay nội địa của Trung Quốc từ năm 2012. Micronesia cũng ký biên bản ghi nhớ tương tự với Trung Quốc vào năm 2014.

Vì sao hướng tới Đông Nam Á?

Mô hình máy bay chở khách C919 của Trung Quốc trưng bày tại một hội chợ ở tỉnh Hắc Long Giang vào tháng 8.

Theo SCMP, sở dĩ Bắc Kinh hướng đến thị trường Đông Nam Á vì quy trình cấp chứng nhận đủ điều kiện bay cho các dòng máy bay do Trung Quốc phát triển tại thị trường này bớt nghiêm ngặt hơn so với tại Mỹ và Châu Âu.

Nhận định về tham vọng của Trung Quốc, ông Shukor Yusof, nhà sáng lập Endau Analytics - đơn vị theo dõi ngành hàng không cho biết, Comac chưa đủ nổi bật để thuyết phục đông đảo các hãng hàng không trên thế giới chuyển đổi máy bay. Ông chỉ ra công nghệ của C919 đã có sẵn trên các máy bay của Airbus và Boeing.

Dẫu vậy, ông Yusof thừa nhận, dù máy bay C919 có thể phải mất nhiều năm nữa mới được cơ quan quản lý hàng không Mỹ và Châu Âu chứng nhận nhưng một khi sản lượng tăng lên, giá thành giảm hơn, họ có thể giành được nhiều đơn đặt hàng hơn từ các hãng trong nước hoặc ở các nước đang phát triển.

"Các hãng vận tải có thể không đủ khả năng chi trả với mức giá của các hãng sản xuất máy bay dẫn đầu thị trường như Boeing, Airbus hiện tại", ông nhận định.

Theo SCMP, Comac đang tiếp tục cải tiến hai dòng máy bay ARJ21 và C919. Mới đây, tập đoàn thông báo sẽ sản xuất các phiên bản máy bay C919 có kích thước khác nhau.

Nếu như phiên bản máy bay C919 hiện tại có số lượng ghế ngồi từ 156-192, trong tương lai sẽ có nhiều loại máy bay với số lượng ghế dao động từ 130-240 ghế. Ngoài ra, tập đoàn cũng sẽ tích hợp công nghệ 5G, dữ liệu lớn, sử dụng năng lượng mới và trí tuệ nhân tạo trong quá trình phát triển máy bay C919 để tối ưu hóa về mặt công nghệ.

Hiện, Tập đoàn Comac đang thực hiện các chuyến bay trình diễn đối với cả hai dòng máy bay ARJ21 và C919 tại khu tự trị Tân Cương trong vòng hai tuần.

Các chuyến bay này sẽ cung cấp dữ liệu để từ đó giúp các nhà chế tạo máy bay điều chỉnh phương tiện thích nghi tốt hơn trong quá trình vận hành tại Tân Cương - khu vực có nhiều sân bay nhất tại Trung Quốc.

Tính đến đầu tháng 10, Tập đoàn Comac đã nhận được đơn đặt hàng 1.061 máy bay C919, trong khi dòng máy bay ARJ21 đã phục vụ tổng cộng 8,6 triệu hành khách. Đa số các đơn đặt hàng máy bay do Comac phát triển đến từ các hãng hàng không quốc doanh của Trung Quốc, các công ty cho thuê tài chính và các thực thể do Trung Quốc kiểm soát tại nước ngoài.

Đơn vị đầu tiên mua máy bay C919 là hãng hàng không quốc doanh China Eastern Airlines (trụ sở tại Thượng Hải). Hãng China Eastern Airlines đã nhận hai máy bay C919 và đưa vào vận hành chuyến bay từ trung tâm Thượng Hải đến Thành Đô.

Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Comac ước tính đã tốn tới 49 tỷ USD để chế tạo C919.

Hoàng Hương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/may-bay-trung-quoc-nham-toi-dong-nam-a-192231002210201768.htm