Máy chà gạo di động

Sau hơn 2 tháng lắp ráp máy chà gạo, anh Trần Văn Sang, ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, hằng ngày len lỏi trên các dòng sông, đến phục vụ tận nơi cho người dân có nhu cầu chà gạo. Máy chà gạo di động này mang lại nhiều tiện ích, giúp rút ngắn thời gian đi lại và tiết kiệm chi phí.

Sáng sớm, anh Sang đã chuẩn bị mọi thứ từ dầu, nhớt, bao bì để bắt đầu công việc một ngày. Theo anh Sang, trước đây vợ chồng anh đi làm hồ, giăng lưới trên sông nhưng cuộc sống bấp bênh. Quyết tâm đổi nghề khác ổn định, vợ chồng đầu tư lắp ráp máy chà gạo di động trên sông, với chi phí 120 triệu đồng.

Nhờ có máy chà gạo cỡ nhỏ di chuyển đến tận vùng sâu, vùng xa, nơi giao thông đường bộ chưa phát triển mà người dân không phải mất công sức chở lúa đi xa để chà gạo.

Nhờ có máy chà gạo cỡ nhỏ di chuyển đến tận vùng sâu, vùng xa, nơi giao thông đường bộ chưa phát triển mà người dân không phải mất công sức chở lúa đi xa để chà gạo.

Anh Sang cho biết: “Với thiết kế nhỏ, gọn, máy được lắp cố định dưới phà để dễ len lỏi trên vùng quê, kênh rạch và chỉ xay lượng lúa cỡ nhu cầu hộ gia đình. Ban đầu khi mới làm nghề, tôi lắp cái loa trên phà để rao cho bà con biết. Dần dần khi quen mối, tôi cho bà con số điện thoại, lúc cần họ điện thoại là tôi đưa máy chà tới tận nơi, lên tận nhà lấy lúa đem xuống ghe chà gạo cho bà con”.

Vì làm nghề trên sông nước nên việc ăn uống, nghỉ ngơi đều trên phà. Với anh Sang, tuy công việc có phần cực nhọc, đi sớm về muộn, nghề này thu nhập không cao nhưng ổn định, đôi lúc di chuyển liên xã, từ xã Khánh Bình qua tới xã Khánh Bình Ðông. Mỗi chuyến đi như vậy, trừ hết chi phí, còn thu nhập khoảng 300-400 ngàn đồng/ngày, khi cận Tết chà nhiều thì thu nhập sẽ cao hơn.

Gạo khi chà ra trắng, đều, đẹp và không bị lẫn trấu hay thóc.

Gạo khi chà ra trắng, đều, đẹp và không bị lẫn trấu hay thóc.

Chị Lê Thị Quyên, ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, khách hàng của anh Sang, chia sẻ: “Thời gian chà gạo rất nhanh, tầm 15-20 phút là xong 1 bao lúa, nếu mình lấy gạo, lấy cám luôn thì tiền công mỗi bao là 25 ngàn đồng, còn nếu chà xong mình lấy gạo, đưa cám cho chủ phà thì chỉ tốn 10 ngàn đồng”.

Nhờ có máy chà gạo cỡ nhỏ di chuyển đến tận vùng sâu, vùng xa, giao thông đường bộ chưa phát triển mà nhiều người có nhu cầu không phải mất công sức chở lúa đi xa để chà gạo. Chị Lâm Thị Nhi, ấp Chống Mỹ, xã Khánh Bình, cho biết: “Từ khi có máy chà gạo di động của anh Sang, rất tiện cho cô bác ở đây, giá cả lại hợp lý”.

Vũ Linh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/may-cha-gao-di-dong-a37347.html