Máy lạnh, xăng là mặt hàng thiết yếu sao lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt?

Để tránh thuế chồng thuế lên người tiêu dùng, Nhà nước cần bỏ bớt thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng.

Những năm qua, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, cử tri đã đề xuất loại xăng khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Mới đây nhất, góp ý cho dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi, nhiều bộ ngành cũng đề nghị bỏ xăng, điều hòa (máy lạnh) ra khỏi đối tượng chịu thuế TTĐB. Qua đó, nhằm chia sẻ gánh nặng khó khăn với người dân trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới nhiều biến động.

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi mới nhất do Bộ Tài chính soạn thảo, mặt hàng xăng tiếp tục là đối tượng chịu thuế TTĐB 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.

Cần loại bỏ cả thuế TTĐB với xăng khoáng

Theo Bộ Tư Pháp, đối tượng chịu thuế tại dự thảo Luật cơ bản kế thừa đối tượng chịu thuế quy định tại Luật thuế TTĐB hiện hành.

Tuy nhiên, Bộ này đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá toàn diện hơn để có cơ sở đề xuất loại bỏ một số mặt hàng đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như xăng E5, E10 có hàm lượng 5%, 10% là cồn sinh học, là đầu vào của nhiều ngành sản xuất.

Do đó, việc đánh thuế TTĐB với mặt hàng trên có thể sẽ không còn hợp lý và chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội bởi mục đích thuế TTĐB là định hướng tiêu dùng. Bởi hiện nay chưa có mặt hàng khác thay thế xăng cho ngành sản xuất nên không có lựa chọn để thay thế.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhìn nhận, việc tiêu dùng xăng sinh học E5, E10 chưa thay thế được xăng khoáng do thói quen người tiêu dùng và ưu điểm của xăng khoáng.

Mặt khác, xăng dầu hiện nay ngoài chịu thuế TTĐB còn chịu thuế bảo vệ môi trường. Do đó, đề nghị xem xét giảm thuế mặt hàng xăng khoáng, nhưng có thể điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của thuế TTĐB.

Cùng quan điểm trên, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế TTĐB và thuế bảo vệ môi trường.

"Xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên việc đánh thuế TTĐB đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế TTĐB đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này", VCCI nhấn mạnh.

 Nhiều cửa hàng xăng dầu không còn biển hiệu bán xăng sinh học. Ảnh: TÚ UYÊN

Nhiều cửa hàng xăng dầu không còn biển hiệu bán xăng sinh học. Ảnh: TÚ UYÊN

Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm

Trước những kiến nghị trên, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm về đánh thuế TTĐB với xăng. Cụ thể, xăng E5, E10 được pha chế theo tỷ lệ tương ứng 95%, 90% xăng RON 92 và 5%, 10% cồn sinh học. Còn xăng khoáng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, do đó, cần sử dụng tiết kiệm, nên hầu hết quốc gia đều thu thuế này.

Bộ Tài chính cũng cho biết, thuế suất thuế TTĐB đối với xăng hiện là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật thuế TTĐB không quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Thuế TTĐB là loại thuế thu vào hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hóa thạch).

Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng. Đơn cử như Pháp, Đức, Anh, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Campuchia, Lào...

Mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB từ năm 1995. Quy định này là phù hợp với mục tiêu của thuế TTĐB là điều tiết tiêu dùng đối với hàng hóa cần sử dụng tiết kiệm và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo Bộ Tài chính, số thu thuế TTĐB xăng các loại năm 2021 đạt 9.777 tỉ đồng gồm cả nhập khẩu và nội địa, chiếm 6,88% tổng thu thuế TTĐB.

Áp thuế TTĐB đối với xăng là không hợp lý, phí chồng phí?

Chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, nếu tiếp tục áp thuế TTĐB đối với xăng là không hợp lý, phí chồng phí. Do đó, Nhà nước cần không áp thuế TTĐB đối với các loại xăng.

Bên cạnh đó, xăng là mặt hàng thiết yếu, phục vụ cho các ngành sản xuất kinh doanh, vận tải hàng hóa…Nếu tiếp tục đánh thuế TTĐB chỉ khiến giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng, tác động đến cả nền kinh tế.

TS Điền phân tích thêm, nếu đánh thuế TTĐB có tác dụng điều tiết thì Nhà nước nên áp dụng. Còn việc áp thuế TTĐB đối với xăng khoáng cao hơn xăng sinh học như thời gian qua cho thấy không hiệu quả.

Người dân vẫn ưu tiên sử dụng xăng khoáng vì độ co giãn về giá rất thấp. Việc đánh thuế TTĐB xăng khoáng chỉ đẩy giá xăng tăng trong khi người dân vẫn gồng gánh sử dụng.

“Nhà nước muốn người dân tiết kiệm sử dụng xăng khoáng, nhưng hiện nay chưa có giải pháp thay thế. Đồng thời, trước khi dùng công cụ thuế để điều tiết Nhà nước cần tạo ra kênh để người dân chuyển đổi, thay thế vì ngoài xăng ra chúng ta còn gì.

Hơn nữa, đối với xăng sinh học, thời gian qua nhiều nhà máy sản xuất ethanol đã đóng cửa do không hiệu quả khi chi phí sản xuất còn cao hơn xăng khoáng.

Vì vậy, Nhà nước muốn khuyến khích dùng xăng sinh học, vấn đề làm sao giảm giá thành xăng sinh học mạnh hơn chứ không phải là áp thuế TTĐB xăng khoáng”- TS Điền nói.

Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) phân tích, xăng dầu hiện nay đã chịu các loại thuế như thuế bảo vệ môi trường. Các loại ô tô sử dụng xăng dầu cũng đã chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao.

Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng xăng sinh học thời gian qua của người dân không cao. Ngoài ra, để tiến tới khuyến khích sử dụng xe điện thì lượng xe dùng xăng E5 ngày càng ít đi.

Do đó, để tránh thuế chồng thuế lên người tiêu dùng Nhà nước cần bỏ bớt thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng.

“Riêng khi so sánh với các quốc gia đang đánh thuế TTĐB xăng cần nhìn nhận rõ trên mỗi lít/galon xăng dầu họ đánh những loại thuế gì, tỉ trọng trên giá đầu vào là bao nhiêu. Từ đó, chúng ta mới có thể có so sánh tương đối chính xác với điều kiện của Việt Nam để có đánh giá toàn diện hơn”- TS Việt nói.

Cần bỏ thuế TTĐB với điều hòa

Dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi quy định điều hòa nhiệt độ (máy lạnh) công suất từ 90.000 BTU trở xuống thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế 10%.

Trước đây, điều hòa nhiệt độ có thể được coi là mặt hàng xa xỉ nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay điều hòa nhiệt độ đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong công việc và cuộc sống.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ.

Đồng quan điểm, Bộ Tư pháp cho rằng, điều hòa nhiệt độ có công suất từ 90.000 BTU trở xuống hiện nay điều hòa nhiệt độ đã trở thành mặt hàng phổ thông và được sản xuất với công nghệ invester. Do đó, cần thiết đánh giá tác động nếu tiếp tục đưa vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Trường hợp cần thiết đánh thuế điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống với mục tiêu bảo vệ môi trường, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cân nhắc chia nhiều mức công suất tương ứng với mức thuế tương ứng để đảm bảo tính công bằng khi xác định mục tiêu bảo vệ môi trường.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/may-lanh-xang-la-mat-hang-thiet-yeu-sao-lai-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-post803881.html