Mayotte - điểm đến lý thú giữa Ấn Độ Dương

Dzaoudzi nhìn từ ngoài biển vào.

Quần đảo Comoro nằm ở ngoài khơi bờ biển phía đông nam châu Phi, giữa Madagascar và Mozambique. Từ thế kỷ VI đã có dân di cư từ Bắc Phi, Trung Đông và Ấn Độ đến dựng nhà trên đảo. Vào năm 1908, bốn hòn đảo lớn trong nhóm đảo Comoro được sáp nhập vào thuộc địa Madagascar của Pháp. Đến những năm bảy mươi của thế kỷ trước, Comoro tuyên bố độc lập, chỉ mình Mayotte tiếp tục là một phần thuộc Pháp.

Mayotte gồm một đảo chính Grande Terre (còn gọi là Maore), đảo nhỏ Petite Terre (Pamanzi) và nhiều đảo bé, mũi đá vây quanh. Tuy là lãnh thổ Pháp nhưng có ít người ở Mayotte dùng tiếng Pháp trong cuộc sống hằng ngày. Du khách sẽ cần một hướng dẫn viên biết thổ ngữ Shimaore và Kibosy. Người dân trên đảo theo đạo Hồi, nhưng họ có những tập tục riêng của mình và cởi mở hơn nhiều so với các cộng đồng Hồi giáo khác.

Ngày nay, du khách có thể bay thẳng từ Paris, Nairobi hoặc đảo Reunion đến sân bay Dzaoudzi Pamandzi ở Mayotte. Tuy nhiên, giá vé những chuyến bay này khá đắt đỏ và nhiều khách du lịch lựa chọn cách đi phà từ quần đảo Comoro đến Mayotte. Du khách cũng cần lưu ý rằng, nhiều loại hàng hóa trên đảo khá đắt đỏ do phải “cõng” thêm chi phí vận chuyển từ đất liền ra, vì vậy tốt nhất là du khách hãy mang theo mọi thứ mà mình cần.

Tuy là thủ phủ đảo nhưng Mamoudzou vẫn có dáng dấp của một thị trấn tỉnh lẻ. Du khách sẽ không tìm thấy quá nhiều điều thú vị ở đây. Đa số khách nước ngoài chỉ dành một, hai giờ dạo quanh phố chính Rue du Commerce của Mamoudzou để tìm mua những tấm vải thổ cẩm nhúng sáp do phụ nữ địa phương làm. Những người Pháp có tiền thường đi du thuyền riêng đến Mayotte vào mùa hè, vậy nên, ở khu vực quanh bến cảng Mamoudzou có một số nhà hàng, cửa hàng, khách sạn cao cấp để phục vụ khách nước ngoài.

Điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất ở Maore là núi lửa Choungui ở phía nam đảo. Ngọn núi cao 593m có đỉnh núi hình chóp rất hiếm thấy, và nhiều du khác lựa chọn leo lên đỉnh Choungui để thu vào mắt hình ảnh toàn bộ hòn đảo. Vậy nhưng, để đến làm được điều này du khách sẽ phải vượt qua khu rừng rậm nhiệt đới rộng 1.600ha - nơi ở của nhiều loài chim quý hiếm như bồ câu olive Comoro, bồ câu xanh Comoro, chim hút mật Mayotte... Trong rừng còn có nhiều đàn vượn cáo nâu. Loài thú này có tính tò mò và dạn người nên không khó để du khách chụp ảnh chúng.

Nơi rừng “gặp” biển mọc rất nhiều cây bao báp đứng sừng sững. Người Pháp đem cây bao báp từ vùng hạ Sahara trồng trên khắp các nơi từng là thuộc địa của họ (trong đó có Việt Nam). Cây bao báp quý nhất ở quả. Những quả bao báp dài 20 - 30cm, ruột trắng, ăn sống được hoặc ép ra thành nước giải khát. Khách du lịch thường mua vài cân quả bao báp về làm quà.

Do du lịch tại Mayotte chưa phát triển nên các bãi biển nơi đây vẫn còn hoang sơ. Được biết đến nhiều nhất là bãi biển Sakouli ở bờ đông nam đảo. Du khách không những được tận hưởng khung cảnh vịnh biển đẹp đẽ, yên bình mà còn được tận mắt ngắm nhìn đàn rùa biển lên bờ đẻ trứng giữa đêm. Vào mùa rùa đẻ trứng, Tổ chức bảo vệ động vật địa phương có chương trình cho khách du lịch trải nghiệm việc thu thập trứng rùa đem ấp rồi thả ra biển.

Với những du khách ưa thích lặn scuba, bãi biển N’Gouja ở tây nam đảo là sự lựa chọn tuyệt vời. Ôm ấp bãi biển cát trắng này là một rạn san hô và một cánh đồng cỏ biển. Không ít cá thể rùa và những đàn cá nhiệt đới làm tổ ở đây. Tại N’Gouja chỉ có một cửa hàng cho thuê đồ lặn nên hoặc là du khách đem trang thiết bị theo mình, hoặc là đặt thuê trước đó năm ngày.

Một góc Mayotte.

Đảo bé Pamanzi được nối với đảo lớn Maore bằng một mũi đất nhỏ. Đa số du khách ghé qua Pamanzi vì hồ núi lửa Dziani Dzaha. Ở giữa miệng núi lửa đã chết là hồ nước màu xanh lục bảo vì có khí lưu huỳnh từ dưới đáy hồ phun lên. Nhiều vị khách dành cả một ngày chỉ để nằm ngửa trên mặt hồ.

Chưa hết, từ lâu người dân địa phương đã truyền tai nhau rằng, dưới đáy hồ là cả một hệ thống hang động được tạo ra khi núi lửa phun trào. Những tên hải tặc thời xưa lợi dụng những cái hang này để cất giữ đồ quý giá. Tuy chính quyền địa phương cấm việc lặn thám hiểm hang nhưng vẫn có một số hướng dẫn viên du lịch “chui” sẵn sàng giúp du khách thỏa mãn trí tò mò.

Vào thời kỳ toàn bộ quần đảo Comoro thuộc Pháp, thị trấn Dzaoudzi trên đảo Pamanzi là trung tâm hành chính của cả vùng. Phải đến năm 1977, chính quyền Mayotte mới cho chuyển thủ phủ đảo sang Mamoudzou. Pamanzi ngày nay là một thị trấn tĩnh lặng, tàu bè chỉ đỗ lại trong thời gian ngắn.

Ngoài bến cảng xinh đẹp, điều thú vị nhất tại Dzaoudzi là Museé Muma, viện bảo tàng duy nhất ở Mayotte. Đến với bảo tàng Museé Muma, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu kỹ về văn hóa, lịch sử, con người Mayotte. Nơi đây hiện lưu giữ một bộ xương cá nhà táng gần như còn nguyên vẹn, được người dân phát hiện năm 1995.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/que-huong-dat-nuoc/du-lich/202212/mayotte-diem-den-ly-thu-giua-an-do-duong-c4d74a8/