Mẹ

Lúc còn nhỏ - vì quá nhỏ, tôi chẳng nhớ gì, chỉ nghe người thân ở nhà kể lại, mẹ nuôi tôi cực lắm. Tôi không chịu uống sữa, lại còn kén ăn. Nhà nghèo, nhưng nghe ai bày ăn món gì, mẹ cũng cố gắng làm cho tôi ăn đổi món.

Và mỗi lần đút tôi ăn là cả một “công trình” của mẹ. Mẹ phải múa, hát, làm trò… đủ kiểu để đút cho tôi được muỗng cơm và khi tôi ăn được hết chén cơm thì cũng là lúc mẹ đã mệt đừ…

Tôi được mẹ đút ăn mãi cho đến năm học lớp 3 vì mẹ sợ để một mình tôi làm biếng không ăn. Giá như ngày ấy, thằng bạn học chung lớp không đi ngang nhà bắt gặp để rồi vào trường đồn rùm lên với chúng bạn khiến tôi mắc cỡ, về nhà khóc lóc, cương quyết không chịu cho mẹ đút ăn nữa thì không biết tôi sẽ còn được mẹ đút cho ăn đến khi nào (?!).

Tôi còn nhớ, khi tôi bắt đầu đi học, mẹ là người đầu tiên cầm tay tôi uốn nắn từng nét chữ. Mẹ đã phải rất kiên nhẫn để rèn cho tôi cầm viết bằng tay phải và viết đúng hàng kẻ trên vở vì tôi có thói quen viết tay trái lại cứ thích viết lưng chừng hàng! Và nhờ mẹ, mà suốt những năm tiểu học, tôi luôn giành giải nhất trong các cuộc thi “Vở sạch chữ đẹp” cấp trường rồi cấp huyện.

Khi tập vở tôi được chọn mang đi triển lãm ở thành phố, ba mẹ hứa thưởng cho tôi một món quà mà tôi rất thích. Đó là một con búp bê biết chớp mắt và có mái tóc dài màu vàng. Cả ngày hôm ấy, tôi ở nhà nôn nao đợi ba mẹ đi Sài Gòn mua quà về cho mình. Nhưng khi ba mẹ về đến nơi, tôi chạy ùa ra đón, thì bất ngờ, tôi đứng sững lại khi thấy mẹ tôi bước xuống xe một cách khó khăn và phải đi cà nhắc vào nhà.

Còn ba tôi thì tay bị trầy xước, rướm máu. Sau đó, tôi mới biết, do tránh một chú chó con nên tay lái ba tôi bị đảo khiến ba mẹ tôi ngã xuống đường, cũng may là lúc ấy không có xe phía sau. Nghe ba mẹ kể mà tôi chợt rùng mình và nỗi sợ hãi đó đã khiến tôi không thèm ngó ngàng gì đến con búp bê mà tôi hằng ao ước nữa. Tôi để yên nó trong hộp, đem cất vào tủ kính và mãi cho đến khi đi qua hết những năm tháng tuổi thơ, tôi cũng không bao giờ chơi búp bê cả. Nỗi ám ảnh xém chút trở thành trẻ mồ côi ấy đã theo tôi đến lớn.

Tôi nhớ có lần trường tổ chức văn nghệ mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Tôi đăng ký song ca cùng nhỏ bạn. Tôi không nhớ nổi nội vụ sự tình ra sao mà tiết mục của tôi được chọn biểu diễn. Đến lúc ra sân khấu, con nhỏ bạn tôi hát lí nhí rồi đứng im re (không biết do khớp quá hay tại mình tôi “chơi” một bè nó theo không được?) thế là tôi cứ “thỏa sức” mà hát bất chấp tiếng đàn. Sau khi hát xong, tôi nhìn xuống sân khấu, chỉ có mình mẹ tôi là “can đảm” đứng nghe và vỗ tay cho tôi, còn những người thân trong gia đình vừa mắc cười, vừa mắc cỡ bỏ… trốn hết trơn. Tối đó về nhà, mẹ cười, dặn tôi: “Mai mốt giữa đám đông, con đừng hát, có lẽ, con đọc thơ, mẹ thấy phù hợp hơn”.

Tôi lớn lên vào trung học. Mẹ lại cực theo tôi ở cái tuổi “không còn nhỏ để gọi là trẻ con, chưa đủ khôn để thành người lớn”. Những lúc tôi ương bướng, mẹ không đánh đòn nhưng nhẹ nhàng khuyên giải. Mẹ luôn theo sát việc học hành của tôi. Có thể nói, tôi học hành đàng hoàng, ra trường và có công ăn việc làm ổn định như ngày hôm nay phần lớn là nhờ công lao của mẹ.

Có lúc ta quên nhìn dáng mẹ/ Chợt quạnh hiu ngày ta bước vào đời…

Có lúc ta quên nhìn dáng mẹ/ Chợt quạnh hiu ngày ta bước vào đời…

Tôi nhớ khi tôi học để thi tốt nghiệp cấp 2, mẹ đều phải thức khuya, dậy sớm theo tôi để canh chừng cho tôi học. Vì lúc đầu, mẹ cũng chủ quan, khi thấy tôi cứ đúng 4g30 là dậy bật đèn sáng để học bài. Ai dè, một ngày kia, mẹ hé cửa phòng xem thử thì “thất kinh” khi thấy đèn thì sáng, sách vở thì bày sẵn xung quanh trên giường và tôi thì nằm gọn lỏn ở giữa mà ngủ say sưa. Thế là từ ấy, tôi nằm trên giường học bài thì mẹ trải chiếu nằm phía dưới bên cạnh, đợi tôi học xong để dò cho tôi từng câu, từng chữ. Bởi hơn ai hết, mẹ biết tính con mình, bất kỳ việc gì, tôi cũng in vào đầu rất nhanh và sau đó cũng phai đi cấp tốc.

Ngày tôi đi thi, trường xa nhà, mẹ lại không biết đi xe, ấy vậy mà, ngày hai buổi, bất chấp nắng - mưa, mẹ đều đón xe ôm sang ngồi ngoài cổng đợi tôi thi, trông ngóng xem đề dễ hay khó, rồi lại lén vào một nơi nào đó để cầu trời khấn Phật cho tôi làm bài được. Và bao giờ cũng vậy, mẹ luôn là người đầu tiên đón tôi ở cổng trường với ánh mắt ngập tràn hy vọng: “Làm bài được không con?”. Tôi là người hay giấu kín tình cảm của mình, ít khi bày tỏ nên mẹ đâu biết rằng chính hình ảnh và câu hỏi ấy của mẹ đã là động lực rất lớn đối với tôi vì tôi không cho phép mình cô phụ niềm kỳ vọng của mẹ.

Tôi còn nhớ, hồi học cấp 3, đang ngồi trong lớp, bỗng dì của thằng bạn học chung tất tả chạy vào xin cô cho bạn về bởi vì mẹ của bạn mới qua đời. Cả lớp sững sờ, thằng bạn chỉ kịp lắp bắp gọi “Mẹ!” rồi ngất lịm đi. Tôi cũng lặng người trên ghế! Bởi mới hôm qua đây thôi, đi chợ, gặp mẹ của bạn, bác ấy còn vồn vã hỏi thăm tôi: Bộ con học nhiều lắm sao mà ốm dữ vậy? Năm nay dự định thi trường gì?, Nếu đậu thì sẽ ở đâu? Bác dự định cho thằng Lộc nó thi vào trường Bách khoa v.v…

Trong cái phút lặng người ấy, bất chợt, tôi nhận ra một điều, cái ranh giới giữa sống và chết thật mong manh. Và khi còn sống, ta có thể ôm ấp biết bao hoài bão, dự định biết bao kế hoạch… nhưng trên hành trình trở về đơn độc ấy, mỗi người sẽ mang theo được những gì hay đơn giản chỉ là “Ta đi về không cả nắm tay không”? Sự ra đi của mẹ bạn khiến tôi bị sang chấn tâm lý một thời gian. Nhưng cũng từ đó tôi đã ý thức được rằng, mẹ cha dù thương yêu đến mấy, cũng chỉ có thể đi cùng ta một đoạn đường, nên ta càng phải trân trọng hơn những tháng ngày còn cha, còn mẹ ở cạnh bên để biết rằng mình còn có phước.

Nhạc sĩ Y Vân đã từng viết: “Em ơi, có bao nhiêu?/ Sáu mươi năm cuộc đời…” như vậy thì tính ra, tôi đã ở bên kia cái dốc của đời người. Nhưng đối với mẹ, trong mắt mẹ, lúc nào tôi cũng còn nhỏ dại. Gần 2 tháng qua, tôi đau dạ dày, cơn đau hành hạ tôi vào mỗi lúc đêm khuya. Nhưng đêm nào cũng vậy, mỗi khi tôi trở mình ho, nôn, thì y như rằng mẹ đều có mặt ngay trước cửa phòng tôi. Tôi biết mẹ xót con mình mà không ngủ được! Nhìn dáng mẹ còm cõi, tôi thấy lòng xốn xang. Ấy vậy mà:

Có lúc ta quên màu tóc mẹ

Đã một thời dãi nắng dầm mưa

Có lúc ta quên nhìn trán mẹ

Còn bao nghĩ suy dù ta lớn khôn rồi

Có lúc ta quên nhìn mắt mẹ

Còn chờ ta mỏi ngóng đêm sâu

Có lúc ta quên nhìn dáng mẹ

Chợt quạnh hiu ngày ta bước vào đời…

(Lặng lẽ mẹ tôi - Minh Đức)

Tháng 7, mùa Vu lan - Báo hiếu đang về. Những dịp này, trên truyền hình thường phát lại vở kịch “Bông hồng cài áo” (Tác giả: Hoàng Dũng) - một vở kịch kinh điển của Sân khấu kịch nói Kim Cương đã đi vào lòng công chúng bao thế hệ. “Hồi nhỏ, mình cho chúng cục kẹo, chúng cũng mừng, đi đâu chúng cũng đòi theo. Còn bây giờ mình cho chúng cả cuộc đời mà chúng cũng không thèm nhận. Sắp đi một chuyến không về mà chúng cũng chẳng thèm để ý…” - đó là lời thoại của nhân vật má Tư trong vở diễn và đó cũng là lời tự thán duy nhất, sau cùng của người mẹ ấy khi chứng kiến con mình vì mê cảnh giàu sang, sung sướng mà nỡ quay lưng, chối bỏ người mẹ quê, nghèo khó.

Ngày nhỏ, mỗi khi xem vở kịch này, tôi thường trùm kín mền khóc ướt cả gối. Cho đến bây giờ, dù đã xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần, nhưng tim tôi vẫn thổn thức, chỉ có điều tôi đã “già” nên không còn trùm mền khóc cho đỡ mắc cỡ như ngày xưa. Tuy nhiên, nếu như ngày ấy, tôi khóc cho nỗi đau của người mẹ, thì bây giờ, giọt nước mắt của tôi còn dành cho nỗi bất hạnh của những người con trong vở diễn vì khi họ nhận ra được nơi nương náu bình yên nhất cho mình chính là vòng tay mẹ thì chỉ còn biết ngậm ngùi:

Ước ai nhượng đóa hoa hồng

Cho tôi cài áo một lần rồi thôi

Để tôi tưởng hết mồ côi

Để tôi cứ ngỡ mẹ tôi vẫn còn…

Tháng 7, những buổi chiều thu có mây trắng giăng giăng, tiếng kinh trầm bổng nơi mái chùa quê vọng lại, nhắc nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha:

“… Thân con có ra,

Từ nơi cha mẹ,

Dù nát thân này,

Chẳng đủ đền ân,

Con nào dám nghĩ,

Bỏ mẹ quên cha,

Có ai ruột rà,

Bằng cha với mẹ,

Sanh thành khổ nhọc,

Nuôi dưỡng nâng niu,

Miễn con khỏe vui,

Là cha mẹ thích,

Con vừa chớm bệnh,

Cha mẹ buồn rầu,

Chạy ngược chạy xuôi

Rước thầy tìm thuốc.

Chỉ nghĩ đến con,

Mà quên khổ nhọc,

Con là hòn ngọc,

Của quý mẹ cha,

Vắng mặt con thơ

Mẹ cha sầu thảm,

Dù con khôn lớn,

Cha mẹ nào quên

Thương mãi nhớ hoài,

Đến ngày nhắm mắt…”

Thời gian trôi, không chờ, không đợi; xuân - hạ - thu - đông lặng lẽ xoay vần, vạn vật đến - đi theo vô thường định luật. Nhưng Từ ân của cha và Bi ân của mẹ vẫn đong đầy theo năm tháng mà mãi mãi, không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết được!

“Nước từ nguồn đổ mãi

Người ơi!

Trùng dương khôn lời…”.

(Thuần Chánh)

T.Trúc/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/me-post72878.html