Mẹ của đàn con mắc bệnh 'hủi'

36 năm ròng rã, Y tá Nguyễn Thị Xuân vẫn hết lòng với những bệnh nhân tại Trại phong Quả Cảm, người đời gọi bà bằng cái tên cay đắng: Mẹ của đàn con mắc bệnh 'hủi'.

Tới thăm Trại phong Quả Cảm (nay là Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh) ngày cuối tháng 8, những tia nắng sớm len lỏi qua then cửa sổ, nhẹ hắt lên khuôn mặt hiền từ của nữ Y tá 67 tuổi, quê ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Ngày qua ngày, Y tá Xuân vẫn 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng gắn bó cả cuộc đời và cùng đồng cảm, sẻ chia” với bệnh nhân phong. Bà chính là “làn gió mới” mang đến hơi ấm của tình người; ươm mầm lên sự sống từ những mảnh đời bất hạnh bị người đời hắt hủi.

Vì thương mà đến…

Sinh ra trong gia đình có 5 chị em, lên 3 tuổi mất mẹ, 10 tuổi mất cha. Lớn lên trở thành cô giáo mầm non, cuộc sống của bà cứ thế lặng yên bên những đứa trẻ đến năm 31 tuổi.

Ngày ấy, bà đọc được cuốn sách “Lạc quan trên miền Thượng” viết về một linh mục người Pháp sang Việt Nam, ông đã đi lên vùng Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) tìm những người bị phong để chăm sóc.

Trong đầu bà có suy nghĩ: “Tại sao một thanh niên người Pháp lại sang Việt Nam để chăm sóc người phong? Còn mình là người phụ nữ Việt Nam, mình phải làm gì cho người bệnh phong quê hương mình”. Thế rồi cơ duyên đưa bà đến với Trại phong Quả Cảm.

Hằng ngày Y tá Xuân vẫn lo mọi chuyện "thập cẩm" như sửa đinh, lắp chân giả, kêu thợ sửa nhà cho các cụ hay lo ma chay, cưới hỏi...

Hằng ngày Y tá Xuân vẫn lo mọi chuyện "thập cẩm" như sửa đinh, lắp chân giả, kêu thợ sửa nhà cho các cụ hay lo ma chay, cưới hỏi...

Theo suốt năm tháng cuộc đời, như đóng đinh vào ký ức, Y tá Xuân không thể nào quên được lần đầu đặt chân đến trại phong. Ông cụ đã 84 tuổi đang thoi thóp nằm trên mấy tấm ván ghép lại, trong một căn nhà dột nát. Cụ chỉ mong lần cuối được gặp lại con cháu nhưng cũng chẳng có ai vào thăm.

Chưa đầy một tuần sau, khi trở lại trại phong, cụ cũng đã nhắm mắt xuôi tay. Đám tang không có lấy một tiếng khóc, cũng chẳng có một mảnh khăn trắng nào, chỉ có vài người bệnh mang chôn cụ dưới chân núi.

Lúc đó, Y tá Xuân đã đưa ra quyết định được cho là gàn dở, thần kinh: “Nếu ở nhà dạy mẫu giáo cũng chỉ ăn ngày 2 bữa, lên giúp bệnh nhân phong thì cũng ăn ngày 2 bữa thôi. Tôi chẳng cần gì cả, lại sống độc thân nên quyết định bỏ nghề mẫu giáo để đi lên đây”.

Năm 1987, cô giáo Xuân tình nguyện trở thành người con của hơn 300 bệnh nhân phong, đường vào trại phong khi ấy là quả đồi toàn cây cối, có con đường đất đỏ duy nhất dẫn vào, bên trong là những nhà gianh nẹp cây tre, cây sắn để làm cửa.

Hình ảnh một cô giáo trẻ lại không ngần ngại bế cõng, tắm rửa, đút cơm cháo hay dọn phân cho những bệnh nhân bị con "ma hủi" ăn mòn từng ngón chân, ngón tay đã làm cảm động lãnh đạo trại phong.

Được sự gợi ý của lãnh đạo, năm 1988, bà vào Quy Nhơn để học trung cấp y và phải mãi đến cuối năm 1991, Sở Y tế Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang) mới tiếp nhận, quyết định công tác cho bà.

Trong suốt 1 năm chờ quyết định, Y tá Xuân đã đi dọc Bắc - Nam đến với 11 trại phong và được bệnh nhân quý mến gọi với cái tên Sơ Xuân. Cũng vì đó, bà luôn giữ được liên lạc, sau này có sự giúp đỡ cho cả người bệnh và nhiều suất học bổng cho con em của bệnh nhân.

Y tá Xuân chia sẻ, đến 23 tỉnh từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên đến Nghệ An, Thanh Hóa… bà đã kêu gọi ủng hộ và xây dựng được 198 căn nhà cho 23 tỉnh. 126 hộ gia đình cần vốn để mua trâu bò chăn nuôi cũng được hỗ trợ kịp thời.

“Hủi” mẹ dẫn “hủi con”… đón những tia sáng của cuộc đời

Bao nhiêu câu từ cũng chẳng thể nói lên hết những vất vả, hy sinh cả tuổi xuân của Y tá Xuân với Trại phong Quả Cảm. Nhưng sự kỳ thị, xa lánh và những lời miệt thị lại chạm đến sâu thẳm trái tim của người phụ nữ kiên cường này.

Y tá Xuân nhớ lại, hơn 30 năm về trước, xã hội luôn có sự kỳ thị và niềm tin tiêu cực với người bệnh, gọi đó là con “hủi” có hình dạng lạ thường, gớm ghiếc. Để xã hội có cái nhìn thiện cảm hơn với người bệnh, bà vẫn thường xuyên tổ chức cho bệnh nhân đi thăm Lăng Bác, Hạ Long, Yên Tử, Lạng Sơn, Thái Nguyên… đặc biệt là những con em của bệnh nhân.

Việc làm của Y tá Xuân giúp cho người bệnh được xích lại gần với nhau hơn. Nó đã trở thành một liều thuốc kháng sinh vừa an ủi vừa vực dậy tinh thần trong tất cả họ.

Việc làm của Y tá Xuân giúp cho người bệnh được xích lại gần với nhau hơn. Nó đã trở thành một liều thuốc kháng sinh vừa an ủi vừa vực dậy tinh thần trong tất cả họ.

Có những bệnh nhân sống hơn 50 năm, 60 năm mới dám bước chân ra khỏi trại phong, họ đón nhận thế giới bên ngoài như một tia sáng của cuộc sống. Tuy nhiên, mỗi chuyến đi thành công là ướt đẫm nước mắt.

Người ta bàn tán, gọi tôi là “mẹ hủi, hủi mẹ dẫn hủi con” rồi là “Xuân hủi”... Chỉ cần hỏi là người ở đâu, nhắc tới trại phong thì người ta cũng xa lánh dần. “Mình cũng chạnh lòng. Mới nghe thì cũng buồn nhưng sau thì thành quen cũng gạt đi tất cả vì các em, vì bệnh nhân của mình”, Y tá Xuân nghẹn ngào.

Không chỉ có vậy, bằng khả năng nhỏ bé của mình, Y tá Xuân đã lặng lẽ giúp cho người bệnh có được đôi chân giả hay đôi dép mà họ chưa từng nghĩ một lần trong đời sẽ được đi; thậm chí là cả ngôi nhà nhỏ, vốn làm ăn rồi con cái họ học hành… đặc biệt là xây dựng tổ gia đình tự quản từ bệnh nhân phong.

Những gia đình có thể kể đến như anh Nguyễn Văn Chung, anh Trần Đình Chất… giờ đây có kinh tế ổn định, con cái đã có thể học đại học đều nhờ công lao lớn từ Y tá Xuân. Đâu ai biết rằng, vùng đất chết Trại phong Quả Cảm nảy nở, ươm mầm lên mình một diện mạo mới phủ kín màu xanh của cây trồng, màu của tình yêu thương từ các gia đình đó.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh cho biết, sự đổi thay của Trại phong Quả Cảm là nhờ có Y tá Xuân. Bà đã kêu gọi, xây dựng được 1 xưởng sản xuất ra hàng trăm đôi chân giả cho các bệnh nhân phong trên toàn quốc, gọi là phòng phục hồi chức năng chỉnh hình. 29 dãy nhà khang trang, dãy dài nhất là được 10 gian, 9 gian, 6 gian, 3 gian được xây mới hoàn toàn cho các bệnh nhân. Các khu nhà phục hồi chức năng, nhà tang lễ, nhà văn hóa cũng được xây dựng.

“Câu chuyện của Y tá Xuân đã truyền đi nguồn cảm hứng tích cực đến cộng đồng, giúp xã hội có cái nhìn thiện cảm và đúng đắn hơn về bệnh phong và những người mắc bệnh phong”, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh nhấn mạnh.

Đến năm 2012, Y tá Xuân chính thức được nghỉ hưu sau 25 năm đồng hành cùng đàn con “hủi” của mình. Nhưng với tình yêu cao cả dành cho những bệnh nhân cuối cùng tại Trại phong Quả Cảm, Y tá Xuân vẫn xin tình nguyện ở lại gắn bó với người bệnh. Không một chút than thân hay hối hận, 36 năm qua, Y tá Xuân chưa từng nghĩ cho hạnh phúc của riêng mình. Cho đến bây giờ, bà vẫn là người độc thân.

Với Y tá Xuân, hạnh phúc bình dị lắm, đơn giản là được chăm sóc, chia sẻ để những bệnh nhân phong vơi bớt đi sự cô đơn, tiếp thêm động lực để họ sống. Hạnh phúc đó là đơn giản trong tầm tay của bà. Bà chỉ mong là mình có được sức khỏe, chăm lo cho các cụ. Cũng bởi bố mẹ mất sớm nên Y tá Xuân coi các cụ ở đây như ông bà, bố mẹ, như người thân của mình.

Có người đến, có người mãi mãi ra đi nhưng vẫn có Y tá Xuân ở lại để từng ngày vun vén cho 56 bệnh nhân cuối cùng tại Trại phong Quả Cảm bằng tình yêu thương, tấm lòng chân thành nhất.

Sự hy sinh thầm lặng của nữ Y tá Nguyễn Thị Xuân đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, là 1 trong 50 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích trong lĩnh vực an sinh xã hội và tích cực tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng và nhiều bằng khen, giấy khen.

Y tá Nguyễn Thị Xuân chăm sóc bệnh nhân phong.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/me-cua-dan-con-mac-benh-hui-741021