Mẹ tôi về lại tháng mười
Mẹ tôi đã về miền mây trắng nhưng mỗi khi tháng 10 về tôi như cảm thấy mẹ về lại với tháng mười. Tháng của những người phụ nữ suốt đời hy sinh vì chồng con cho gia đình và cho cả đất nước. Chưa có một đất nước nào trên thế giới lại có danh hiệu 'Mẹ Việt Nam anh hùng' như đất nước ta.
Mẹ tôi về với tháng 10 là về lại cánh đồng quê thôn dã đã gắn bó suốt đời với mẹ. Tôi mới hiểu vì sao hạt thóc khi gieo xuống thành mạ rồi lớn lên làm đòng căng sữa lại là “lúa thì con gái”. Tuổi mẹ là tuổi đồng, tôi đã từng viết về mẹ: “Mẹ gặt hái cánh đồng hay cánh đồng sàng sảy mẹ”. Một đời mẹ sàng sảy trước gió để bỏ đi hạt lép giữ lại hạt chắc, mẹ sàng sảy bao âu lo để mang về khấp khởi mừng, sàng sảy đi cái xấu để chắt lọc cái tốt. Và chính nắng mưa, bão lũ thời gian trên cánh đồng đã sàng sảy tuổi mẹ, sức lực mẹ, dáng hình mẹ.
Mẹ về với tháng 10 là về với bếp lửa nhà quê mà ngọn khói cứ lan man bò trên mái rạ tỏa mùi cơm thơm gạo mới. Ngọn lửa reo và nồi cơm sôi bập bùng hắt lên vách tường nhà bóng mẹ khi tháng 10 về cũng là lúc các cơn bão, cơn lũ ập đến. “Ngày tháng mười chưa cười đã tối” đêm thì dài ra, túi trầu của mẹ nặng thêm. Bếp lửa là nơi mẹ hơ những nỗi niềm tạnh ráo, hơ bao ẩm ướt đã ngấm vào xương vào khớp những cơn nhức tê mỏi, hơ cơn ho thủng thẳng đêm trường. Bếp lửa như người bạn tri kỉ của mẹ để mẹ khơi lên bao hy vọng, vùi dấm bao âu lo cho củ khoai bùi bớt sượng. Bếp lửa truyền đời, truyền cái sức sống bền bỉ rạo rực bùng lên mà tỏa sáng, âm ỉ mà lan truyền.
Mẹ về với tháng 10 là về với khu vườn của mẹ trồng nhiều cây ăn quả cho cháu con, trồng nhiều rau sạch cho bữa cơm gia đình. Cả đời mẹ từ đồng về vườn, nhặt nhạnh lo toan vun vén những hoa, những lá, những quả để thành những đồng tiền lẻ chắt chiu nuôi lớn bao đứa con. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã phát hiện một tứ thơ khá xúc động: “Lũ chúng con từ tay mẹ lớn lên - Còn những bí những bầu thì lớn xuống”.
Mẹ về với tháng 10 là về với chợ quê nơi mẹ bán những sản phẩm do tự tay mình làm ra, bán đi những vất vả nhọc nhằn để mua về những thảo thơm ấm áp. Mua về bao niềm vui bé nhỏ, mua về những tiếng cười chào hỏi. Chợ là nơi mẹ được giao đãi, được thể hiện chất dịu dàng, chu đáo, kỹ lưỡng, nhuần nhị tính nữ. Chợ là nơi mẹ bao dung quảng đại “chín bỏ là mười” vui người, vui ta. Tôi mới hiểu vì sao khi mẹ tôi bán cá bao giờ cũng bán chục chẵn là 12 con tính thành 10 con chứ không là chục trụi chỉ đúng 10 con. Tôi mới hiểu vì sao mẹ lại mang thai “chín tháng mười ngày”. Cái khoảng thời gian 10 ngày cuối cùng ấy là thời gian sinh lý chờ đợi dài hơn thời gian vật lý “10 ngày dài hơn 9 tháng”. Ôi tháng mười, cái tháng bằng số đếm trên 10 ngón tay đều đặn, ngón ngắn ngón dài nhưng chúng được tạo hóa sắp đặt để nương tựa vào nhau, hỗ trợ cho nhau khi khéo léo vá may, khi tháo vát gặt hái. Và cũng 10 ngón tay ấy đã xòe ra chấp chới khi mô phỏng một điệu chèo, một làn điệu dân ca quan họ. Giữa chợ đời mẹ tôi nhìn thấu cảm bằng lựa lời, lòng tốt vị tha.
Mẹ về với tháng 10 là về với ngôi chùa làng có tiếng chuông ngân vang. Những vòng sóng âm thanh giao thoa mở ra chốn cửa thiền nơi mẹ bỏ lại những lo toan vất vả sau lưng để về đắm mình trong miền an lành trong tấm áo nâu sồng mà tôi đã viết “Nâu sồng mẹ với lặng thinh - Cho bao câu kệ, lời kinh lặn vào”. Lá bồ đề cửa chùa mang hình trái tim, vầng hào quang trên tòa sen của Đức Phật tỏa sáng. Mẹ tôi đang trở lại tháng mười trong kí ức với bao yêu thương, với bao ân nghĩa.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/me-toi-ve-lai-thang-muoi-i711943/