Mẹ Việt Nam ơi...

Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu Nghe dịu nỗi đau của mẹ Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ Các anh không về, mình mẹ lặng im…

Chiến tranh đã qua đi mấy mươi năm, nhưng nỗi đau, sự hy sinh của những người mẹ có con nằm lại chiến trường, mãi mãi không trở về thì vẫn còn đó. Các mẹ đã được Đảng, Nhà nước, Nhân dân tri ân và suy tôn bằng danh hiệu thiêng liêng, cao quý - Bà mẹ Việt Nam anh hùng!

Trong những ngày tháng Bảy lịch sử, chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Dén ở thôn Cắp Kẹ, xã Thống Nhất (thành phố Lào Cai). Ở tuổi 96, mẹ Dén vẫn khỏe mạnh, tiếng mẹ vẫn rõ ràng, dứt khoát, chỉ là câu chuyện mẹ kể có lúc không đầu không cuối, những ký ức in sâu trong tâm trí mẹ được nhắc lại một cách chắp vá, rời rạc. Thế nhưng, khi nhắc đến 2 người con đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, mắt mẹ nhòe đi bởi những giọt lệ.

Tháng 6/1970, người con trai cả của mẹ là Ngô Văn Chắp (sinh năm 1948) hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường miền Nam. 9 năm sau (năm 1979), người con trai thứ tư là Ngô Xuân Trường (sinh năm 1960) cũng hy sinh khi tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Các anh đều hy sinh khi tuổi vừa mười chín, đôi mươi - độ tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của cuộc đời. Chỉ duy nhất người con trai thứ ba Ngô Đức Thọ (sinh năm 1956) may mắn sống sót trở về nhưng mang trên mình vết thương của những tháng ngày chiến đấu trong mưa bom, bão đạn.

Ngày mẹ Dén tiễn các con ra chiến trường, các anh đều hứa khi đất nước hòa bình sẽ về với mẹ, vậy mà 3 người con ra đi thì 2 người không trở về. Chiến tranh ác liệt, gia đình cũng không thể tìm thấy phần mộ của các anh, đó là nỗi đau lớn nhất của mẹ Dén.

Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, đất nước được độc lập, thống nhất, Tổ quốc đã ghi nhận đóng góp to lớn của gia đình mẹ Dén. Ông Ngô Đức Thọ, con trai của mẹ Dén cho biết: Năm 2014, mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ tôi được chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên đến thăm, động viên.

Hiện tại, mẹ Dén đang nhận trợ cấp Bà Mẹ Việt Nam anh hùng hơn 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai nhận phụng dưỡng mẹ suốt đời… “Mỗi lần có người đến chơi nhà, mẹ lại bảo: Còn nhiều bà mẹ có 4 - 5 người con hy sinh cho đất nước, tất cả cũng vì hòa bình, độc lập dân tộc. Các con, cháu phải cố gắng sống tốt để xứng đáng với sự hy sinh của các liệt sĩ”, ông Thọ tâm sự.

Bên tuyến đường nông thôn mới hoa lá xanh tươi, ngôi nhà của Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Doanh (thôn Hồng Giang, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai) hiện lên với vẻ thanh bình, yên ả. Khi nghe có khách đến, mẹ Doanh vội bảo con dâu út giúp mẹ chải tóc, quấn khăn. Điều đặc biệt ở mẹ Doanh là mẹ có hàm răng đen nhánh, miệng nhai trầu, trên đầu cuốn chiếc khăn nhung rất đẹp. “Mặc dù không được minh mẫn như xưa nhưng khi nhắc đến 2 người con đã hy sinh thì mẹ vẫn nhớ”, chị Trần Thị Lê (40 tuổi, con dâu út sống cùng mẹ Doanh) cho biết.

Năm nay, mẹ Trần Thị Doanh bước sang tuổi 94, hằng ngày, mẹ tự chăm sóc bản thân và kể cho cháu, chắt nghe những câu chuyện cuộc đời mình. Mỗi lần nhắc đến 2 người con là liệt sĩ, mẹ Doanh rất đỗi tự hào và rưng rưng xúc động. Mẹ bảo, chiến tranh ác liệt lắm, nhiều người còn gánh chịu mất mát, đau thương hơn cả mẹ. Lúc này mẹ còn khỏe mạnh, vui vầy bên con cháu, chắt cũng là niềm may mắn cuối đời của mẹ.

Nhiều lần, tuổi già, sức yếu và những cơn bạo bệnh tưởng chừng quật ngã nhưng chính nghị lực của mẹ và sự chăm sóc của con cháu, gia đình, sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đoàn thể đã giúp mẹ gượng dậy. Chị Trần Thị Lê, con dâu của mẹ Doanh bày tỏ: Tôi nể phục và yêu thương mẹ nhiều! Hy sinh, mất mát đến vậy mà mẹ vẫn vượt qua để chúng tôi có được cuộc sống này, có mẹ kề bên.

Đối với các con, mẹ Doanh luôn là chỗ dựa tinh thần, là tấm gương sáng để mọi người phấn đấu, noi theo. Anh Trần Quang Hanh, con trai út của mẹ Doanh bộc bạch: Lúc anh, chị hy sinh, tôi còn quá nhỏ, chưa cảm nhận được hết nỗi đau này. Mẹ đã phải chịu biết bao vất vả, tần tảo sớm hôm, chạy chợ, làm ruộng, làm nương, kiên cường nuôi dạy anh chị em tôi khôn lớn. Mẹ là động lực để chúng tôi cố gắng cống hiến sức mình xây dựng quê hương, Tổ quốc.

Chị Phạm Thị Thùy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai) cho biết: Mẹ Trần Thị Doanh là Mẹ Việt Nam anh hùng duy nhất của xã Vạn Hòa. Những năm qua, gia đình mẹ Doanh luôn là gia đình văn hóa tiêu biểu, là tấm gương để các gia đình trên địa bàn xã học tập, noi gương. Cả 3 thế hệ chung sống dưới một mái nhà hòa thuận, con cháu hiếu thảo, thành đạt.

Giờ đây, mẹ Trần Thị Doanh đang sống yên vui bên các con, cháu, chắt và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chia sẻ, thăm hỏi thường xuyên của bà con lối xóm, của thế hệ trẻ hôm nay...

Tỉnh Lào Cai có 28 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”, nhưng đến nay chỉ có 3 mẹ còn sống. Để bù đắp những đau thương, mất mát, giúp các Mẹ Việt Nam Anh hùng có cuộc sống tốt hơn, ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội luôn chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Những tình cảm chân thành xuất phát từ lòng tôn kính, cùng sự biết ơn sâu sắc đã giúp các mẹ sống vui, khỏe, sống thọ hơn để thấy quê hương, đất nước ngày càng đổi mới và phát triển.

 Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên từ các đồng chí lãnh đạo, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành.

Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên từ các đồng chí lãnh đạo, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành.

Đi qua chiến tranh, cuộc đời mỗi Mẹ Việt Nam anh hùng là một câu chuyện, một hoàn cảnh nhưng có một điểm chung chính là đức hy sinh. Họ đã cống hiến sức lực, tuổi xuân, tài sản lớn nhất là những đứa con cho Tổ quốc… Những câu chuyện về cuộc đời và sự hy sinh to lớn của các mẹ sẽ sống mãi với thời gian, trở thành huyền thoại tỏa sáng, ngàn đời Tổ quốc ghi công.

Xin cảm ơn người, người Mẹ của tôi…

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/me-viet-nam-oi-post387629.html