Men say Hữu Lễ

Những ngày đầu xuân, có dịp đến xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan thưởng thức hương vị rượu men lá mới thấy hết chất men say của núi rừng và con người nơi đây. Đó không chỉ là một thức uống ẩm thực mà còn là nét văn hóa, thể hiện lòng mến khách của người dân tộc Nùng, Tày Xứ Lạng mỗi dịp tết đến, xuân về.

Rượu sau khi ủ được người dân xã Hữu Lễ đong ra bình chứa để vận chuyển đi tiêu thụ

Rượu sau khi ủ được người dân xã Hữu Lễ đong ra bình chứa để vận chuyển đi tiêu thụ

Xã Hữu lễ, huyện Văn Quan hiện có trên 570 hộ, trên 2.400 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng, Tày sinh sống. Đây cũng là một trong những xã được biết đến với nghề nấu rượu đã có từ lâu đời và được duy trì cho đến nay với trên 200 hộ làm nghề nấu rượu, tại 5/5 thôn. Các hộ nấu theo hướng hàng hóa chủ yếu tập trung tại 2 thôn Bản Rượi và Hữu Nhất. Với lợi thế có nguồn nước sạch, men lá được làm từ các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, cùng sự cần cù, chịu thương chịu khó của người dân nơi đây đã tạo nên sản phẩm rượu men lá có hương vị riêng và trở thành đặc sản của địa phương.

Đến thôn Bản Rượi vào những ngày cuối năm, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đang tất bật làm men, chẻ củi, chưng cất rượu phục vụ dịp tết. Nhiều năm qua, rượu men lá nơi đây luôn được người tiêu dùng ưa chuộng bởi hương vị đặc trưng, không lẫn với rượu men lá nơi khác. Dù đang rất bận rộn với công việc, nhưng bà Nông Thị Tuyết, thôn Bản Rượi, một trong những người làm nghề nấu rượu lâu năm tại xã vẫn dành thời gian dẫn chúng tôi tham quan nơi chưng cất rượu của gia đình.

Bà Tuyết kể: Từ khi còn nhỏ, tôi đã được cha mẹ dạy cách ủ men và chưng cất nên những giọt rượu thơm nồng, trong vắt, khi lớn lên, tôi vẫn giữ lại nghề truyền thống của gia đình. Khác với một số loại rượu gạo thông thường, rượu men lá đòi hỏi phải ủ và nấu cầu kỳ hơn, men lá phải chuẩn, gạo khô, sạch, không có mùi mốc. Đặc biệt, nguồn nước để nấu rượu phải là nước sạch được dẫn từ trên núi về để sử dụng trong quá trình chưng cất rượu. Men lá được làm từ lá cây men (cây dược liệu) kết hợp với giềng, bột gạo theo tỷ lệ phù hợp. Vì toàn bộ nguyên liệu đều có nguồn gốc từ tự nhiên, nên rượu sau khi được chưng cất có mùi thơm của lá, có vị ngọt của nước trên núi.

Để hiểu hơn về cách nấu rượu, chúng tôi được giới thiệu đến nhà chị Nông Thị Tiệp, thôn Hữu Nhất. Chị Tiệp mời chúng tôi thưởng thức hương vị rượu men lá do chính tay vợ chồng chị ủ. Chum rượu vừa mở nắp đã tỏa ra mùi hương thơm nồng phảng phất của rượu men lá. Được thưởng thức hương vị rượu thơm nồng, trải nghiệm quy trình làm ra rượu men lá của đồng bào dân tộc Nùng, Tày mới thấy hết được tấm lòng thảo thơm mến khách của người dân nơi đây. Rượu men lá Hữu Lễ khi uống có vị đậm đà và đượm hương lá rừng, dịu nhẹ, êm ái. Đó là đặc điểm riêng biệt của thứ thức uống tinh túy mà vùng đất này tạo ra.

Chị Tiệp tâm sự: Tôi lấy chồng từ năm 1990, cũng từ đây tôi được chỉ dạy về cách nấu rượu men lá truyền thống. Khác với rượu men lá ở những nơi khác, nguyên liệu để làm ra men được dùng từ lá cây men và giềng, các loại cây có tính nóng, tính hàn, có vị ngọt, vị cay, vị đắng khi kết hợp với nhau theo công thức gia truyền. Cách ủ men phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường, từng gia đình có bí quyết ủ riêng, tùy theo thời tiết nóng hay lạnh mà quả men sẽ lên men sớm hay muộn. Bên cạnh đó, để chưng cất được những giọt rượu thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn như: nấu cơm rượu không được khô hoặc nhão, nếu khô men sẽ không ngấm được vào cơm, còn nhão quá sẽ khiến rượu sau khi chưng bị chua. Sau khi cơm chín cần dỡ ra để nguội, sau đó cho men lá tự làm và trộn đều, ủ ở nhiệt độ thích hợp. Sau khoảng 15 đến 30 ngày ủ mới chưng cất. Đối với những người chưng cất rượu lâu năm, thì chỉ cần ngửi và nhìn cũng có thể biết được chất lượng của mẻ rượu do mình nấu mà không cần nếm. Bên cạnh công việc đồng áng quanh năm, thì nghề nấu rượu đã đem lại cho gia đình thêm một khoản thu nhập. Trung bình mỗi tháng gia đình tôi nấu khoảng 7 đến 8 mẻ rượu, mỗi mẻ được khoảng 10 lít, vào dịp cao điểm (tháng 7 đến tháng 11 âm lịch), gia đình nấu tăng gấp đôi mẻ nấu. Với giá trên thị trường từ 23.000 đến 25.000 đồng/lít, trung bình mỗi tháng, gia đình tôi thu nhập khoảng 4 đến 5 triệu đồng.

Tại xã Hữu Lễ có hàng trăm hộ dân làm nghề nấu rượu. Với cách làm tỉ mỉ, độc đáo đã giúp rượu thành phẩm có đặc trưng riêng với hương vị ấm, đậm và thơm đượm hương vị lá rừng nên khi uống rất êm, dịu, sử dụng điều độ sẽ tốt cho sức khỏe. Trung bình, mỗi năm, toàn xã có hơn 100.000 lít rượu men lá được bán ra thị trường. Sản phẩm không chỉ phục vụ riêng thị trường trong tỉnh mà còn được nhiều khách hàng tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Cao Bằng… ưa chuộng tìm và đặt mua. Qua đó cho thấy, sản phẩm rượu men lá Hữu Lễ đã và đang từng bước khẳng định chất lượng trên thị trường.

Anh Nguyễn Xuân Hưng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Với những ai từng uống rượu men lá Hữu Lễ, có lẽ sẽ không quên được hương vị cay nồng, thơm dịu của nó. Điều tôi thích ở loại rượu này không chỉ bởi vị ngon mà còn bởi khi uống nếu có lỡ quá chén cũng không bị đau đầu hay đắng miệng. Mỗi lần có dịp đến huyện Văn Quan chơi hay công tác, tôi đều tìm mua rượu men lá Hữu Lễ để thưởng thức và mua làm quà biếu cho người thân, bạn bè.

Ảnh lớn: Người dân thôn Bản Rượi, xã Hữu Lễ kiểm tra chất lượng cơm rượu Ảnh nhỏ: Men lá sau khi được nặn và phơi khô

Ảnh lớn: Người dân thôn Bản Rượi, xã Hữu Lễ kiểm tra chất lượng cơm rượu Ảnh nhỏ: Men lá sau khi được nặn và phơi khô

Giữ gìn và phát huy nghề truyền thống

Năm 2019, sản phẩm rượu men lá Hữu Lễ được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Hiện nay, sản phẩm rượu men lá Hữu Lễ đang được hoàn thiện hồ sơ công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp huyện.

Ông Lộc Văn Cơ, Chủ tịch UBND xã Hữu Lễ cho biết: Những năm gần đây, xã Hữu Lễ đã tạo điều kiện, hỗ trợ người dân đẩy mạnh sản xuất sản phẩm rượu men lá Hữu Lễ, kết hợp với mở rộng thị trường. Việc làm rượu men lá không chỉ gìn giữ những giá trị truyền thống mà còn góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Với những hiệu quả đó, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục khuyến khích và động viên bà con tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây men, quản lý tốt chất lượng sản phẩm, cách thức sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Qua đó, góp phần đưa sản phẩm rượu men lá Hữu Lễ có chỗ đứng trên thị trường, giúp người dân yên tâm sản xuất, tăng thu nhập.

Ông Nông Văn Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới các sản phẩm rượu truyền thống, đặc biệt là về chất lượng cũng như độ an toàn của sản phẩm. Sản phẩm rượu men lá Hữu Lễ không chỉ đảm bảo về chất lượng mà còn có đầy đủ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc… giúp khách hàng an tâm khi lựa chọn sử dụng. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để sản phẩm có mặt tại các gian trưng bày, hội chợ trong và ngoài tỉnh; khuyến khích các hộ đăng bán sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường.

Chuyến đi đến xã Hữu Lễ khiến tôi chợt nhớ tới câu ca dao “Ai lên Xứ Lạng cùng anh/ Bõ công bác mẹ sinh thành ra em/ Tay cầm bầu rượu nắm nem/ Mảng vui quên hết lời em dặn dò...”. Cứ mỗi độ xuân về, khi những cánh hoa đào, hoa mận nở khắp núi rừng, người dân tộc Nùng, Tày Xứ Lạng lại tất bật chuẩn bị cho cái tết là con lợn béo, gà trống thiến, gạo nếp làm bánh chưng và không quên những vò rượu men lá thơm nồng để đãi khách.

Tin rằng, với sự chủ động lưu giữ nghề truyền thống của người dân và sự quan tâm, định hướng của cấp ủy, chính quyền xã, mỗi mùa xuân sang, thương hiệu rượu men lá Hữu Lễ sẽ ngày càng được nhiều người biết đến. Từ đó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương cũng như góp phần lưu truyền những nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người dân nơi đây.

MAI LINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/bai-xuan-dam-say-huong-vi-ruou-men-la-huu-le-ngay-xuan-5031191.html