Mệnh lệnh từ trái tim

Sáng nay mẹ lên tiễn em đi hả?

- Dạ, mẹ khóc, mẹ nói em về nhà, đừng đi nữa. Nhà có 3 chị em mà chị đã tham gia chống dịch, rồi giờ em cũng đi. Nhà còn mỗi thằng út. Mẹ lo lắm!...

Vậy rồi, Trần Tiến Thành vẫn xốc ba lô, vẫy tay chào mẹ lên đường, cùng hơn 200 thanh niên tình nguyện khác hướng về TP Hồ Chí Minh. Để lại những cái vẫy tay cùng niềm thương mến sau lưng, sáng 25/9, Thành sẵn sàng bước vào vùng đỏ, chung tay cùng Sài Gòn chiến đấu với dịch Covid-19.

Trần Tiến Thành chia tay mẹ trước khi lên xe tiến về TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Thành Đoàn Đà Lạt)

Trần Tiến Thành chia tay mẹ trước khi lên xe tiến về TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Thành Đoàn Đà Lạt)

1. Trần Tiến Thành sinh năm 2000. Chàng trai nhà ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, vậy mà khi thấy Thành Đoàn Đà Lạt tuyển tình nguyện viên hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch, em tức tốc đăng ký ngay vì sợ địa phương hết suất. Chị gái của em, sinh năm 1997, hiện đang sinh sống và làm việc ở Sài Gòn, mấy tháng qua cũng xông pha ngay trong tâm dịch với vô vàn những phần việc không tên của các đội tình nguyện, thay vì về quê tránh dịch. Thế nên, Thành bảo, em muốn góp sức thêm cho lực lượng tuyến đầu ngay khi có cơ hội, dù chỉ là một chút chia sẻ nhỏ nhoi.

Mấy tháng nay, Thành cùng lực lượng đoàn viên, thanh niên của huyện Đơn Dương có mặt trên những vườn rau củ, miệt mài thu hoạch, đóng gói, vận chuyển nông sản gởi cho đồng bào vùng dịch đang gặp khó khăn, thiếu thốn. Anh nông dân nông nghiệp công nghệ cao bỏ lại công việc ở nhà, hiền lành ôm mẹ trấn an trước khi lên đường. “Ba em thì ủng hộ hoàn toàn, còn mẹ em sợ nguy hiểm, nên hết nửa phần không muốn em đi. Em phải lấy gương chị gái, bảo rằng chị đang chống dịch hết mình mà vẫn an toàn để mẹ yên tâm” – Thành chia sẻ.

2. Nguyễn Xuân Hậu, 26 tuổi. Tối muộn ngày 22/9, khi Thành Đoàn Đà Lạt ra thông báo tuyển tình nguyện viên, em gửi cho tôi tin nhắn: “Em có nên đi Sài Gòn không chị?”. Tối đó, Hậu đã trăn trở rất lâu, để rồi hôm sau, tên em chốt lại danh sách 52 tình nguyện viên của TP Đà Lạt.

Trước đó, xã Trạm Hành nơi em ở vừa trải qua một tháng giãn cách theo Chỉ thị 16 và nửa tháng giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là những ngày em cùng đội hình thanh niên tình nguyện không quản vất vả, hiểm nguy, xung kích giữa tâm dịch. Trực chốt kiểm soát, tham gia tuyên truyền, đi chợ giùm cho bà con, nhận hàng tại chốt đưa tới nhà người dân trong xã... Ở đâu cũng thấy bóng dáng áo xanh thân thuộc đồng hành cùng chính quyền và Nhân dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tối trước khi lên đường về TP Hồ Chí Minh, em ngồi nói chuyện với mẹ mấy câu, nghe bố dặn vài điều. Một chút lo lắng, nhưng không ai nói ra để cả hai bên đều an lòng. Hậu bảo, năm này em đi suốt, bỏ bê vườn tược mấy tháng nay, không phụ bố, phụ anh được gì. Trạm Hành đang mùa trái hồng đẹp nhất. Mùa hồng năm nay, Hậu bảo mình lỡ mất một mùa, nhưng là để cho rất nhiều mùa hồng chín ngọt ngào, rộn ràng và bình yên như đã từng, cho những năm sau.

Các tình nguyện viên Lâm Đồng lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch

Các tình nguyện viên Lâm Đồng lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch

3. Phan Công Quốc Hoàng vừa đủ 18 tuổi được hơn 2 tháng và chuẩn bị trở thành tân sinh viên của Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Thi tốt nghiệp THPT xong, chưa kịp nghỉ ngơi sau một năm học nhiều thử thách, Hoàng xung phong luôn vào đội hình thanh niên tình nguyện xã Trạm Hành, tham gia hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm cho người dân.

Em nói rằng, mình còn trẻ, có nhiều năng lượng thì phải có trách nhiệm sẻ chia với cả cộng đồng, nên bố mẹ ủng hộ ngay khi Hoàng đăng ký đi TP Hồ Chí Minh hỗ trợ lấy mẫu. “Mà kể cả bố mẹ không ủng hộ, chắc em cũng trốn đi chị ạ! Mình làm việc ý nghĩa mà” - nghe Hoàng nói, tôi lại liên tưởng tới những chàng trai tuổi mười tám đôi mươi ngày xưa trốn nhà ra chiến trận, dũng cảm và đầy nhiệt huyết thanh xuân.

Sài Gòn sẽ là nơi mà Hoàng gắn bó ít nhất trong 4 năm tới, trong quãng thời gian sinh viên và chuyến tình nguyện lần này sẽ là một dấu ấn đặc biệt, là kỷ niệm đầu tiên của em đối với thành phố mang tên Bác. Tuổi 18 của em, vì vậy cũng sẽ trở nên đáng nhớ. Dấn thân vào tâm dịch, Hoàng cũng đã chuẩn bị tâm lý và sẵn sàng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, cũng như suy nghĩ tích cực và thái độ lạc quan trước những tình huống có thể xảy ra.

Đoàn xe chở tình nguyện viên Lâm Đồng thẳng tiến TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Đoàn Phường 3)

Đoàn xe chở tình nguyện viên Lâm Đồng thẳng tiến TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Đoàn Phường 3)

4. Kơ Să Ha Ân – Bí thư Chi đoàn Lực lượng Dân quân xã Tu Tra, huyện Đơn Dương là một trong những người đầu tiên đăng ký tham gia khi Đoàn xã Tu Tra kêu gọi tình nguyện viên hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch. Chàng trai Churu 19 tuổi nhanh nhẹn, hoạt bát, vừa vinh dự đứng vào hàng của của Đảng được hơn một tháng. Trách nhiệm của một đảng viên trẻ càng thêm thôi thúc Ân cống hiến, nhất là trong tình hình dịch bệnh khó khăn.

Thôn Bokabang nơi Ân sống tuy nghèo nhưng vẫn đang tạm yên bình trước làn sóng dịch Covid-19. Mấy tháng qua, càng tham gia hỗ trợ tuyến đầu trực chốt, truy vết... tại huyện Đơn Dương, Ân càng hiểu được nỗi vất vả, gian nan cũng những vùng có dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ân chia sẻ: “Em muốn góp sức giúp thành phố nhanh chóng hết dịch để người dân không phải lo lắng, cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường. Hơn nữa, bản thân em không muốn lãng phí sức trẻ khi cộng đồng xã hội đang rất cần mỗi người đồng sức, đồng lòng trong công cuộc chống dịch Covid-19”.

Mang tâm thế đó, Ha Ân lên đường trong tình cảm trân quý của mọi người, sự động viên của lãnh đạo huyện, xã; mang theo hành trang là những kinh nghiệm đã có trong thời gian chống dịch trước đó. Sẽ không tránh khỏi những lúng túng ban đầu, nhưng cùng những kiến thức cơ bản về phòng chống dịch Covid-19 đã được trang bị, Ân sẵn sàng bước vào tâm dịch.

Tình nguyện viên Lâm Đồng tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tại TP Hồ Chí Minh sáng 26/9 (Ảnh: Xuân Hậu)

Tình nguyện viên Lâm Đồng tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tại TP Hồ Chí Minh sáng 26/9 (Ảnh: Xuân Hậu)

5. Cũng giống như Thành, Hậu, Hoàng, Ân, mỗi tình nguyện viên trong 218 tình nguyện viên lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch đợt này, cũng như hàng ngàn đoàn viên, thanh niên vẫn đang đóng góp sức mình cho công tác chống dịch khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh đều mang trong mình một câu chuyện đặc biệt. Điểm chung của họ là trái tim ấm nóng tinh thần dân tộc và nhiệt huyết tuyệt vời của tuổi trẻ luôn tràn trề trong huyết quản, sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng chia sẻ. Ở đó, có những sinh viên vừa kết thúc những ngày thật sự bận rộn, vất vả ở Bình Dương, nay lại xung phong ngay xuống Sài Gòn chống dịch; có những thanh niên ở vùng sâu Đam Rông hay vùng xa xôi Cát Tiên, mặc dù khó khăn, bộn bề, vẫn ngay lập tức đăng ký vào đội hình tình nguyện.

Đến nay, đã có 3 đợt tình nguyện viên trẻ Lâm Đồng lên đường hỗ trợ các địa phương chống dịch và đây là đợt có số lượng đông nhất, phục vụ cho chiến dịch xét nghiệm thần tốc, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát, nhanh chóng tiến tới kiểm soát dịch bệnh do Bộ Y tế phát động. Ngoài giảng viên trẻ, sinh viên y, dược, sinh viên tình nguyện, đội hình còn có cả những thành viên thuộc đội xung kích chống dịch thuộc các địa phương trong tỉnh. Thế nên, đa phần các bạn đều đã có kinh nghiệm, kỹ năng và bản lĩnh đương đầu với dịch Covid-19.

Thương thật thương những tin nhắn của các tình nguyện viên mà Bí thư Tỉnh Đoàn Trần Thị Chúc Quỳnh chia sẻ: “Em muốn tham gia để một phần nào đó giúp đỡ mọi người”, “Còn là thanh niên, cống hiến được bao nhiêu thì cống hiến thôi chị nhỉ!”, “Chúng em sẽ tình nguyện và hoàn thành thật tốt nhiệm vụ”... Mang trong mình tinh thần tình nguyện, nên mệnh lệnh duy nhất khiến những người trẻ sẵn sàng xung phong vào tâm dịch nguy hiểm, sẻ chia với đồng bào, đó chính là mệnh lệnh từ trái tim.

VIỆT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202109/menh-lenh-tu-trai-tim-3080958/