Mẹo giúp người bệnh ung thư ngủ ngon

Người bệnh ung thư nên tránh ăn tối trước khi ngủ 2 tiếng, có thể uống trà hoa cúc, tắm nước ấm, nghe nhạc êm dịu để thư giãn, dễ chợp mắt.

Người bệnh ung thư nên tránh ăn tối trước khi ngủ 2 tiếng, có thể uống trà hoa cúc, tắm nước ấm, nghe nhạc êm dịu để thư giãn, dễ chợp mắt.

Nhiều người khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và đang điều trị thường gặp tình trạng trằn trọc, khó ngủ hoặc ngủ rất ít. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, khiến người bệnh mệt mỏi, giảm năng lượng, dễ nổi cáu... Nguyên nhân mất ngủ thường do bệnh ung thư gây ra, tác dụng phụ của điều trị, lo lắng, căng thẳng.

Mất ngủ có thể được kiểm soát bằng cách điều chỉnh lối sống, sinh hoạt hoặc thuốc. Dưới đây là một số gợi ý giúp người bệnh ung thư dễ ngủ hơn.

Trước khi đi ngủ

Tắm nước ấm trước khi ngủ có thể giúp thư giãn các cơ đang căng thẳng và dễ ngủ hơn. Một cách khác để giảm căng cơ là thực hiện các động tác kéo giãn nhẹ nhàng mỗi ngày.

Đi ngủ khi bạn mệt mỏi, trường hợp không buồn ngủ trong vòng 15 phút, bạn nên thức dậy và làm việc khác như nghe nhạc, thư giãn, đọc sách và quay lại giường khi cảm thấy buồn ngủ. Một tách trà hoa cúc có thể rất có ích cho người bệnh ung thư mỗi lúc khó chợp mắt. Loại trà thảo mộc phổ biến này thường lành tính, có tác dụng an thần để dễ ngủ hơn.

Trà hoa cúc có lợi cho giấc ngủ. Ảnh: Freepik

Chuẩn bị phòng ngủ

Bạn có thể sử dụng đèn ngủ ở hành lang để không phải bật đèn vào giữa đêm nếu cần thức dậy. Nhiệt độ phòng ngủ ngủ mát mẻ, không gian yên tĩnh, nhỏ một vài giọt tinh dầu oải hương lên gối giúp cơ thể thoải mái, dễ chìm vào giấc ngủ. Trường hợp có những tiếng ồn không kiểm soát do ở gần đường phố, bạn có thể bật nhạc êm dịu để cảm thấy dễ chịu hơn khi lên giường.

Chỉ sử dụng phòng ngủ để ngủ, có nghĩa là bạn không nên xem tivi hoặc đọc sách trên giường. Bạn có thể di chuyển các thiết bị điện tử phát ra ánh sáng hoặc âm thanh trong phòng ngủ nếu thường xuyên trằn trọc.

Bạn nên đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, đừng ngủ muộn vào cuối tuần. Tạo thói quen đi ngủ đúng giờ và cố gắng tuân theo mỗi ngày rất có ích. Nếu ăn ngủ không ngon, bệnh nhân ung thư không tự ý mua thuốc ngủ uống vì lạm dụng có thể gây ra tác hại lớn với sức khỏe.

Bạn nên tập thói quen đi ngủ vào giờ cố định mỗi ngày. Ảnh: Shutterstock

Thói quen ăn uống có lợi cho giấc ngủ

Bạn nên cố gắng ăn bữa tối trước khi đi ngủ ít nhất hai tiếng. Hạn chế uống nước trước khi đi ngủ để tránh thức dậy đi vệ sinh. Nếu người bệnh ung thư gặp tình trạng tiểu đêm nên chia sẻ với bác sĩ để được thăm khám, có biện pháp can thiệp phù hợp, không tự ý dùng thuốc.

Bạn không nên uống bất cứ thứ gì có caffeine sau bữa trưa. Caffeine có chứa một số chất kích thích giúp bạn tỉnh táo nên khó đi vào giấc ngủ. Thức ăn béo và cay vào bữa tối cũng cần tránh vì chúng có thể gây ra chứng ợ nóng khiến bạn tỉnh táo hoặc thức giấc quá sớm. Uống rượu gần giờ đi ngủ có thể tạo cảm giác dễ buồn ngủ nhưng sẽ khiến bạn thường xuyên thức giấc trong đêm. Hãy thử dùng các đồ uống ấm, không chứa caffeine chẳng hạn như trà decaf, sữa ấm trước khi lên giường.

Thực phẩm chứa tryptophan sẽ tạo ra hormone serotonin cho bạn dễ ngủ hơn. Gà tây, bánh mì, ngũ cốc và sữa đều chứa tryptophan giúp cải thiện tình trạng giấc ngủ. Một ly sữa hoặc bánh sandwich gà tây có thể thúc đẩy cơ thể chìm sâu vào giấc ngủ.

Một số nghiên cứu cho thấy, hoạt động thể chất rất có ích cho người bệnh ung thư có giấc ngủ sâu và ngon hơn, cố gắng tập thể dục ít nhất một lần mỗi ngày. Đối với nhiều người, thời gian tốt nhất để tập thể dục là 4-6 giờ trước khi đi ngủ.

Thời lượng ngủ khác nhau ở mỗi người. Trong quá trình điều trị ung thư, nhu cầu ngủ có thể tăng lên do cơ thể tự sửa chữa. Người trưởng trành cần ngủ 7-9 tiếng mỗi đêm để cảm thấy tỉnh táo vào sáng hôm sau.

Bạn có thể dành một khoảng thời gian mỗi ngày để suy nghĩ hoặc viết nhật ký về những vấn đề đang lo lắng. Sau khi hết thời gian, hãy cố gắng gạt những suy nghĩ đó ra khỏi đầu và thực hiện tiếp công việc khác. Ghi chú lại lịch ngủ - thức, thời gian khiến bạn trằn trọc để theo dõi, chia sẻ cùng bác sĩ.

Nếu bệnh nhân ung thư luôn cảm thấy lo lắng, bất an hoặc trầm cảm thì tham gia vào các hội nhóm hỗ trợ người bệnh ung thư, chia sẻ cùng bác sĩ tâm lý nhằm giải tỏa cảm xúc tiêu cực. Trường hợp thiếu ngủ ảnh hưởng đến các hoạt động ban ngày thì bạn nên chia sẻ với bác sĩ sớm.

VNE

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/suc-khoe/tu-van/meo-giup-nguoi-benh-ung-thu-ngu-ngon-60408.html